Nền tảng giáo dục vững chắc
Bù Đăng có nhiều trường học nhất tỉnh, đồng thời phần lớn diện tích nằm trong quy hoạch bô-xít. Chính vì vậy, khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng như trường đạt chuẩn quốc gia là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư lớn của các cấp, sự quyết tâm cao của ngành giáo dục, đến nay công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước hoàn thành chỉ tiêu, trở thành điểm sáng của tỉnh.
Quyết tâm từ nội lực
Huyện Bù Đăng có 54 trường học điểm chính và 55 điểm lẻ, trong đó xã Đức Liễu nhiều nhất với 7 trường. Ngoại trừ Trường tiểu học Kim Đồng nằm trong quy hoạch khai thác khoáng sản bô-xít nên chưa thể đầu tư xây dựng mới, 6 trường còn lại đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại từng bước công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Khi chưa có quyết định quy hoạch khoáng sản bô-xít, Trường tiểu học Đức Liễu được đầu tư xây mới 2 dãy lầu gồm 8 phòng học lý thuyết và 6 phòng học bộ môn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, do nằm trong quy hoạch bô-xít nên trường không còn được đầu tư xây dựng mới, dù nhiều phòng học, phòng chức năng đã xuống cấp.

Các cháu Trường mẫu giáo Đức Liễu, huyện Bù Đăng được học trong ngôi trường chuẩn quốc gia với cơ sở vật chất đầy đủ tiện nghi
Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Liễu Lê Thị Oanh cho biết: Ngoài 2 dãy lầu 14 phòng, tại điểm chính vẫn còn 11 phòng cấp 4 xuống cấp cần được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do nằm trong quy hoạch bô-xít nên công tác đầu tư xây dựng tạm thời ngưng lại, ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng trường chuẩn. Để đảm bảo cơ sở vật chất công nhận đạt chuẩn, trường buộc phải sửa chữa, tân trang các phòng cấp 4 để sử dụng làm khối hiệu bộ và các phòng học lý thuyết, bộ môn… Cùng với đó, trường được UBND huyện thuận chủ trương đầu tư gần 1 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học. Trên cơ sở nỗ lực, quyết tâm cao của thầy trò, vừa qua, trường đã được đoàn công tác của Sở GD&ĐT về đánh giá ngoài, từng bước hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 thời gian tới.
Cạnh Trường tiểu học Đức Liễu là Trường mẫu giáo Đức Liễu đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm học 2022-2023. Trước khi có quyết định quy hoạch khoáng sản bô-xít, từ năm 2022, trường được đầu tư xây dựng, mua sắm đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi dạy học trong lớp cũng như các khu vui chơi ngoài trời cho trẻ. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên từng bước đạt chuẩn, tâm huyết, yêu nghề, góp phần đưa trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2. Đây là điều kiện để công tác chăm sóc, nuôi dưỡng được nâng cao, thu hút trẻ đến trường.
“Trước đây học sinh đến trường ít, nhưng sau khi được đầu tư xây dựng, mua sắm đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt được công nhận đạt chuẩn quốc gia đã thu hút trẻ đến trường và đi học đều hơn. Nhờ đó, trường đã nhận được sự tin tưởng của phụ huynh, ngày càng yên tâm khi gửi gắm con em mình” - cô Đoàn Thị Mỹ Duyên, giáo viên Trường mẫu giáo Đức Liễu cho biết.

Các phòng của Trường tiểu học Đức Liễu được tu sửa, tân trang sạch đẹp, đảm bảo cho việc công nhận đạt chuẩn

