Nên dạy trẻ về tiền từ cấp mẫu giáo?

Sáng nay ngồi cà phê với mấy bạn già, cựu hướng đạo sinh từ thời tuổi teen ở Đà Nẵng, thì được một cháu bé chừng 6 tuổi mời mua vé số. Các bác ủng hộ cháu mỗi người một vé, sau đó gom lại tặng cháu luôn.

 Khóa học "Bạn nhỏ Thông minh Tài chính". Nguồn: bethongminh.vn

Khóa học "Bạn nhỏ Thông minh Tài chính". Nguồn: bethongminh.vn

Cháu nhỏ cảm ơn các bác và nhanh nhẹn lấy ra một cái túi nhỏ khác màu với cái túi đựng tiền bán vé số. Cháu nói: “Túi này là túi tiết kiệm, nên cháu bỏ vé ông tặng vào đây, nếu may mà trúng thì là tiền để dành, phân biệt với cái túi kia là tiền bán vé số. Nếu không sẽ lẩn lộn”. Tôi hơi ngạc nhiên: “Bố mẹ dạy cháu phân biệt hai tài khoản “lưu động” và “tiết kiệm” hả?” –“Không, cháu tự nghĩ ra, để khỏi lẩn lộn thôi”.

Cháu bé còn nhỏ đã có “trách nhiệm tài chính” cá nhân của mình rồi! Cháu sẽ thành công hoặc ít nhất là người lương thiện trong tương lai.

Mặc dù cháu “khôn” hơn các trẻ khác (về tiền) có lẽ vì hoàn cảnh thôi, chứ phần lớn gia đình Á châu không muốn con cái nghĩ đến tiền quá sớm! Thật ra, đó là sai lầm “không hề nhỏ” của các bậc phụ huynh.

Nếu có một người hiểu được tầm quan trọng của việc dạy trẻ em về trách nhiệm tài chính, thì đó chính là Warren Buffett.

Tôi đã đọc hồi ký “Hòn tuyết lăn” của ông. Trước khi trở thành CEO của Berkshire Hathaway, nhà đầu tư huyền thoại đã bắt đầu kinh doanh từ năm sáu tuổi, khi ông mua một thùng 6 lon Coca-cola với giá 25 xu và bán mỗi lon 5 xu (tổng cộng: 30 xu, lãi 5 xu). Ông cũng giao báo và kẹo cao su tận nhà.

Từ khi còn rất nhỏ ông đã có thói quen đúng đắn về tiền. “Tiết kiệm là một bài học quan trọng cha đã dạy cho tôi”, Buffett nói.

“Sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh là chờ khi chúng đến tuổi trung học mới nói về tiền. Thật ra nên dạy chúng về tiền ngay khi chúng mới vào mẫu giáo”, Warren Beffett nói với đài CNBC ngày 20-7-2019.

Theo quan điểm của Buffett, các nhà nghiên cứu đã khám phá rằng 80% sự phát triển não bộ của chúng ta bắt đầu khi 3 tuổi.

Một nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy trẻ em đã có thể nắm bắt các khái niệm cơ bản về tiền trong độ tuổi từ 3 đến 4.

Và đến 7 tuổi, các khái niệm cơ bản liên quan đến các hành vi tài chính trong tương lai thường sẽ định hình phát triển trong độ tuổi này.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết tầm quan trọng của việc dạy con cái về tiền bạc và cách quản lý tiền đúng cách, ông Buff Buffett thừa nhận. Nhưng có một sự khác biệt giữa hiểu biết và hành động.

Theo khảo sát năm 2018 của T. Rowe Price, công ty quản trị tài chính toàn cầu có trụ sở tại Baltimore, Mỹ, với phản hồi từ 1.014 phụ huynh (có con trong độ tuổi từ 8 đến 14) và hơn 1.000 thanh niên (từ 18 đến 24 tuổi), chỉ có 4% phụ huynh cho biết họ bắt đầu thảo luận chủ đề tài chính với con của họ trước 5 tuổi.

30% cha mẹ bắt đầu giáo dục con cái về tiền từ 15 tuổi trở lên, trong khi 14% cho biết họ không bao giờ dạy con cái về tiền bạc.

Vào năm 2011, Buffett đã giúp cho ra mắt loạt phim hoạt hình dành cho trẻ em có tên là “Câu lạc bộ Triệu phú bí mật”, trong đó ông vào vai là người cố vấn cho một nhóm học sinh.
Chương trình có 26 tập, và mỗi tập giải quyết một bài học tài chính, chẳng hạn như cách mở và sử dụng thẻ tín dụng, cách thẻ hoạt động hoặc lý do tại sao phải theo dõi tài khoản của mình.

“Tôi đã dạy cả ba con của tôi những bài học trong “Câu lạc bộ triệu phú bí mật”, Buffett nói với CNBC. Đây là những bài học đơn giản dành cho kinh doanh và cuộc sống.

