Nền kinh tế thời chiến của Nga đang chạm đến điểm giới hạn?
Nền kinh tế Nga, dù đang tăng trưởng tích cực và tỷ lệ thất nghiệp thấp, lại nguy cơ đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong bối cảnh chi tiêu quân sự tăng vọt.
Bình luận trên tạp chí Foreign Policy mới đây, Marc R. DeVore, giảng viên cao cấp tại Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học St. Andrews (Scotland) và Alexander Mertens, Giáo sư tài chính tại Học viện Đại học Quốc gia Kiev-Mohyla (Ukraine) cho rằng, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, việc xác định tình trạng thực sự của nền kinh tế của Nga trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi nhất định, nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo số liệu chính thức, GDP của Nga đã tăng 3,6% trong năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 3,9% vào năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ khoảng 4,4% trước xung đột xuống còn 2,4% vào tháng 9 năm nay. Những con số này dường như cho thấy một bức tranh tích cực về nền kinh tế Nga.
Chuyên gia DeVore và Giáo sư Mertens cho rằng sự phục hồi đó đã làm bối rối nhiều nhà chiến lược, những người dự báo các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ làm tê liệt nỗ lực duy trì xung đột của Moskva. Nga tiếp tục xuất khẩu một lượng lớn dầu và khí đốt, nhờ vào việc lách các lệnh trừng phạt và các lỗ hổng trong chính sách của phương Tây.
Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng sự tăng trưởng này chủ yếu là kết quả của chính sách chi tiêu quân sự lớn và không bền vững. Chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng vọt lên 7% GDP và dự kiến sẽ chiếm hơn 41% ngân sách nhà nước trong năm tới.
Do đó, dù có những dấu hiệu khả quan về tăng trưởng kinh tế, nhưng nền kinh tế thời chiến của Nga đang tiến gần đến bế tắc. Theo các nhà phân tích trên, dữ liệu chính thức có thể che giấu những căng thẳng do xung đột và lệnh trừng phạt gây ra.
Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải áp dụng các biện pháp phi truyền thống để duy trì ổn định tài chính. Lãi suất được đẩy lên mức 21%, một mức cao chưa từng có, khiến các doanh nghiệp phi quốc phòng gần như không thể tiếp cận vốn vay. Ngành công nghiệp dân sự của Nga đang bị tước đoạt nguồn nhân lực chất lượng. Hàng trăm nghìn lao động có trình độ đã chuyển sang ngành quốc phòng, để lại một khoảng trống lớn trong các lĩnh vực kinh tế then chốt.
Đặc biệt, Nga đang gặp khó khăn trong việc thay thế vũ khí bị mất hoặc hỏng hóc trên chiến trường. Cụ thể, Nga đã mất trung bình hơn 100 xe tăng và khoảng 220 khẩu pháo mỗi tháng. Tuy nhiên, sản xuất mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp kỹ thuật của Nga lại thiếu hụt nhân lực cần thiết để sản xuất các hệ thống vũ khí lớn như pháo cỡ lớn.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà Nga phải đối mặt hiện nay là việc thu hút lao động cho ngành công nghiệp quốc phòng. Các công ty quốc phòng đang cạnh tranh với lực lượng vũ trang để tuyển dụng nhân sự, khi quân đội cần tuyển dụng khoảng 30.000 quân mới mỗi tháng để thay thế thương vong. Điều này dẫn đến tình trạng lương tăng cao trong ngành quốc phòng, góp phần vào tỷ lệ lạm phát đạt mức 8,68% vào tháng 10 vừa qua.
Các chuyên gia trên nhấn mạnh rằng mặc dù Nga có thể duy trì một số hoạt động quân sự trong ngắn hạn, nhưng sự cạn kiệt dần nguồn lực và hệ thống vũ khí quan trọng sẽ khiến Moskva không thể tiếp tục cuộc chiến lâu dài.
Tóm lại, mặc dù nền kinh tế Nga hiện tại có vẻ mạnh mẽ với tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng GDP tích cực, nhưng những dấu hiệu tiềm tàng cho thấy đây chỉ là bề nổi của một vấn đề sâu xa hơn. Mô hình phát triển dựa vào chi tiêu quân sự không bền vững sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế dân sự thời hậu xung đột. Nga sắp tới có thể sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn khó khăn: tiếp tục duy trì mức chi tiêu quốc phòng cao sẽ làm nghẹt nền kinh tế dân sự; trong khi việc cắt giảm chi tiêu quân sự có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng.