Nền kinh tế Eurozone nên chấp nhận đồng euro suy yếu là 'bình thường mới'
Các nền kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ phải nhận ra một thực tế rằng đồng euro ngang hàng với đồng USD là một thực trạng bình thường mới.
Trong phiên giao dịch ngày 13/7, đồng euro đã giảm mạnh xuống dưới đồng USD lần đầu tiên sau gần 20 năm trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng gia tăng.
Sergio Rossi, Giáo sư kinh tế vĩ mô và kinh tế tiền tệ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ, nhận định: “Sự giảm giá của đồng euro so với đồng USD đi cùng với sự mạnh lên của đồng bạc xanh do hai nguyên nhân. Cùng chịu ảnh hưởng từ các vấn đề địa chính trị, trong khi khu vực đồng euro gặp tổn thất thì nền kinh Mỹ được hưởng lợi. Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ của riêng mình”.
Kể từ khi xuất hiện vào năm 1999, đồng tiền chung duy nhất của châu Âu luôn có giá trị cao hơn đồng USD. Trong phiên giao dịch ngày 13/7, đồng euro đã chứng kiến mức giảm còn 0,9998 USD/euro – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2002. Tổng giá trị của đồng tiền này trong năm nay cũng đã giảm hơn 10%. Giá năng lượng tăng vọt, lạm phát leo thang và nguy cơ suy thoái là những nguyên do được cho là khiến giá trị đồng euro sụt giảm. Trong bối cảnh liên minh châu Âu (EU) bị bủa vây bởi tương lai kinh tế không chắc chắn, đồng USD lại được coi là một tài sản tích trữ an toàn.
Dẫn lời Christopher Bovis, Giáo sư luật kinh doanh quốc tế tại Đại học Hull, đài Sputnik cho hay: “Các nền kinh tế Eurozone sẽ phải nhận ra rằng việc ngang giá đồng euro với USD sẽ là một chuyện bình thường mới. Tình trạng suy yếu dần của đồng euro được cho là do sự trì trệ của các nước lớn trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu và mức tăng năng suất bị hạn chế sau đại dịch COVID-19”.
Giáo sư lập luận rằng xu hướng đang diễn ra hoàn toàn không phải là tạm thời mà nó có khả năng kéo dài trên thị trường tiền tệ.
Theo các nhà quan sát, sự sụt giảm của đồng euro so với đồng bạc xanh sẽ có tác động lâu dài đến các hoạt động kinh doanh trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
"Các doanh nghiệp trong khu vực đồng tiền chung sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn là được hưởng lợi từ việc đồng euro giảm giá so với USD. Các công ty xuất khẩu sẽ không tăng cường hoạt động do lo ngại các vấn đề kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong tình hình đại dịch gia tăng, căng thẳng địa chính trị, cũng như các vấn đề xã hội và liên quan đến khí hậu”, chuyên gia Rossi lý giải.
Ngoài ra, những công ty cần mua nguyên liệu thô hoặc các nguyên liệu đầu vào khác ở nước ngoài thuộc khu vực này sẽ phải tăng chi phí sản xuất nhưng không thể chuyển gánh nặng đó cho khách hàng của mình. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm cả việc làm và mức lương trên toàn khu vực đồng euro. Các nhà phâ tích chỉ ra tầng lớp trung lưu sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng. Tình trạng này còn gây ra tác động tiêu cực thứ hai lên sức mua của người tiêu dùng khi mức sống của họ bị ảnh hưởng.