Nền kinh tế Trung Quốc đứng trước nguy cơ giảm phát
Những số liệu chính thức công bố ngày 10/7 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - tại Trung Quốc đã về mức gần như bằng 0 trong tháng 6 vừa qua, trong khi giá sản xuất tiếp tục giảm sâu hơn dự kiến. Đây được cho là dấu hiệu mới nhất về sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy CPI trong tháng 6 vừa qua đã giảm so với mức 0,2% ghi nhận trong tháng trước đó, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức dự báo của giới chuyên gia do nhu cầu trong nước chậm lại.
Theo NBS, giá thực phẩm tăng 2,3%, trong khi giá của các mặt hàng phi thực phẩm giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lấy ví dụ, giá thịt lợn trong tháng 6 đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá dầu giảm khiến chi phí vận chuyển rẻ. Những yếu tố này đã kéo chi phí của giỏ hàng hóa thiết yếu xuống thấp.
Trong tháng 6 vừa qua, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 5,4%, mạnh hơn mức giảm 4,6% của tháng trước đó. NBS cho rằng nhu cầu toàn cầu kém và chi phí nguyên vật liệu giảm mạnh đã gây áp lực giảm giá xuất xưởng.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể kể từ tháng 4 vừa qua, sau khi nước này dỡ bỏ các quy tắc nghiêm ngặt về kiểm soát dịch COVID-19, trong khi đồng Nhân dân tệ ở mức thấp nhất trong 7 tháng so với đồng USD, do xuất khẩu giảm.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" trong năm nay - một trong những mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Số liệu tăng trưởng trong quý II/2023 sẽ được công bố vào ngày 17/7 tới.