Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa tìm được lối thoát
Hội nghị cấp cao nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) lần thứ 45 sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Pháp với nhiều vấn đề cần lưu tâm khi bức tranh kinh tế thế giới đang ảm đạm: các nhà máy giảm công suất, nhiều doanh nghiệp tê liệt, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang và tăng trưởng toàn cầu phập phù.
Song cho đến nay, các giải pháp để cứu vãn tình hình vẫn chưa rõ ràng.
Tình trạng tăng trưởng âm ở các nền kinh tế lớn như Đức, Anh và tăng trưởng sản lượng công nghiệp suy yếu ở Mỹ, Trung Quốc đang đặt nền kinh tế toàn cầu đứng trước rủi ro suy thoái. Các ngân hàng trung ương không thể chỉ dựa vào biện pháp giảm lãi suất để kích thích kinh tế khi mà các mức lãi suất hiện nay đang ở mức cực thấp.
Nếu giảm lãi suất, họ có nguy cơ bị hao hụt nguồn lực dự phòng cần thiết để chống chọi một cơn suy thoái nếu xảy ra. Hơn nữa, mức nợ công cao của các chính phủ khiến cho giải pháp cắt giảm thuế hoặc rót tiền vào các dự án đường xá, cầu cống và các công trình công cộng khác dễ bị vấp phải sự phản đối mạnh mẽ về mặt chính trị.
“Các công cụ chống suy thoái của chúng ta rõ ràng bị hạn chế hơn so với trước đây”, Karen Dynan, nhà kinh tế ở Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Hôm 22-8, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s dự báo kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm sau chỉ tăng trưởng 2,7%, giảm so với mức 3,2% của hai năm trước đó. Moody’s cảnh báo tình hình tăng trưởng chậm sẽ là “một bình thường mới” và có thể kéo dài 3-4 năm.
Các mối lo ngại gia tăng đúng vào lúc lãnh đạo các nước G7 dự hội nghị cấp cao kéo dài 3 ngày tại thị trấn nghỉ dưỡng Biarritz (Pháp), bắt đầu từ ngày 24-8. Tuy nhiên, họ vẫn đang chia rẽ về một giải pháp ứng phó đồng bộ để kìm hãm đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ các cáo buộc nói rằng cuộc tấn công thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc góp phần làm trì trệ tăng trưởng toàn cầu. Giới phân tích cho rằng ông Trump có khả năng duy trì các đòn thuế và leo thang áp thuế trong một số trường hợp để gây sức ép buộc các đối tác thương mại của Mỹ phải chấp nhận các nhượng bộ lớn.
“Tình hình bất ổn thương mại sẽ tiếp diễn” Madhavi Bokil, nhà phân tích cấp cao ở Moody’s nói.
Trước làn sóng bảo hộ dâng cao, thương mại toàn cầu có thể chỉ tăng 2,5% trong năm nay, chậm nhất trong 3 năm qua, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các nhà sản xuất đang gặp khó khăn khi thương mại toàn cầu suy yếu. Chỉ số sản xuất toàn cầu, do ngân hàng J.P. Morgan thiết lập và giám sát, giảm trong tháng 7-2019 về mức thấp nhất kể từ năm 2012 và đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này suy giảm.
IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,2% trong năm nay, mức yếu nhất kể từ năm 1990 và tăng 6% trong năm sau.
Cuộc chiến tranh thương mại do ông Trump khởi xướng là một yếu tố đè nặng lên sức tăng trưởng của Trung Quốc. Ông đã áp thuế với 250 tỉ đô la hàng hóa và chuẩn bị áp thuế tiếp với 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc trước thời điểm cuối năm nay. Mức tăng trưởng trì trệ của nước này cũng một phần là do Bắc Kinh hạn chế hoạt động cho vay để kiểm soát các khối nợ lớn trong nền kinh tế.
Cơn “cảm lạnh kinh tế” của Trung Quốc gây lo ngại cho nhiều nước từ nước sản xuất đồng lớn nhất thế giới Chile cho đến nước xuất khẩu quặng sắt Úc đang bán vật liệu thô cho các nhà máy Trung Quốc.
Nhìn sang châu Âu, bức tranh kinh tế cũng u ám chẳng kém. Tăng trưởng của khu vực 19 nước sử dụng đồng euro (eurozone) trong quí 2 so với quí trước chỉ ở mức èo uột 0,2%. Khu vực eurozone, có các mối quan hệ thương mại khăng khít với Mỹ và Trung Quốc, đang gián tiếp lĩnh đòn bởi cuộc chiến thuế Mỹ-Trung. Chưa hết, Tổng thống Trump còn đe dọa áp thuế với ô tô nhập khẩu từ châu Âu.
Đức đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kỹ thuật sau khi tăng trưởng âm 0,1% trong quí 2. Xuất khẩu của Đức sụt giảm mạnh là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu đảo chiều trong quí vừa qua.
Brexit là một rủi ro khác đối với châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-10 dù có đạt được thỏa thuận Brexit với Brussels hay không. Không biết chắc điều gì sẽ xảy ra với Brexit càng gia tăng tình trạng bất ổn thương mại ở châu Âu.
Đối với với các rủi ro trên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắn tín hiệu rằng có thể tung ra một chương trình kích thích tiền tệ mới vào tháng sau. Hồi tháng 12 năm ngoái, ECB vẫn còn đủ tự tin với nền kinh tế châu Âu để quyết định chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (mua trái phiếu của các chính phủ châu Âu) trị giá 2.600 tỉ euro kéo dài trong gần 4 năm. Niềm lạc quan đó đã biến mất.
Nghiêm trọng hơn tác động trực tiếp của các biện pháp áp thuế là tình trạng không chắc chắn về kết cục của các cuộc tranh chấp thương mại đang đe dọa đầu tư của các doanh nghiệp và hoạt động mua sắm của người tiêu dùng. Dù chi phí vay đang rẻ hơn nhờ các biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương, hoạt động đầu tư xây dựng các nhà máy trên toàn cầu mới đang tăng trưởng chậm, một điềm báo xấu cho thấy các chủ doanh nghiệp không tin tưởng vào sự thịnh vượng trong tương lai.
Các công ty đang trì hoãn đầu tư vì họ không biết đặt nhà máy mới cũng như tìm kiếm nhà cung cấp hay khách hàng ở đâu cho đến khi họ nắm chắc kết cục của các cuộc chiến thương mại.
Eric Lascelles, nhà kinh tế trưởng ở Công ty quản lý tài sản RBC Global Asset Management, cho rằng các nhà hoạch định chính sách không phải đã hết các phương án để ứng phó nguy cơ suy thoái. Cho dù các mức lãi suất ngắn hạn đang ở mức thấp gần bằng 0, các ngân hàng trung ương có thể mua mạnh trái phiếu để bơm tiền vào hệ thống tài chính, một động thái nới lỏng định lượng mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ECB và Ngân hàng trung ương Nhật Bản từng sử dụng để giúp hồi phục tăng trưởng trong suốt và sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.
Lascelles nói, dù đang gánh các mức nợ lớn, các chính phủ vẫn có thể tận dụng các mức lãi suất thấp để vay thêm tiền nếu họ quyết định kích thích kinh tế bằng các biện pháp giảm thuế hay thúc đẩy chi tiêu.
Theo AP
Khánh Lan