Nền tảng của thành phố Anh hùng
Yêu nước nồng nàn, dám khát vọng, dám đổi mới là khí phách đặc trưng của người Hải Phòng. Nền tảng tinh thần ấy là bệ phóng đưa Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước, vững vàng trong kỷ nguyên hội nhập.

Thành phố Hải Phòng đổi thay hiện đại, năng động, phát triển sau 70 năm Ngày giải phóng. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Dấu ấn trong chiều dài lịch sử
Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, Hải Phòng hình thành và phát triển trên nền tảng một vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược trong tiến trình lịch sử dựng nước luôn đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Khoảng 2 vạn năm trước, người nguyên thủy bắt đầu đến sinh sống ở Hải Phòng và để lại những di tích thuộc văn hóa Soi Nhụ (phân bố chủ yếu trên đảo Cát Bà và một số ít ở Thủy Nguyên). Trấn giữ cửa ngõ "phên dậu" vùng Đông Bắc của đất nước, các thế hệ người Hải Phòng luôn đi đầu và tỏ rõ tinh thần yêu nước nồng nàn trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Ngay từ thuở các Vua Hùng dựng nước, Hải Phòng đã có chiến công của chị em Vũ Hồng, Vũ Thị Lê Hoa (người làng Thanh Lãng, Thủy Nguyên), của Hùng Sơn (Cát Hải) tham gia đánh giặc Ân. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm 40 - 43, Hải Phòng đã có 15 địa phương và 30 danh tướng tham gia, tiêu biểu nhất là nữ tướng Lê Chân - người được suy tôn có công đầu tạo dựng vùng đất nội thành Hải Phòng ngày nay.
Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIII, các thế hệ người Hải Phòng đã tham gia và góp phần làm nên các đại thắng Bạch Đằng, làm nên truyền thống Bạch Đằng thấm đẫm lòng yêu nước, hết sức vẻ vang của dân tộc. Cuối thế kỷ thứ XIX, nhân dân Hải Phòng tích cực tham gia đấu tranh vũ trang kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu phong kiến. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, người Hải Phòng đã xây nên truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”.

Trung tâm chính trị - hành chính mới TP Hải Phòng ở khu đô thị mới Bắc sông Cấm, TP Thủy Nguyên. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Về văn hóa, giáo dục, người Hải Phòng ghi dấu những thành tích rất vẻ vang. Làng Cổ Am, Vĩnh Bảo được mệnh danh là đất học của Xứ Đông (Hải Dương - Hải Phòng ngày nay). Trong thời kỳ phong kiến, Hải Phòng vinh dự có hơn 100 Tiến sĩ Nho học, đặc biệt có 3 vị Trạng nguyên là Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên), Trần Tất Văn (An Lão) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo).
Về nghệ thuật và văn hóa dân gian, trên địa bàn Hải Phòng còn bảo tồn và trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian truyền thống như: Ca trù, hát Đúm, hát Chèo, múa Rối. Ca trù của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Hiện nay, Giáo phường Ca trù Hải Phòng và Câu lạc bộ Ca trù Đông Môn (Thủy Nguyên) sinh hoạt và phát triển mạnh mẽ, thu hút lượng lớn người yêu nghệ thuật truyền thống tham gia. Hát Đúm Thủy Nguyên, múa Rối tại Vĩnh Bảo đều thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống và đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vững vàng bước vào kỷ nguyên mới

