Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao từ dịch Corona?

Diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh Corona đến kinh tế-xã hội được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường.

Ngày 3-2, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra ảnh hướng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bộ KH&ĐT ngay sau đó đã có đánh giá sơ bộ và đề ra hai kịch bản tác động theo tinh thần của Thủ tướng là chống dịch như “chống giặc”.

Các mục tiêu kinh tế khó hoàn thành

Khái quát, báo cáo ngày 4-2 do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gửi Chính phủ xác định: “Diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh Corona đến kinh tế-xã hội được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường. Phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và lan tỏa lâu dài”.

Cũng vì vậy, Bộ KH&ĐT cho rằng khả năng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 được Quốc hội giao là rất khó khăn, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu các quý và cả năm 2020. Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách, thị trường chứng khoán, đầu tư và các lĩnh vực xã hội.

“Tùy vào khả năng khống chế, dịch bệnh có thể kéo dài đến hết quý I, thậm chí có thể kéo dài sang quý II-2020” - báo cáo nhận định.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại họp báo Chính phủ và trao đổi riêng đều khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% như Quốc hội giao sẽ rất khó đạt được. Ảnh: Báo Đầu tư

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại họp báo Chính phủ và trao đổi riêng đều khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng 6,8% như Quốc hội giao sẽ rất khó đạt được. Ảnh: Báo Đầu tư

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tối 5-2 cũng cho hay: Dịch bệnh do virus Corona gây ra sẽ làm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội giao là 6,8% sẽ rất khó đạt được. Nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I-2020 (kịch bản 1), ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27%. Nếu dịch Corona được khống chế trong quý II-2020 (kịch bản 2), ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09%.

“Như vậy, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra” - Báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu.

Về chỉ số giá tiêu dùng, báo cáo của Bộ KH&ĐT nhận định: “Ảnh hưởng của dịch bệnh có thể làm tăng giá thuốc y tế, giá điện sinh hoạt. Tuy nhiên, giá thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt gà, thịt bò, rau xanh; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình; giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí có thể sẽ giảm trong ngắn hạn do nhu cầu tiêu dùng giảm và nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm, nhu cầu du lịch, lễ hội giảm”.

Nếu dịch Corona kết thúc ở quý I-2020, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý II-2020 (so với kịch bản ngày 31-1-2020). Nếu dịch Corona tiếp tục diễn biến sang quý II-2020, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao hơn do hoạt động sản xuất giảm sút và tăng vào các tháng cuối năm.

Và đương nhiên, việc này sẽ tác động đến CPI năm 2020.

Xuất - nhập khẩu, du lịch bị ảnh hưởng ra sao?

Xuất nhập khẩu là lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp. Nếu theo kịch bản 1, thì xuất khẩu quý I ước đạt 46,5 tỉ USD và nhập khẩu đạt 50 tỉ USD, đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo kịch bản 2, thì xuất khẩu quý I đạt 51 tỉ USD và nhập khẩu đạt 53 tỉ USD, cũng đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đối với du lịch, do thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỉ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% nên việc hạn chế, hủy các đường bay và tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng gây ra tác động.

Khách du lịch từ các quốc gia khác đến Việt Nam cũng có thể giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Khách du lịch từ các quốc gia khác đến Việt Nam cũng có thể giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng dịch bệnh Corona không chỉ ảnh hưởng tới khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam mà còn làm cho du khách ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng e ngại. Theo kịch bản 1 thì lượng khách Trung Quốc trong quý I cũng vẫn là 644.000 lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800.000 lượt khách. Theo kịch bản 2 thì lượng khách Trung quốc đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch".

Khách du lịch từ các quốc gia khác cũng có thể giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Lĩnh vực vận tải cũng chịu ảnh hưởng, nhất là đối với hàng không. Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho hay khi lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc được ban bố từ chiều 1-2, thì trung bình mỗi ngày có 80 chuyến bay giữa Việt Nam và Trung bị hủy chuyến.

Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Corona. Ít nhất là cho tới nay các chuyến bay tới Trung Quốc đã bị hủy nhiều. Ảnh: Internet

Ngành hàng không cũng bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Corona. Ít nhất là cho tới nay các chuyến bay tới Trung Quốc đã bị hủy nhiều. Ảnh: Internet

Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, giá trị sản xuất ngành vận tải chỉ tăng khoảng 5% theo giá so sánh trong quý I và chỉ tăng 3,5% trong quý II theo giá so sánh trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng đánh giá sơ bộ những ảnh hưởng gián tiếp đối với các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, các lĩnh vực xã hội và một phần riêng về giáo dục.

Quý I-2020, kinh tế toàn cầu sẽ giảm sút nghiêm trọng

Theo IMF, vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của dịch Corona tới kinh tế toàn cầu trong cả năm 2020 nhưng chắc chắn là quý I sẽ giảm sút nghiêm trọng. Bởi hiện nay, Trung Quốc đóng góp 18% GDP toàn cầu, đại dịch Corona có thể gây ra những tác động lớn hơn gấp 3-4 lần so với dịch SARS 2003, lúc Trung Quốc mới chiếm khoảng 4% GDP toàn cầu.

Những ảnh hưởng đã nhìn thấy rõ nét ở một số ngành sản xuất và một số ngành dịch vụ như du lịch và khách sạn, khi chuỗi giá trị toàn cầu đang bị gián đoạn. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất cho xe hơi mới và chất bán dẫn, là quốc gia chi nhiều nhất cho du lịch quốc tế, là nhà xuất khẩu hàng may mặc và dệt may hàng đầu trên thế giới, đồng thời cũng là nơi sản xuất nhiều máy tính cá nhân (PC) và điện thoại di động trên thế giới.

Về tác động tới Trung Quốc, một số báo cáo chỉ ra dịch bệnh này có thể khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1 điểm % trong năm 2020; riêng trong quý I có thể giảm 2 điểm %. Tác động thực tế sẽ phụ thuộc vào khả năng khống chế dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nen-kinh-te-viet-nam-se-bi-anh-huong-ra-sao-tu-dich-corona-888132.html