Nền móng công nghiệp tạo đòn bẩy để bứt phá

Hòa cùng dòng chảy của lịch sử, đáp ứng từng giai đoạn phát triển của đất nước và của địa phương, qua các thời kỳ, công nghiệp vẫn khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Suốt quá trình xây dựng và phát triển, công nghiệp nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt, sản phẩm của ngành không chỉ phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới.

Sản xuất linh kiện điện tử, dây cáp kết nối phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Bando Vina, KCN Thụy Vân, TP Việt Trì.

Phú Thọ là tỉnh có nền công nghiệp phát triển tương đối sớm. Thời kỳ những năm 1959-1960, cùng với KCN Việt Trì được xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp địa phương lần lượt ra đời đã góp phần phục vụ kịp thời cho công cuộc khôi phục và xây dựng phát triển kinh tế. Ngày 13/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với đông đảo cán bộ, công nhân tại công trường xây dựng KCN Việt Trì. Người căn dặn: “Đây là KCN đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một KCN to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả nước...”. Ghi nhớ lời dạy của Người, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển tỉnh nhà xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, với sự tin tưởng, đặt nền móng phát triển công nghiệp ngay từ sớm của Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ. Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, từ năm 1962, ngành công nghiệp trong tỉnh có hàng loạt cơ sở sản xuất mới được xây dựng và đi vào hoạt động, trong đó có những cơ sở được trang bị khá tốt và trở thành đơn vị đầu đàn của công nghiệp địa phương. Công nghiệp trung ương trên địa bàn tỉnh, nhiều nhà máy hoàn thành vượt mức kế hoạch, những cái tên đã đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của công nghiệp tỉnh nhà thời kỳ này như: Supe phốt phát Lâm Thao, Chè Phú Thọ, Giấy Việt Trì, Đường Việt Trì, Điện, Mì chính, Hóa chất Việt Trì... Những năm 1966-1975, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp bị địch đánh phá ác liệt, gây tổn thất nặng nề. Công nghiệp Phú Thọ đã kịp thời chuyển hướng sản xuất phục vụ nhu cầu hậu cần tại chỗ và nhu cầu quốc phòng. Thời kỳ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (từ năm 1975-1985), cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp đã được sắp xếp lại phù hợp với tình hình mới. Giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ này tăng 11,5%/năm.

Đi vào sản xuất từ năm 1962, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là một trong những đơn vị chủ lực cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.Thời kỳ mới tái lập tỉnh, năm 1997, công nghiệp Phú Thọ mới chỉ có hơn 100 doanh nghiệp. Tỉnh ủy đề ra phương án tiếp tục sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhờ vậy sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển khá, các cơ sở công nghiệp được đầu tư bắt đầu phát huy hiệu quả. Đến nay, công nghiệp toàn tỉnh đã hình thành rõ nét với định hướng phát triển, các ngành trọng điểm và cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Trên cơ sở đánh giá các thế mạnh, đặc thù, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đã từng bước phát triển và xây dựng các ngành công nghiệp chủ lực. Tốc độ giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2016-2020 đạt 10,67%/năm; cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực ngành nghề có lợi thế của tỉnh là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón; hàng may mặc xuất khẩu... Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân cao hơn mức bình quân của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh, đồng thời tạo ra sự đột phá trong phát triển cả về số doanh nghiệp, vốn, lao động, doanh thu và nộp ngân sách.Việc hình thành, phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh cơ bản phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển các KCN, CCN chung của cả nước và quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 7 KCN tập trung. Đến nay, tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, CCN 1.197 tỉ đồng. Hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh. Cùng với đổi mới công tác quản lý, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phát huy hiệu quả hợp tác với các địa phương và hợp tác quốc tế, sản xuất công nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ. Công nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Năm 2020, giá trị tăng thêm của công nghiệp - xây dựng ước đạt trên 18.800 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Công thương, phát huy truyền thống của ngành, thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động trong công tác tham mưu cho tỉnh xây dựng các quy hoạch và đề xuất cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp - thương mại trên địa bàn. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vai trò động lực trong phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời chú trọng phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, thân thiện với môi trường. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202109/nen-mong-cong-nghiep-tao-don-bay-de-but-pha-179292