Nền kinh tế Đức: Nguy cơ bất ổn do chia rẽ chính trị
Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ sau quyết định của Thủ tướng Olaf Scholz cách chức Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Động thái này diễn ra trong bối cảnh kinh tế trì trệ, căng thẳng chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn.
Đại diện ba đảng trong liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tranh cãi nhiều vấn đề liên quan đến các đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Christian Lindner đưa ra. Thủ tướng Olaf Scholz muốn tăng chi tiêu bằng cách viện dẫn tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner phản đối. Ông Christian Lindner đã đề xuất bầu cử sớm, song Thủ tướng Olaf Scholz đã từ chối và sa thải Bộ trưởng Tài chính sau đó.
Trong một thông báo tiếp theo, lãnh đạo nhóm nghị sĩ FDP tại Quốc hội Christian Durr tuyên bố, FDP sẽ rút tất cả bộ trưởng ra khỏi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, chính thức chấm dứt liên minh.
Trong diễn biến liên quan, ngày 7-11, Tổng thống Steinmeier đã bổ nhiệm ông Jörg Kukies, thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Quốc vụ khanh tại Văn phòng Thủ tướng Liên bang, làm Bộ trưởng Tài chính. Trong khi đó, Bộ trưởng Kỹ thuật số và Giao thông Volker Wissing kiêm nhiệm thêm chức Bộ trưởng Tư pháp; Bộ trưởng Lương thực và Nông nghiệp Cem Ozdemir thuộc đảng Xanh được bổ nhiệm thêm chức Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu.
Khi liên minh ba đảng được thành lập vào năm 2021, nhiều nhà phân tích đã nhận định là khó có thể duy trì. Năm 2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ của Mátxcơva cho Berlin trở thành “dĩ vãng”, giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng vọt trong khi nước Đức phải tăng chi tiêu quốc phòng. Ngay lúc đó, viễn cảnh ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng càng làm tăng thêm cảm giác cần có một chính phủ mạnh mẽ và thống nhất.
Cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra đúng thời điểm Đức đang phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ, cơ sở hạ tầng già cỗi. Từng là cường quốc sản xuất của châu Âu nhưng Đức đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài. Sự suy giảm mạnh này làm nổi bật mối lo ngại về quá trình phi công nghiệp hóa, chi phí lao động cao và môi trường kinh doanh ngày càng bất ổn.
Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), nhiều nhà sản xuất như: Công ty Hóa chất khổng lồ BASF SE, nhà cung cấp ô tô ZF Friedrichshafen AG và nhà sản xuất thiết bị gia dụng Miele & Cie. KG đã chuyển nguồn lực ra khỏi Đức.
Báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW) cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đức đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ vào năm 2023. Cũng theo IW, khoảng 90 tỷ euro đầu tư nước ngoài của các công ty Đức đã chuyển hướng sang các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, đặc biệt là Pháp.
Trong khi đó, số liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cho thấy, dòng vốn FDI vào Đức đã giảm 76,2% vào năm 2022 so với năm trước. Việc đẩy nhanh dòng vốn chảy ra và thu hẹp dòng vốn chảy vào đang làm xấu đi bức tranh kinh doanh của Đức, đồng thời làm suy yếu sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngành công nghiệp Đức, vốn đang phải vật lộn với chi phí cao và sự cạnh tranh khốc liệt từ châu Á, đã thúc giục chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz sắp xếp cuộc bầu cử sớm trong thời gian ngắn nhất. Ông Olaf Scholz dự kiến sẽ lãnh đạo chính phủ thiểu số với đảng SPD của mình và đảng Xanh, đảng lớn thứ hai tại Đức, đồng thời sẽ phải dựa vào các liên minh nghị viện chắp vá để thông qua luật. Việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội dự kiến vào ngày 15-1-2025. Kết quả bỏ phiếu có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm vào cuối tháng 3-2025.
Nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin nhận định, nước Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng. Thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm. Xem xét đến nghi thức thông thường để thành lập một Chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Jana Puglierin dự đoán rằng, Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau.
Đáng quan ngại là sự bất ổn chính trị của Đức đe dọa làm suy yếu vai trò lãnh đạo của nước này trong EU và có nguy cơ làm chậm lại các sáng kiến kinh tế và quốc phòng quan trọng.