Nên cúng giao thừa ngoài trời hay trong nhà trước?
Nghi thức cúng giao thừa được thực hiện cả ở ngoài trời và trong nhà; vậy các gia đình nên cúng giao thừa ngoài trời hay trong nhà trước?
Lễ cúng giao thừa được thực hiện vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với mong muốn có một năm bình an, may mắn, thịnh vượng, xua tan những vận hạn, khó khăn của cũ để đón chào một khởi đầu mới suôn sẻ.
Cúng giao thừa ngoài trời hay trong nhà trước?
Thông thường, nghi thức cúng giao thừa gồm hai phần: Cúng ngoài trời và cúng trong nhà. Nhiều gia đình vẫn băn khoăn không biết nên thực hiện phần nào trước. Để trả lời câu hỏi này, cần làm rõ ý nghĩa của từng lễ cúng.
Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, mỗi năm thiên đình cử một vị quan hành khiển cai quản hạ giới, có tổng cộng 12 vị thần luân phiên cho 12 năm. Giao thừa chính là thời khắc bàn giao công việc giữa quan hành khiển của hai năm. Do đó, cần cúng giao thừa ngoài trời trước để tiễn vị hành khiển cũ và nghênh đón vị hành khiển mới.
Sau khi làm lễ với các vị quan nhà trời, gia chủ mới vào nhà làm lễ cúng Thổ thần và gia tiên tại bàn thờ gia tiên.
Vì sao cúng các quan hành khiển phải đặt mâm cỗ ngoài trời? Dân gian tin rằng, vì quá vội vàng khi nhận bàn giao, các vị quan hành khiển không có thời gian vào tận trong nhà. Do đó, mâm cúng thường được đặt ở ngoài trời để đón đường các ngài đi qua.
Mâm cúng giao thừa có gì?
Mâm cúng giao thừa ngoài trời có các món mặn hoặc chay tùy theo từng gia đình. Nếu là cỗ mặn thì không thể thiếu gà trống luộc, bánh chưng hoặc xôi, thường là xôi gấc, trái cây, trầu cau, gạo, muối, rượu, nước và 3 cây nhang. Có thể thêm một khoanh giò hoặc các món ăn khác. Nếu cúng vàng mã thì cần chuẩn bị bộ mũ của quan hành khiển.
Trên mâm cúng giao thừa ngoài trời không có bát hương; có thể cắm hương vào các vật phẩm cúng hoặc bát gạo.
Mâm cúng giao thừa trong nhà dâng lên Thổ công và tổ tiên, thường có nhiều món ăn thịnh soạn hơn. Người miền Bắc thường chuẩn bị canh mọc, miến nấu lòng gà, bóng bì nấu thập cẩm, xôi, bánh chưng, giò lụa, thịt luộc, thịt đông, nộm và dưa hành muối. Miền Trung có dưa món, giò lụa, thịt đông, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, và măng ninh. Miền Nam lại ưu tiên các món nguội như canh khổ qua nhồi thịt, canh măng, chả giò, củ kiệu, và bánh tét.
Nhiều gia đình chuẩn bị cỗ cúng giao thừa trong nhà đơn giản vì vào buổi chiều đã làm cỗ thịnh soạn để cúng tất niên.
Lưu ý khi cúng giao thừa
Thời gian có thể cúng giao thừa là từ 23h ngày 30 Tết (hoặc 29 Tết với năm thiếu) đến 1h ngày Nguyên đán (mùng 1 Tết), đó là giờ Tý. Tuy nhiên, lý tưởng nhất cúng vào đúng 0h, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Nếu cúng ngoài trời, cần chọn không gian rộng, gần mặt đất. Nhiều gia đình ở chung cư có không gian hạn chế nên chỉ cần cúng trong nhà là đủ. Nếu muốn cúng ngoài trời, nên xuống sân phía dưới thay vì cúng trên các tầng lầu vì không gian trên tầng quá xa mặt đất. Lễ cúng ngoài trời cần được thực hiện ở nơi mà trời và đất gần nhau, lễ vật được đặt gần mặt đất.
Về hướng cúng, theo nhiều chuyên gia phong thủy, Hỷ thần ở hướng Đông Bắc và Tài thần ở hướng Nam, do đó lễ vật cúng giao thừa ngoài trời có thể đặt theo hai hướng này.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nen-cung-giao-thua-ngoai-troi-hay-trong-nha-truoc-ar921411.html