Cô trò Trường tiểu học Đức Liễu trong giờ dạy và học
Vùng sâu khởi sắc
Do ảnh hưởng của quy hoạch khoáng sản bô-xít nên công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số địa phương trên địa bàn Bù Đăng gặp khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ. Tuy nhiên, đối với những khu vực không nằm trong quy hoạch, công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn được đẩy mạnh với quy mô lớn.
Tại xã vùng sâu Đắk Nhau, từ năm 2023 đến nay, địa phương được đầu tư nguồn kinh phí lớn xây dựng 4/4 trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Trường mẫu giáo Hoa Hồng và THCS Chu Văn An đã được công nhận đạt chuẩn, còn Trường tiểu học Đắk Nhau và tiểu học Trần Quốc Toản đang hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như hồ sơ, thủ tục công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối tháng 6-2025.
Chủ tịch UBND xã Đắk Nhau Nguyễn Mạnh Trường cho biết: Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2024, xã đầu tư hơn 200 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, đặc biệt là hệ thống trường học. Xã có 4 trường đều được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế theo hướng đạt chuẩn, trong đó tiểu học Đắk Nhau có quy mô đầu tư lớn nhất với kinh phí 50 tỷ đồng. Đây là sự quan tâm rất lớn của các cấp, ngành, không chỉ tạo điều kiện để xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2023 mà còn góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.
Tương tự, xã Đường 10 từng là địa bàn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, nhưng đến nay 3/3 trường học trên địa bàn đều được đầu tư khang trang, hiện đại; trong đó có 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2023 và trường còn lại đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục công nhận đạt chuẩn vào cuối năm học này.
Ngôi trường tạo điểm nhấn nổi bật nhất của xã cũng như toàn huyện Bù Đăng là tiểu học Võ Thị Sáu. Từ nguồn vốn 45 tỷ đồng, trường được đầu tư xây dựng trên khu đất mới diện tích 1 ha với 3 dãy tầng lầu, nhà bếp, cổng, hàng rào và nhiều công trình phụ trợ khác, tạo điều kiện học tập cho gần 700 học sinh, trong đó 57% là con em dân tộc thiểu số. Ngôi trường mới hoàn thành đưa vào sử dụng đã chấm dứt khó khăn về cơ sở vật chất hàng chục năm qua.
Xã Đăng Hà được đầu tư xây dựng nông thôn mới năm 2024, trong đó tiêu chí tạo điểm nhấn ở địa phương vùng sâu, vùng xa này là trường học. Sau hàng chục năm phải dạy học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp, hiện nay Trường tiểu học Đăng Hà và mầm non Đăng Hà đã được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo đạt chuẩn; trong đó, Trường tiểu học Đăng Hà được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2024, còn Trường mầm non Đăng Hà đang hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn vào cuối năm học này.
Điểm sáng toàn tỉnh
Bù Đăng là địa bàn có số trường học nhiều nhất tỉnh, nên việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cũng như hoàn thiện các tiêu chí trường chuẩn gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, huyện có nhiều khu vực trong quy hoạch bô-xít và theo quy định thì không được đầu tư xây dựng nên việc thực hiện các công trình phục vụ hoạt động giáo dục 2 năm qua bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy vậy, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của lãnh đạo tỉnh, huyện, đặc biệt giai đoạn 2021-2025, số trường đầu tư xây dựng đạt chuẩn cao hơn gấp nhiều lần so với giai đoạn trước, trở thành điểm sáng của tỉnh.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bù Đăng NGUYỄN TIẾN THÔNG
Nếu năm 2020, toàn huyện mới chỉ có 6 trường đạt chuẩn quốc gia, thì đến cuối tháng 4-2025 đã có 33 trường. Dự kiến, đến hết năm học 2024-2025, huyện Bù Đăng có thêm 5 trường đạt chuẩn, nâng tổng số lên 38/54 trường, chiếm 70,37%, đạt chỉ tiêu trên giao. Để có kết quả nổi bật nêu trên, giai đoạn 2021-2025, các trường được đầu tư nguồn kinh phí lớn với hơn 541 tỷ đồng. Hiện 5 trường đang hoàn thiện các thủ tục để công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối tháng 6-2025, gồm mầm non Đăng Hà, tiểu học Đức Liễu, tiểu học Trần Quốc Toản, tiểu học Đắk Nhau và THCS Nguyễn Khuyến.
Địa bàn có nhiều trường học lại nằm trong quy hoạch khoáng sản bô-xít, nhưng với sự quan tâm đầu tư nguồn lực lớn, quyết tâm cao của các cấp, ngành, đến nay công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Bù Đăng trở thành điểm sáng nổi bật. Chỉ trong 5 năm, Bù Đăng có thêm 32 trường được công nhận đạt chuẩn, góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng như nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trường tiểu học Đăng Hà đón nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2024
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/172475/nen-tang-giao-duc-vung-chac