Nên có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào khai thác khoáng sản

Thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre) về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, một số ĐBQH cho rằng, việc thăm dò và khai thác khoáng sản cần có sự tham gia đầu tư nhiều hơn của tư nhân, thay vì để Nhà nước đầu tư toàn bộ.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đánh giá, các chính sách trong dự án luật tương đối hài hòa, đầy đủ và có kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có quá nhiều nội dung để Nhà nước đầu tư, trong khi thu hút nguồn lực tư nhân lại hạn chế. Thực tế các luật khác như Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước cũng đang đẩy mạnh thu hút, khuyến khích tư nhân đầu tư. Do vậy, đại biểu đề nghị luật này cũng cần có chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư vào thăm dò, khai thác khoáng sản thay vì tập trung đầu tư từ nguồn lực nhà nước.

Dự thảo luật cũng quy định: Nhà nước dành một khoản kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác để đầu tư cho hoạt động điều tra, điều tiết nguồn thu từ khai thác khoáng sản cho địa phương. Nhưng điều này lại đi ngược với Luật Ngân sách nhà nước khiến đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy băn khoăn.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng chưa đề cập đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong khai thác khoáng sản nên đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các vấn đề này.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đặc biệt quan tâm đến thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thực hiện nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật bảo đảm rõ ràng.

Thời gian qua, việc thực hiện Luật Khoáng sản có rất nhiều thủ tục hành chính bất cập và mất nhiều thời gian như: cấp phép khai thác, phê duyệt dự án thăm dò khoáng sản, đánh giá công nhận trữ lượng khoảng sản thăm dò; phê duyệt các hạn mức xuất khẩu than và quy hoạch có liên quan… khiến các doanh nghiệp bị ảnh hướng rất nhiều.

Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị, dự thảo luật cần sửa đổi, tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, đồng thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho địa phương bởi địa phương vừa quản lý môi trường, quản lý nhà nước về quy hoạch vừa sản xuất, thăm dò khai thác than trên địa bàn.

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Hạnh Nhung

Theo ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên), dự thảo luật có hai vấn đề cần được làm rõ hơn. Thứ nhất, về thẩm quyền xử lý thủ tục hành chính liên quan đến khai thác khoáng sản. Trong dự thảo luật vẫn quy định ủy quyền của UBND tỉnh, nhưng theo quy chế hoạt động mỗi lần họp UBND tỉnh mất rất nhiều thời gian và phải lấy ý kiến các thành viên của UBND tỉnh. Nên chăng có những thủ tục cần ghi rõ thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thay vì UBND tỉnh để rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính.

Thứ hai, về tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo luật đưa ra 2 phương án: đóng một lần như cũ hoặc chia ra từng năm. Đại biểu Lê Đào An Xuân cho biết, trước khi có Luật Khoáng sản năm 2010 đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khoáng sản, nhưng sau khi luật ra đời với quy định tiền cấp quyền khai thác đã giúp chọn lọc được các nhà đầu tư có tiềm năng trong việc tạo thêm nguồn khoáng sản cho thị trường.

"Đây là một điểm ưu thế của tiền cấp quyền khai thác. Nếu bây giờ chia từng năm để đóng có thể có tình trạng doanh nghiệp giữ mỏ để “đầu cơ”, hoặc ép giá thị trường vì kinh phí ban đầu đưa ra rất ít. Từ thực tiễn đó, đề nghị xem xét thêm để có điều khoản chọn lọc được nhà đầu tư đúng, bảo đảm được thị trường của các loại khoáng sản", đại biểu Lê Đào An Xuân đề xuất.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nen-co-chinh-sach-khuyen-khich-tu-nhan-dau-tu-vao-khai-thac-khoang-san-i376358/