Nền tảng pháp lý cho phát triển bền vững và chuyển đổi kinh tế xanh

Luật Năng lượng đầu tiên của Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, được kỳ vọng tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển năng lượng bền vững và chuyển đổi kinh tế xanh. Trước đó, vào ngày 8.11.2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lộ trình đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, đồng thời thể hiện chiến lược và định hướng chính sách năng lượng của quốc gia.

Tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội chất lượng cao

Luật không chỉ thiết lập khuôn khổ thể chế toàn diện cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và ít carbon của Trung Quốc mà còn tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội chất lượng cao của nước này. Với phạm vi toàn diện và bao quát, luật bổ sung cho các văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này, như Luật Điện lực, Luật Năng lượng tái tạo và Luật Bảo tồn năng lượng.

 Nguồn: jingsun-power.com

Nguồn: jingsun-power.com

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế về việc giảm phát thải khí nhà kính. Là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã cam kết đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Tuy nhiên, các chính sách trước đây chưa tạo ra khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để thực thi mục tiêu này.

Thực tế, năm 2024 được coi là năm nóng nhất lịch sử, với nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt mức 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp, theo Cơ quan Giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU). Tình hình biến đổi khí hậu nghiêm trọng cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như lũ lụt và nắng nóng kỷ lục, đã thúc đẩy Trung Quốc cần có hành động quyết liệt.

Thực tế, Trung Quốc lâu nay đã cam kết tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng và cải thiện hiệu quả năng lượng. Luật Năng lượng mới kết hợp rõ ràng việc "thúc đẩy cuộc cách mạng tiêu thụ năng lượng" vào các mục tiêu lập pháp của mình. Một loạt biện pháp thể chế được ghi trong luật, chẳng hạn như hệ thống chia sẻ mục tiêu tối thiểu về tiêu thụ năng lượng tái tạo, cơ chế đảm bảo tiêu thụ điện tái tạo và hệ thống chứng nhận điện tái tạo (chứng chỉ xanh), sẽ giúp xây dựng một mô hình năng lượng tập trung vào tiêu thụ xanh và ít carbon.

Việc hợp pháp hóa hệ thống chứng chỉ xanh không chỉ cung cấp sự công nhận có thẩm quyền về các thuộc tính môi trường của điện tái tạo, mà còn cung cấp các động lực thị trường mạnh mẽ cho các cá nhân và doanh nghiệp ưu tiên mua và sử dụng năng lượng sạch. Đây sẽ là động lực quan trọng để tiếp tục tối ưu hóa cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc.

Nhiều quy định quan trọng đặt nền tảng cho tương lai

Luật Năng lượng bao gồm 9 chương, với các quy định quan trọng như quy hoạch năng lượng, phát triển và đổi mới công nghệ, hệ thống thị trường, dự trữ và an ninh năng lượng, cũng như quản lý và trách nhiệm pháp lý. Cụ thể, luật nhấn mạnh việc xây dựng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích nghiên cứu và đầu tư vào lưu trữ năng lượng, lưới điện thông minh và công nghệ thu giữ carbon (CCUS)... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch sẽ được hỗ trợ thông qua cơ chế giá năng lượng linh hoạt, đồng thời việc tăng cường kiểm soát và áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm khắc cũng được ưu tiên để ngăn chặn các vi phạm quy định phát thải. Nhìn chung, mục tiêu của luật tập trung vào 3 khía cạnh chính là an ninh năng lượng, phát triển năng lượng chất lượng cao và chuyển đổi sang năng lượng xanh, ít carbon và phát triển bền vững.

Luật Năng lượng mới của Trung Quốc không chỉ hướng đến phát triển năng lượng trong nước, mà còn thúc đẩy hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ năng lượng sạch. Theo Tân Hoa Xã, đây là trụ cột chính trong chiến lược đạt đỉnh phát thải trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060 của đất nước gấu trúc. Hiện tại, Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu quan trọng, như công suất điện mặt trời và gió đạt trên 1.200GW, chiếm hơn 40% tổng công suất toàn cầu, và tiêu thụ than đá giảm 2,5% trong năm 2024, với dự báo giảm thêm 5% vào năm 2025.

Luật Năng lượng mới đã cho thấy cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc, củng cố tiếng nói của quốc gia tại các diễn đàn quốc tế như COP29, được tổ chức tại Azerbaijan vào cuối năm 2024. Đây cũng là cơ hội để nước này định hình các hiệp định khí hậu toàn cầu và thúc đẩy hợp tác với các nước đang phát triển trong chuyển đổi năng lượng xanh. Đáng chú ý, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo của Trung Quốc đạt 270 tỷ USD vào năm 2024, gấp đôi so với Mỹ, khẳng định vị thế dẫn đầu trong đổi mới năng lượng sạch.

Dù phải đối mặt với các thách thức như chi phí đầu tư ban đầu cao và cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng cần được cải thiện, luật mới mở ra nhiều cơ hội lớn. Ngành công nghiệp năng lượng sạch của Trung Quốc dự kiến sẽ tạo thêm hàng triệu việc làm và tăng cường xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là sang các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và con đường.

Có thể nói, việc thông qua Luật Năng lượng đầu tiên là bước đi mang tính quyết định trong chiến lược khí hậu của Trung Quốc. Nó không chỉ đặt nền tảng cho các chính sách năng lượng trong tương lai, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc đối với cộng đồng quốc tế. Văn bản pháp lý này cũng góp phần củng cố vai trò kép của quốc gia có dân số lớn nhất thế giới trên trường quốc tế, vừa là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất, vừa là quốc gia tiên phong trong đổi mới năng lượng sạch.

Ngọc Minh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nen-tang-phap-ly-cho-phat-trien-ben-vung-va-chuyen-doi-kinh-te-xanh-post401133.html