Nên hay không nên bỏ quy định về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu trong Luật Công chứng (sửa đổi)

Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 17/06/2024, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), sau đó Quốc hội đã thảo luận tại tổ và đã có 106 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận. Ngay sau phiên thảo luận tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận tại tổ và có báo cáo tổng hợp gửi đến đại biểu Quốc hội.

Ông Lê Xuân Thân – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Ông Lê Xuân Thân – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Nhìn chung, các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tán thành với các quy định của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và góp ý thêm nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật.

Tại phiên thảo luận ở hội trường hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật và 8 nhóm nội dung cụ thể đã nêu trong Báo cáo thẩm tra cùng các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tham gia góp ý vào dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần cần cân nhắc nội dung: Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc lợi ích của nhà nước, xã hội. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc quy định văn bản vô hiệu được thực hiện theo Bộ Luật Hình sự thực tế đã áp dụng và không có vướng mắc và bất cập.

Tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, đại biểu Lê Xuân Thân – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, không nên bỏ quy định này, vì đây là văn bản luật công chứng, nên tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khác với giao dịch, hợp đồng theo Bộ luật Dân sự.

Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị chỉnh lý lại quy định về lời chứng của công chứng viên, theo đó, quy định hiện tại buộc lời chứng của công chứng viên phải không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đại biểu, cần sửa lại theo đúng quy định của Hiến pháp và của Bộ luật Dân sự 2015 là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, để đảm bảo thực hiện pháp luật thống nhất, đồng bộ. Với Điều 51, đại biểu đề nghị bổ sung “việc thực hiện tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự”.

Tham gia góp ý vào dự án Luật này, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, nghiên cứu đến các quy định về: cần xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng có phạm vi toàn quốc, đồng bộ, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia; Cân nhắc giữ tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên theo Luật hiện hành; Cần nghiên cứu bổ sung quy định về chức danh trợ lý công chứng viên; Cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng; Cần cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; Cân nhắc cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên tại vùng sâu, vùng xa; Quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính xác thực và hợp pháp của nội dung bản dịch;…

TRÍ NGHĨA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202406/nen-hay-khong-nen-bo-quy-dinh-ve-tuyen-bo-van-ban-cong-chung-vo-hieu-trong-luat-cong-chung-sua-doi-69579cc/