Nền kinh tế số và đòn bẩy phát triển của Việt Nam
Các chuyên gia tin rằng, nếu nắm bắt tốt cơ hội, nền kinh tế số sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển mới cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 14/8, tại Hà Nội, diễn ra phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Việt Nam và nền kinh tế số”. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á năm 2019 do Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ (YSI) thuộc Viện Nghiên cứu Tư duy Kinh tế mới (INET) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức từ ngày 12/8 đến 15/8/2019.
Phiên thảo luận do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - chủ trì, cùng sự tham gia của các chuyên gia quốc tế: GS Andrew Sheng – Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Fung (FGI) tại Hong Kong, Cố vấn trưởng của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và là thành viên của Quỹ Đầu tư quốc gia của Malaysia Khazanah Nasional Berhad, PGS. Christopher Balding – Trường Kinh doanh HSBC thuộc ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc.
Các chuyên gia hàng đầu trong nước về nền kinh tế số gồm TS. Võ Trí Thành – chuyên gia Kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách thuộc Trường ĐHKT, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), ông Nguyễn Thế Trung – Chủ tịch Tập đoàn công nghệ DTT, thành viên Tổ công tác Chính phủ điện tử của Thủ tướng Chính phủ, cũng tham gia phiên thảo luận này.
Cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề như xu hướng chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu, tương lai nền kinh tế số của Việt Nam, ảnh hưởng của xu hướng chuyển đổi số đến sự phát triển của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam và những hàm ý cho Chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Nói về xu hướng phát triển của nền kinh tế số trên thế giới, GS Andrew Sheng chia sẻ: “15 năm trước, người ta chỉ biết đến Trung Quốc là một quốc gia mạnh về chế tạo, còn Ấn Độ mới nổi tiếng về phần mềm. Khi đó, Trung Quốc cũng có vài phần mềm nhưng chỉ là sao chép. 15 năm sau, các tập đoàn Alibaba và Tencent chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế số thế giới và điều đó khiến người Mỹ phải lo lắng”.
“Lý do thành công của Trung Quốc là vì chiến lược của họ hoàn toàn khác biệt. Họ không theo đuổi mô hình của Mỹ, bởi họ nhận ra việc sao chép là không hiệu quả. Trung Quốc sẵn sàng đóng cửa đối với các ứng dụng lớn như facebook, Twitter để phát triển nền tảng của riêng mình.
Đối với Việt Nam, các bạn là một trong những quốc gia thành công nhất ở Đông Nam Á trong việc phát triển các chương trình Internet. Nếu Việt Nam có thể nắm được mô hình kinh doanh của Alibaba, Google, facebook...các bạn có thể tạo ra nền tảng của mình và thành công với nền tảng đó” - GS Andrew Sheng giải thích.
Đánh giá về triển vọng phát triển của nền kinh tế số Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng: “Đạt được nhiều thành tựu kinh tế đáng ghi nhận trong vài thập kỷ trở lại đây nhờ mô hình định hướng xuất khẩu, giờ là lúc Việt Nam tìm kiếm một đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế. Chúng tôi tin rằng nền kinh tế số hoặc cải cách công nghiệp sẽ tạo ra đòn bẩy mới cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh, trong đó việc có tỷ lệ người trẻ cao, hứng thú với việc đổi mới công nghệ cũng là một điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển môi trường công nghệ”.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Đức Thành khẳng định: “Với dân số trẻ và đầy sức sống, mức đầu tư cao và vị trí nằm tại trung tâm của các quốc gia tăng trưởng cao châu Á, Việt Nam có cơ hội phát triển vượt bậc nhờ có các công cụ số mới và sẵn có nếu quá trình chuyển đổi này được quản lý tốt”.
“Trong tầm nhìn trung – dài hạn, Chính phủ cần tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực sau để tiến tới tương lai nền kinh tế số Việt Nam: phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới CNTT&TT và năng lượng; phát triển hơn nữa năng lực an ninh mạng và quản lý dữ liệu vững mạnh; nâng cao năng lực số và kỹ năng năng số cho lực lượng lao động; triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở; đẩy mạnh cải cách thuế và cải thiện khung quy định pháp lý hiện hành” - PGS.TS Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.
Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á năm 2019 nằm trong chuỗi hội nghị khu vực do Chương trình Sáng kiến Học giả trẻ thuộc INET chủ trì nhằm tạo điều kiện để các nhà kinh tế trẻ từ nhiều nhánh nghiên cứu quy tụ, gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng và truyền cảm hứng học thuật liên quan đến những thách thức xã hội của thể kỷ 21.
Đây là Hội nghị Kinh tế trẻ đầu tiên tại châu Á và là hội nghị khu vực thứ 5 do YSI tổ chức. Các hội nghị trước đây được tổ chức tại châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi và Bắc Mỹ.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nen-kinh-te-so-va-don-bay-phat-trien-cua-viet-nam-d492653.html