Nên giao địa phương chủ động trong tuyển sinh cấp trung học phổ thông

Hiện nay, nhiều phụ huynh, học sinh và giáo viên quan tâm về dự thảo thông tư quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến để ban hành, thay thế các quy định hiện hành. Theo dự thảo thông tư, sẽ có sự thay đổi về việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026, trong đó nội dung khiến nhiều người lo lắng là quy định về việc lựa chọn môn thi thứ ba, bởi môn thi này có sự thay đổi qua các năm học và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Quy định này được cho là chưa phù hợp với thực tế của từng địa phương và tăng thêm áp lực cho học sinh.

Theo dự thảo thông tư, tuyển sinh THPT từ năm học 2025 - 2026 sẽ được tổ chức theo 1 trong 3 phương án: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Ngoài Toán, Ngữ văn là 2 môn thi bắt buộc thì môn thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số (gồm Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học) hoặc bài thi tổ hợp, được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT quy định về môn thi thứ ba như trên nhằm tránh tình trạng học sinh học tủ, học lệch. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, học sinh lớp 9 năm nay là lứa đầu tiên thi vào lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngay từ lớp 6 các em đã được tiếp cận chương trình sách giáo khoa và phương pháp học cấp THCS hoàn toàn mới, đòi hỏi quá trình học cần đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu về năng lực, phẩm chất, thái độ theo đánh giá khác những năm học trước. Quá trình học có đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và việc này được thực hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối năm học. Các đợt kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ bảo đảm đánh giá kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của từng môn học nên không có cơ sở để lo ngại môn không thi tuyển vào lớp 10 thì học sinh không học.

Đối với tỉnh Quảng Trị, trong 2 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 và 2024 - 2025, ngành GD&ĐT tổ chức kỳ thi toàn tỉnh theo phương thức thi tuyển và xét tuyển. Việc đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển vào lớp 10 được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo tính công bằng, khách quan. Đề thi các môn được đánh giá là phù hợp, đảm bảo phân hóa được trình độ của học sinh.

Theo Sở GD&ĐT, những năm học vừa qua chất lượng giáo dục cấp THCS có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho nên sở sử dụng hình thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT kết hợp đánh giá kết quả đầu ra của học sinh THCS với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để làm cơ sở dữ liệu cho các trường nghiên cứu điều chỉnh lại cách dạy, cách học.

Sở dĩ chọn 3 môn này để học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 vì theo đánh giá của Sở GD&ĐT, đây là 3 môn vừa có tính chất cơ bản vừa là công cụ quan trọng. Bên cạnh việc lấy kết quả tuyển sinh vào lớp 10, Sở GD&ĐT đã rà soát, đánh giá cụ thể điểm 3 môn thi, so sánh mức độ chênh lệch giữa điểm thi với điểm học bạ 4 năm học bậc THCS của học sinh 131 trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời công bố công khai kết quả nhằm tạo động lực cho các trường phấn đấu, có biện pháp nâng cao chất lượng dạy học và phân luồng học sinh hiệu quả hơn. Đây là điểm mới trong công tác tuyển sinh bậc THPT của tỉnh, cần tiếp tục được duy trì trong những năm học tới để nâng cao chất lượng giáo dục cấp THCS trên địa bàn.

Những năm học vừa qua, phương án thi tuyển lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cũng được nhiều địa phương áp dụng đã chứng minh sự phù hợp và nhận được sự ủng hộ của đa số học sinh, phụ huynh. Ngành giáo dục Quảng Trị coi 3 môn học này là 3 môn “xương sống”, cần cho tất cả học sinh. Dù là học sinh đồng bằng hay miền núi, thành thị hay nông thôn thì trong chương trình chung, 3 môn học này đều được phân bổ nhiều thời lượng hơn trong suốt quá trình học và bảo đảm độ phủ kiến thức của học sinh.

Đặc biệt, với môn Tiếng Anh, điểm trung bình kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 của học sinh toàn tỉnh chỉ đạt 4,55 điểm, tăng 0,75 điểm so với năm học 2023 - 2024, mức điểm này còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục thi môn Tiếng Anh để lấy động lực cho học sinh học tập, góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ trong các nhà trường và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.

Hằng năm, tỉnh Quảng Trị có hơn 85% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học các trường THPT công lập, khác hẳn với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh..., kỳ thi tuyển sinh lớp 10 còn căng thẳng hơn cả thi đại học vì “cánh cửa” để học sinh vào học bậc THPT công lập ở những địa phương này khá hẹp. Điều này cho thấy mỗi địa phương có những đặc thù, điều kiện thực tế riêng nên việc tuyển sinh đầu cấp cần phân cấp cho địa phương quản lý, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm.

Hiện Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp thu ý kiến từ cơ sở. Học sinh, phụ huynh và giáo viên kỳ vọng sẽ có một quy chế đảm bảo tính chất khung về chính sách, các đối tượng ưu tiên nhằm áp dụng cho người học trong cả nước một cách thống nhất.

Đồng thời quy chế cũng cần có độ mở, tạo điều kiện cho địa phương ban hành chính sách riêng phù hợp với thực tế công tác tuyển sinh THPT từng tỉnh, thành phố, bảo đảm phân cấp quản lý nhà nước về GD&ĐT. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương án thi cũng cần có lộ trình, định hướng sớm để học sinh, giáo viên chuẩn bị, chủ động trong học tập, giảng dạy.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nen-giao-dia-phuong-chu-dong-trong-tuyen-sinh-cap-trung-hoc-pho-thong-190368.htm