Nền kinh tế duy trì đà phục hồi tích cực
Nền kinh tế Việt Nam đã có bước khởi đầu suôn sẻ trong tháng đầu tiên của quý III/2024, từ đó góp phần quan trọng duy trì đà phục hồi tích cực của nền kinh tế.
“Lấy lại hào quang”
Nền kinh tế Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực trong tháng đầu tiên của quý III/2024. Các số liệu kinh tế vĩ mô mà Tổng cục Thống kê vừa công bố đã cho thấy điều đó.
“Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Có thể nói, sau năm 2023 vất vả chống chọi với sự suy giảm sản xuất, do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, năm 2024, sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh mẽ và lấy lại được vị thế là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Dấu ấn này lớn đến mức, trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam được công bố cách đây ít ngày, Ngân hàng HSBC đã nhấn mạnh về một lĩnh vực gây ngạc nhiên lớn, đó chính là sản xuất công nghiệp.
“Lâu rồi, nền kinh tế Việt Nam chưa có cú hích mạnh mẽ nào và thời khắc được mong đợi đó cuối cùng cũng đã tới”, báo cáo của HSBC viết. Theo báo cáo này, Việt Nam đã khép lại quý II/2024 bằng một “bất ngờ lớn” khi tăng trưởng GDP vượt xa kỳ vọng của là 6% (quý II, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,93%, đưa tăng trưởng 6 tháng lên 6,42% - PV).
Thậm chí, HSBC còn lấy chủ đề cho báo cáo của mình là “lấy lại hào quang”. Có thể, còn hơi sớm khi nói về “hào quang”, nhưng rõ ràng, quỹ đạo tăng trưởng đang quay trở lại. Và điều quan trọng, như HSBC nhận định, là tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu “lan rộng” ở các lĩnh vực.
Sản xuất công nghiệp là một điểm sáng đầu tiên. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 ước tăng 0,7% so với tháng trước đó và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao, nhất là so với mức giảm 0,8% của cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là, IIP chỉ còn giảm ở 3 địa phương trên cả nước và tăng ở 60 địa phương.
Sản xuất công nghiệp tăng là nhờ đơn hàng tăng, vì thế, xuất nhập khẩu cũng rất tích cực. Chỉ trong tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước đó và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng, con số là 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15,7%, nhập khẩu tăng 18,5% - những mức tăng trưởng 2 con số, cho thấy sự phục hồi rõ nét của thương mại hàng hóa của Việt Nam. Đây cũng chính là một “điểm sáng” của nền kinh tế.
Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt trên 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%.
Thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng. Nhưng không chỉ là “điểm sáng” với riêng nội tại nền kinh tế, mà còn là “điểm sáng” trong bức tranh thu hút đầu tư toàn cầu, như đánh giá của ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tương tự, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực khác có thể viện dẫn. Chẳng hạn, thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng tăng 8,7%... Đặc biệt, chỉ trong tháng 7/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,15 triệu lượt người, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, con số là gần 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước…
Nỗ lực để tăng tốc
Nền kinh tế đã phục hồi tích cực và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, khó khăn không phải là không có.
Một trong những thách thức lớn nhất là việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong các nhận định gần đây về kinh tế Việt Nam, đều nhấn mạnh điều này. “Ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh rằng, áp lực lạm phát còn lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp…
Tháng 7/2024, sau khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng 30%, giá dịch vụ y tế cũng đã tăng tới 28,45%, qua đó, tác động tới mức tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024, CPI tăng 0,48% so với tháng trước đó; bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tiếp tục nhích lên và ngày càng đến gần hơn với ngưỡng 4,5%. Đặc biệt, trong rổ hàng hóa tính CPI lần này, ngoại trừ nhóm hàng bưu chính - viễn thông giữ ổn định, CPI của tất cả các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước. Đây là điều rất đáng chú ý và rõ ràng, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, cần theo dõi sát tình hình giá cả để chủ động phương án, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, có giải pháp kịp thời, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4-4,5%.
Bên cạnh câu chuyện lạm phát, thì sức mua của nền kinh tế còn thấp cũng là một vấn đề cần được lưu tâm. Trong 7 tháng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dù vẫn tăng 8,7% so với năm trước, nhưng nếu trừ đi yếu tố giá cả thì chỉ tăng 5,2% - thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế châu Á, được công bố vào trung tuần tháng 7/2024, ADB cũng đề cập những thách thức của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2024. Theo ADB, khu vực chế biến, chế tạo liên quan đến thương mại - một trong những động lực phục hồi chủ yếu - dự kiến sẽ chậm lại trong thời gian tới, trong khi nhu cầu trong nước vẫn yếu.
Cầu yếu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đến hoạt động của doanh nghiệp. Và quả thực, vẫn có những địa phương sản xuất công nghiệp trọng điểm tăng thấp.
Điều đó có nghĩa, sản xuất - kinh doanh vẫn đối mặt khó khăn. Đó có lẽ cũng là lý do, trong 7 tháng, vẫn có tới 125.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ, dù vẫn có một điểm tích cực là có 139.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,8%.
Bài toán đặt ra đối với nền kinh tế là, để cả năm tăng trưởng 7%, thì phải đạt mức tăng trưởng 7,4% trong quý III và 7,6% trong quý IV, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm. Tức là, để tăng tốc trong 2 quý còn lại của năm, trước hết là quý III, phải nỗ lực rất lớn.
Tập trung giải ngân đầu tư công; thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn…; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất -kinh doanh; tăng cường kích cầu tiêu dùng; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới... chính là các giải pháp đã được đặt ra lâu nay. Và bây giờ, cần tiếp tục thúc đẩy.
Ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện số 71/CĐ-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III/2024. Thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ giúp nền kinh tế có thể tăng tốc trong quý III và về đích trong quý IV.
Trong dự báo của mình, HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Điều đó, nhiều khả năng, sẽ đưa Việt Nam trở lại vị trí nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho các quốc gia khác trong khu vực trong 2 năm vừa qua.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nen-kinh-te-duy-tri-da-phuc-hoi-tich-cuc-d221166.html