Nền kinh tế lớn của EU chịu hậu quả giá năng lượng tăng cao do áp lệnh trừng phạt Nga
Giá năng lượng nhập khẩu ở Italy, một trong những nền kinh tế lớn của Liên minh châu Âu (EU), đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đài RT (Nga), Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) cho biết giá năng lượng nhập khẩu ở nước này trong tháng 3 đã tăng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu này cũng cho thấy rằng giá năng lượng đã tăng 5,6% so với tháng 2.
Italy, quốc gia phụ thuộc nhiều vào Nga về nhu cầu năng lượng, đã chứng kiến triển vọng tăng trưởng xấu đi kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva. Tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm 0,2% trong quý đầu tiên so với ba tháng trước đó. Chính phủ Italy dự đoán trong năm nay, tăng trưởng của nước này thấp hơn nhiều giữa bối cảnh lạm phát gia tăng và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không chỉ giá nhiên liệu tăng vọt, dữ liệu của ISTAT cũng cho thấy xuất khẩu của Italy sang Nga đã giảm 50,9% so với tháng 3/2021.
Đầu tháng 5, Italy đã công bố gói biện pháp khổng lồ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước khủng hoảng chi phí năng lượng tăng cao. Gói giải pháp này bao gồm các biện pháp nhằm khắc phục sự phụ thuộc của Italy này vào khí đốt Nga trước giữa năm 2024. Italy cũng đang kéo dài tuổi thọ của 4 nhà máy nhiệt điện than lên 2 năm và đẩy nhanh tiến độ triển khai các nguồn năng lượng tái tạo.
Italy cũng đã thúc giục Ủy ban châu Âu tìm ra các biện pháp thanh toán khí đốt Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt. Thủ tướng Mario Draghi cho biết: “Điều quan trọng là ủy ban phải bày tỏ quan điểm pháp lý rõ ràng về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp có vi phạm lệnh trừng phạt hay không. Bởi nếu không có sự rõ ràng hoặc cách xử lý thống nhất, mỗi quốc gia sẽ tự làm theo những gì mà họ cho là phù hợp”.
Tuyên bố của ông Draghi được đưa ra sau khi ông Roberto Cingolani, Bộ trưởng phụ trách an ninh năng lượng Italy, cho rằng các công ty năng lượng châu Âu tạm thời nên tuân thủ các yêu cầu thanh toán khí đốt Nga bằng đồng rúp.
Trong khi đó, Italy đang chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp Nga cắt xuất khẩu khí đốt sang nước này. Quốc gia châu Âu này nhập khẩu khoảng 29 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga. Ông Cingolani cho biết Italy đang trong tình trạng “báo động trước”, mức thấp nhất trong 3 mức khủng hoảng trong kế hoạch khẩn cấp khí đốt quốc gia.
“Hiện tại, Italy chưa đưa ra có kế hoạch nào về việc cắt điện có kiểm soát đối với các ngành công nghiệp. Nhưng nếu tình hình xấu đi, chúng ta cần có những' kế hoạch dự phòng' giúp tiết kiệm năng lượng trong mùa đông tới. Hiện tại, chúng tôi đang nghĩ đến các giải pháp nhẹ nhàng hơn, như hạn chế nhiệt độ, khởi động nhà máy nhiệt điện than - vốn đã bị loại bỏ - trong một đến hai năm, cũng như thúc đẩy năng lượng tái tạo”, ông nói.
Ông Cingolani nói rằng Chính phủ sẽ ban hành hướng dẫn yêu cầu người dân hạn chế sử dụng điều hòa không khí trong nhà. Ông cho rằng “nếu cần thiết, chúng tôi có thể đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa, với hiệu quả mạnh mẽ hơn. Nhưng tôi hy vọng chúng ta không cần phải làm vậy.”
Trong khi đó, Italy đang nỗ lực tăng cường nguồn cung khí đốt. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni do nhà nước điều hành đã ký hợp đồng mua khí đốt với các nước châu Phi. Ông Cingolani cho biết với những thỏa thuận này, việc đa dạng hóa năng lượng của Italy đã hoàn tất, đồng thời nói thêm rằng Italy sẽ không phụ thuộc vào nguồn cung của Nga từ cuối mùa đông năm sau. Ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine chấm dứt, Rome không có kế hoạch quay trở lại phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung của Nga. Ông Cingolani nói: “Chúng tôi đã nhận ra rằng phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia là điều không sáng suốt”.