Nên hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn?
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ cho doanh nghiệp ngành rượu, bia trong bối cảnh thị trường còn khó khăn.
Trả lời VTC News, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thời gian qua doanh nghiệp ngành đồ uống đang nhiều chịu tác động tiêu cực kép.
“Kinh tế giảm sút, thu nhập của người dân thấp đi, nhu cầu sử dụng rượu bia của người giảm mạnh khiến sản lượng của các doanh nghiệp bia rượu, nước giải khát sụt giảm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, những chính sách liên quan như quy định của nghị định 100 về xử phạt giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) càng khiến doanh nghiệp khó khăn”, ông Doanh phân tích.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến thông qua vào tháng 5/2025, ngành bia rượu sẽ chịu tác động khi phải tăng thuế theo lộ trình, bao gồm cả sản phẩm nước giải khát có đường.
"Những chính sách này càng khiến doanh nghiệp "khó chồng khó". Vì vậy, chúng tôi cho rằng Chính phủ cần đề xuất giãn tiến độ tăng thuế tiêu thụ cho doanh nghiệp ngành bia rượu”, TS Lê Đăng Doanh đề xuất.
Trong khi đó, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Du An, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, doanh nghiệp ngành bia rượu đang đối diện rất nhiều khó khăn do tác động từ đại dịch và xung đột chính trị.
Từ năm 2021, tăng trưởng của doanh nghiệp giảm 10 - 15% so với năm 2019, năm 2022 tăng trưởng giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%.
Các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng.
“Các doanh nghiệp chúng tôi khẩn thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 2-3 năm nữa, giúp hỗ trợ phần nào doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, ông An nói.
Cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc, đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế đối với ngành rượu, bia, nước giải khát, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, chính sách ban hành cần kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả giúp các chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống.
“Do đó, chúng tôi kiến nghị xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại”, ông Hưng đề xuất.
Đồng tình quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, CIEM đã có báo cáo đánh giá định lượng tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn.
"Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp", bà Thảo nói.
Đại diện CIEM kiến nghị cơ quan soạn thảo nên đánh giá tác động một cách toàn diện khi đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cùng với đó, Chính phủ nên lùi thời hạn hoặc có lộ trình đối với việc áp dụng sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược thích ứng, kế hoạch cải tiến sản phẩm, trong khi có thể khấu hao dây chuyền công nghệ cũ.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025. Luật có tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội và nền kinh tế, vì thế nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp rượu, bia, đồ uống.