Nền kinh tế Mỹ đối mặt mối đe dọa mới: Thất nghiệp tăng
Mối nguy hiểm lớn nhất mà kinh tế Mỹ phải đối mặt trong nhiều năm qua là lạm phát cao. Giờ đây, một vấn đề khác đang nổi lên như một mối đe dọa thực sự: Thất nghiệp.
Rủi ro tỷ lệ thất nghiệp cao hơn
Ngay khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, “đèn vàng” đang nhấp nháy trên thị trường việc làm dù vẫn mạnh mẽ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện phải đối mặt với nguy cơ mắc sai lầm khi giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao một số nhà kinh tế đang “cầu xin” Fed giảm bớt cuộc chiến chống lạm phát trước khi lãi suất cao - vốn được sử dụng để chế ngự giá cả tăng vọt - có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
“Đã đến lúc phải cắt giảm lãi suất. Lạm phát đang giảm dần là mối quan tâm hàng đầu. Cán cân rủi ro đang dần nghiêng về phía tỷ lệ thất nghiệp cao hơn”, Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nhận định.
Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, thị trường lao động đang căng thẳng dưới sức ép của chi phí vay cao. “Mối nguy hiểm lớn nhất là sai lầm về chính sách: Fed giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài”, Zandi nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn, và cho biết thêm: “Ngay bây giờ, Fed phải phát tín hiệu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Tôi nghĩ điều đó không sao, nhưng nếu họ đợi lâu hơn thế, tôi sợ họ sẽ làm quá sức”.
Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận sự thay đổi đáng kể trong tính toán rủi ro. “Lạm phát tăng cao không phải là rủi ro duy nhất mà chúng ta phải đối mặt”, ông Powell nói trong phiên điều trần với các nhà lập pháp hôm thứ Ba, chỉ ra tốc độ giảm bớt lạm phát và “hạ nhiệt” trên thị trường lao động. Theo ông Powell, thị trường lao động có thể đang chuyển hướng, nhưng không có nghĩa là đang sụp đổ. Bởi việc làm vẫn đang được tạo ra với tốc độ lành mạnh và nhanh hơn nhiều người nghĩ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, các “vết nứt” đã bắt đầu xuất hiện. Theo các chuyên gia kinh tế tại KPMG, dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, nhưng đã tăng cao hơn đáng kể trong 3 tháng liên tiếp vừa qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động có thể đang chuyển biến.
Ông Powell nhấn mạnh những thay đổi này, với các nhà lập pháp rằng các chỉ số gần đây “gửi một tín hiệu khá rõ ràng rằng điều kiện thị trường lao động đã hạ nhiệt đáng kể” sau 2 năm. “Đây không còn là một nền kinh tế quá nóng nữa”, ông nói.
Tất nhiên, đó chính xác là những gì Fed muốn đạt được khi bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất lịch sử. Vào năm 2022, một trong những quan ngại là thị trường việc làm quá nóng sẽ “tiếp thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh lạm phát tăng cao và buộc Fed phải bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất để dập tắt ngọn lửa lạm phát.
Chờ đợi quá lâu, suy thoái có thể xảy ra
Giờ đây, tình trạng lạm phát quá nóng và thị trường việc làm quá dồi dào đều không còn được coi là các mối lo ngại lớn nữa. Rủi ro hiện tại là việc Fed tiếp tục “tiêm thuốc” chống lạm phát (giữ lãi suất cao) vào một nền kinh tế không còn cần đến nó nữa. Và điều đó có thể biến một thị trường việc làm đang hạ nhiệt trở thành một thị trường đóng băng - dẫn đến mất việc làm.
Chuyên gia Joe Brusuelas nhận định, một thị trường lao động cân bằng với lãi suất quá hạn chế từ Fed sẽ không duy trì được sự cân bằng lâu dài. “Điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn”, Brusuelas nói. Theo chuyên gia này, điều đó không nhất thiết là tỷ lệ thất nghiệp “tăng vọt” sắp xảy ra, nhưng báo hiệu một cuộc suy thoái sớm có thể xảy ra nếu Fed chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất.
Trước đó trong báo cáo hôm thứ Hai, nhà kinh tế cao cấp Ken Kim của KPMG lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay gần như đang kích hoạt Quy tắc Sahm. Đây là một quy tắc đã được thử nghiệm theo thời gian để xác định thời điểm xảy ra suy thoái. Theo đó, khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình động trong ba tháng tăng 0,5% trở lên trên mức trung bình ba tháng, báo hiệu một cuộc suy thoái đã bắt đầu. Chuyên gia này cũng chỉ ra, lĩnh vực dịch vụ - động lực tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ - đột nhiên có dấu hiệu suy yếu. “Lạm phát không còn là mối lo ngại chính nữa. Điều đáng lo ngại không kém đối với Fed là khả năng thị trường lao động và hoạt động kinh tế suy giảm mạnh hơn. Mục tiêu là hạ cánh nhẹ nhàng nhưng hạ cánh cứng đang nổi lên như một rủi ro”, chuyên gia này nhận định.
Tất nhiên, lạm phát không bỗng dưng “biến mất” và chi phí sinh hoạt cao vẫn là mối quan tâm lớn của người Mỹ, dù tỷ lệ lạm phát hiện nay đã chậm lại đáng kể. Bên cạnh đó, vẫn còn những rủi ro có thể gây sức ép lên lạm phát như các mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động sản xuất và năng lượng, những phức tạp và sự không chắc chắn trong bối cảnh bầu cử sắp tới tại Mỹ… Hơn thế nữa, một bài học từ quá khứ là nếu Fed cắt giảm lãi suất sớm, có thể kích thích nhu cầu người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó có thể thúc đẩy lạm phát và làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, buộc Fed lại phải thực hiện những bước đi quyết liệt hơn. Theo chuyên gia Mark Zandi, “Fed đã phạm sai lầm trong quá khứ (những năm 1970) khi không tăng lãi suất đủ nhanh. Nhưng bây giờ, họ lại đối mặt với nguy cơ giữ lãi suất quá cao trong thời gian dài”.