1. Làm thế nào để trở thành một người suy nghĩ linh hoạt

Mục tiêu của bài học này là để khuyến khích con bạn không bỏ cuộc chỉ vì một thứ gì đó không có hiệu quả lần đầu tiên. Khả năng suy nghĩ sáng tạo và phá cách sẽ có ích khi họ gặp phải những thách thức tài chính trong tương lai.

Hãy đưa con đến một bảo tàng nghệ thuật và nói chuyện với con về các phong cách khác nhau của mỗi bức tranh. Sau đó, đề nghị con vẽ một cái gì đó của riêng con. Yêu cầu con động não với các dụng cụ khác nhau - ngoài cọ vẽ - có thể dùng thêm bọt biển, tăm bông, ngón tay v.v…

Biến thùng rác của bạn thành kho báu bằng cách thách thức con bạn đưa ra những cách sử dụng mới cho những đồ dùng cũ quanh nhà (ví dụ: dùng nắp chai làm quân cờ, dùng một hộp đựng ngũ cốc rỗng để đựng tạp chí…). Điều này sẽ giúp dạy con cách suy nghĩ chín chắn, tiết kiệm tiền và đồng thời giúp bảo vệ môi trường.

2. Làm thế nào để bắt đầu tiết kiệm tiền

Tại sao câu chuyện cháu bán vé số trên đây với chiếc túi tiết kiệm riêng khiến tôi nghĩ rằng cháu sẽ thành công trong tương lai?

Như Ben Franklin đã từng nói: “Một xu tiết kiệm chính là một xu lợi nhuận”.

Để giúp con bạn học cách quản lý tiền của mình, hãy học cách của cháu bán vé số (nhưng khác nhau ở đây chỉ là trò chơi): Đưa cho con bạn, mỗi đứa hai lọ tiền: Một để tiết kiệm và một để chi tiêu. Mỗi lần chúng nhận được tiền (ví dụ một món quà sinh nhật , tiền tiêu vặt, tiền lì-xì lễ tết v.v…), hãy nói với chúng về cách chúng muốn chia tiền thành hai để bỏ vào 2 lọ: tiết kiệm và chi tiêu.

Cho trẻ lập danh sách hoặc tạo tranh ghép từ ảnh tạp chí gồm 5 đến 10 thứ chúng muốn mua. Sau đó, cùng con xem xét từng thứ và đánh dấu xem thứ nào là con muốn và thứ nào là cần (ví dụ: đồ chơi mới là muốn, trong khi ba lô mới là cần).

3. Cách phân biệt giữa tiền và giá trị

Hãy nói với con rằng: “Tất cả chúng ta đều có lỗi khi phải trả nhiều tiền hơn để mua một đôi giày hàng hiệu hoặc một dụng cụ cao cấp khi chúng ta có thể mua một mặt hàng tương tự nhưng với giá thấp hơn”.

Ý tưởng đằng sau bài học này là giúp con trẻ hiểu được những cách khác nhau mà các nhà quảng cáo lôi cuốn chúng ta mua sản phẩm hay dịch vụ của họ, cũng như dạy cho con cái gì là có giá trị và cái gì là không.

Một trò chơi khác: Lập danh sách các mặt hàng bạn cần tại siêu thị, sau đó kiểm tra tờ rơi, báo và trang web với con bạn để biết các mặt hàng trong danh sách có thể được bán. So sánh các bảng giá và xem cửa hàng nào bán giá tốt nhất cho một sản phẩm cụ thể

4. Cách đưa ra quyết định tốt

Chìa khóa để đưa ra quyết định sáng suốt là suy nghĩ về ảnh hưởng trong tương lai của các lựa chọn của mình.

Buffett đề nghị mô hình hóa các kỹ năng ra quyết định tốt và nói chuyện với con về các quyết định của bạn khi bạn thực hiện chúng, cũng như bất kỳ hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra.

Ví dụ: Nói với con "Nhà chúng ta muốn mua TV mới, nhưng máy lạnh lại hỏng và chúng ta cần tiết kiệm tiền để sửa nó. Nếu không sửa máy lạnh, nhà sẽ rất nóng vì mùa hè đến. Khi sửa máy lạnh xong, chúng ta có thể nghĩ về việc mua TV”.

Thấm nhuần thói quen xài tiền hợp lý ở trẻ là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giúp đảm bảo chúng có một tương lai thành công.

“Hãy dạy con hiểu giá trị của tiền, sự khác nhau giữa cái cần và cái muốn hay giá trị của chi tiêu tiết kiệm, ngay từ rất sớm. Đó là cách tốt nhất giúp trẻ nhận thức tầm quan trọng của tiền”, Warren Buffett nhấn mạnh.

Trần Ngọc Châu

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295070/nen-day-tre-ve-tien-tu-cap-mau-giao.html