Nền tảng quan trọng
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về công nghệ hay mạng, mà phải là quá trình cá nhân hóa.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về Chính phủ điện tử. Để đạt được mục tiêu này, nâng cao năng lực số cho học sinh để hình thành thế hệ công dân số, được xem là nền tảng quan trọng.
Theo định nghĩa của UNESCO, năng lực số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua các công nghệ cho việc làm và khởi nghiệp. Năng lực này bao gồm hiểu biết về máy tính, công nghệ thông tin, thông tin và truyền thông.
Với học sinh, nâng cao kỹ năng số không chỉ là vấn đề cấp thiết, giúp các em có thể sống trong môi trường số an toàn, hiệu quả, mà còn là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục, thu ngắn khoảng cách.
Bởi năng lực số ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, hỗ trợ khả năng tìm kiếm tài liệu, kết nối kiến thức cũng như khả năng nhận biết tốt/xấu, đúng/sai các nguồn tin trên thế giới ảo. Kỹ năng số còn thúc đẩy năng lực sáng tạo của học sinh vượt ra ngoài môi trường lớp học hoặc trường học thông thường.
Hệ thống giáo dục Việt Nam đã quan tâm, trang bị cho học sinh năng lực số ở tất cả cấp học từ khá sớm. Đặc biệt, theo Chương trình GDPT 2018, môn Tin học được đưa vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 3. Giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua mô hình học tập dựa trên dự án và phát triển trung tâm đổi mới trong trường học.
Đáng chú ý, nhiều địa phương còn đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực số cho học sinh qua việc tăng cường tin học, triển khai đào tạo tin học chuẩn quốc tế. Song song với chương trình tin học chính khóa, coi kỹ năng số như một kỹ năng sống cũng được nhiều trường tích hợp lồng ghép dạy học trong các môn học hoặc hợp tác với trung tâm chuyên môn, thông qua chương trình như Lớp học Google, Em an toàn hơn cùng Google…
Mặc dù được ngành Giáo dục sớm đưa vào chương trình qua môn Tin học và hoạt động ngoài giờ, trải nghiệm, song đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung năng lực số chung cho học sinh phổ thông. Thực tế dạy học tin học trong nhà trường còn nhiều khó khăn. Đa số địa phương thiếu phòng máy tính. Đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn Tin học còn yếu và thiếu.
Giáo dục kỹ năng số như một dạng kỹ năng mềm được tích hợp, lồng ghép trong các môn học nên chưa đủ sâu, trong khi đó việc hợp đồng với các trung tâm chuyên môn để giảng dạy lại cần sự đồng thuận của phụ huynh về mặt chia sẻ chi phí…
Khung năng lực số cho học sinh đang được ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan xúc tiến xây dựng, được kỳ vọng tạo nền tảng để tăng cường giáo dục năng lực số có hệ thống, xuyên suốt ở các cấp bậc học, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Thế nhưng, việc áp dụng vào thực tế sẽ là hành trình nhiều thử thách trong bối cảnh nguồn lực cho ngành Giáo dục còn hạn chế. Song song với việc đầu tư trang thiết bị dạy học tin học, tăng cường phát triển năng lực số cho giáo viên, cán bộ quản lý, rất cần tăng cường nhận thức và cả sự chung sức của phụ huynh, cộng đồng để nâng cao năng lực số cho học sinh.
Vì thế, đa dạng hình thức dạy học trong và ngoài nhà trường, tăng cường xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ từ các tập đoàn, doanh nghiệp… là hướng đi cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nen-tang-quan-trong-post655126.html