Với đường biển dài, thành phố Hải Phóng đẩy mạnh phát triển Logistic, vận tải biển. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Truyền thống hào hùng của người dân miền cửa biển được viết tiếp trong những câu chuyện hôm nay.
Ngày 14/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Tại buổi làm việc này, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, Hải Phòng đã đạt những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong nhiều lĩnh vực là sáng kiến của Hải Phòng, cần được tổng kết và có thể áp dụng cho nhiều địa phương. Điều này có được là nhờ Đảng bộ và chính quyền thành phố Hải Phòng đã biết khơi dậy tinh thần "dám nghĩ, dám làm" biết phát huy tiềm năng, chí khí, bản lĩnh, kiên nghị, thông minh và táo bạo vốn đã thành cốt cách của người Hải Phòng.
Hiện Hải Phòng có trên 1.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ hợp Khu Công nghiệp Deep C (Deep C) có vốn đầu tư từ Vương quốc Bỉ là hình ảnh đại diện cho sự thành công trong đầu tư của Bỉ tại Việt Nam. Deep C cũng là một trong 5 khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Ngày 2/4/2025, Nhà Vua và Hoàng hậu Vương quốc Bỉ đến thăm, làm việc tại Hải Phòng. Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Nhà Vua đánh giá cao vị thế chiến lược của Hải Phòng, khẳng định sự thành công của Tổ hợp Khu công nghiệp Deep C là minh chứng rõ nét về môi trường đầu tư kinh doanh tại đây. Nhà Vua thông tin, thời gian tới với vai trò của mình sẽ tiếp tục có những chính sách thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Hải Phòng và Vương quốc Bỉ.
Những ngày này, ở “Thành phố Tháng Năm”, mỗi trái tim của người dân sống nơi đây đều chung nhịp đập tự hào. Ông Phạm Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hải Phòng cho biết, cả nước mới có hai thành phố được phong tặng danh hiệu Anh hùng là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng. Cụ thể, ngày 28/4/2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký Quyết định số 766 - về việc phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” cho thành phố Hải Phòng đã có thành tích đặc biệt xuất sắc và toàn diện, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Một góc thành phố Hải Phòng hiện đại, năng động sau 70 năm giải phóng. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Ngày 6/5 vừa qua, tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Hải Phòng vinh dự trở thành địa phương đứng đầu cả nước sau 7 năm xếp hạng trong Top 10 cả nước. Tại lễ công bố, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2020-2025) đã xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công vụ của bộ máy hành chính là giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nỗ lực cải cách nhằm nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI và các chỉ số cải cách hành chính đã giúp Hải Phòng vươn lên Top 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước vào năm 2024 và duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số liên tục 10 năm qua. Thu ngân sách nhà nước lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao đến nay. Trong 4 năm gần đây (2021-2024), thành phố luôn thuộc Top 5 địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước.
Theo ông Lê Tiến Châu, thành phố Hải Phòng ý thức sâu sắc vai trò và trọng trách của mình trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Hải Phòng đang nỗ lực phấn đấu để phát triển ngang tầm các thành phố tiêu biểu châu Á; là thành phố Cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Để đạt mục tiêu này, thành phố tập trung vào các định hướng chiến lược như, tăng tốc và bứt phá trong xây dựng chính quyền số bảo đảm quá trình tái cấu trúc hệ thống bộ máy hành chính sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, thành lập các phường, xã, đặc khu không làm gián đoạn quá trình thực hiện thủ tục hành chính của nhân dân và doanh nghiệp, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 12,5%, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 15-16% giai đoạn 2026 - 2030.
Thành phố chủ động quy hoạch, tái cấu trúc không gian phát triển, tạo động lực mới từ nội đô lẫn vùng ven, với các trung tâm hành chính, công nghiệp, logistics hiện đại sau khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, tạo dư địa tăng trưởng dài hạn, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững.
Hải Phòng tiếp tục phát triển đồng bộ hạ tầng chiến lược với tinh thần “hạ tầng đi trước - tăng trưởng theo sau”, tập trung vào hoàn thành các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện; phát triển cảng biển thế hệ mới Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Tiên Lãng, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mạng lưới logistics và hạ tầng số phủ kín đến cấp xã, làm nền tảng cho kinh tế số.
Thành phố tiếp tục tạo thể chế phát triển hiện đại, thông thoáng, cởi mở. Hải Phòng quyết tâm tiên phong đề xuất cái mới, làm cái khó, từ đó mở đường thể chế cho cả nước.