Nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết chuyên đề về phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (ngày 27/2/2012) ra đời đến nay, tổ chức Đảng đã góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững hơn.

Cụ thể hóa chủ trương ở đâu có tổ chức cơ sở Đảng

Khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển, doanh nghiệp tăng cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước. Các thống kê cho thấy, hiện doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước chiếm khoảng 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp trên 40% GDP.

Tại Hà Nội, hiện có trên 250 nghìn doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tại Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021 tăng trung bình khoảng 5%/năm. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô: Chiếm 67% trên tổng số việc làm; đóng góp khoảng 30% GDP của Thủ đô…Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp tư nhân đa dạng, từ thương mại, dịch vụ, đến các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao như tài chính, ngân hàng, bất động sản, công nghiệp cơ khí, công nghệ thông tin, du lịch sinh thái…

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội.

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội.

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, trước sự lớn mạnh không ngừng của kinh tế tư nhân, câu chuyện phát triển tổ chức Đảng trong khu vực này rất cần thiết, đóng vai trò tích cực vào việc định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Do vậy, bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 27/2/2012) về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Sau đó tiếp tục ban hành Kết luận số 67-KL/TU ngày 10/7/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2020 - 2025. Đây là những căn cứ rất quan trọng để chủ trương đi vào thực tiễn.

Hiệu quả rõ rệt trong sản xuất - kinh doanh

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập được 1.711 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp 10.742 đảng viên, trong đó có 45 chủ doanh nghiệp tư nhân. Các tổ chức Đảng được thành lập trong doanh nghiệp đã tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển; lãnh đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng lao động…

Điển hình như Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội (đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) - doanh nghiệp nước ngoài 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, có hơn 1.200 cán bộ, công nhân viên. Theo ông Nguyễn Đức Nhân - Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội, việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09 về phát triển tổ chức cơ sở Đảng tại khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là sự đổi mới, là cơ hội mới để người lao động làm việc trong doanh nghiệp có cơ hội được gia nhập vào hàng ngũ của Đảng, để tổ chức cơ sở Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo.

Nói về quá trình thành lập tổ chức cơ sở Đảng tại Công ty, ông Nguyễn Đức Nhân cho biết, năm 2012, sau khi được Đảng ủy, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội vận động, Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội đã cử quần chúng ưu tú đi học cảm tình Đảng, đồng thời vận động đảng viên đang sinh hoạt ở nơi cư trú chuyển Đảng. Đến năm 2014, khi có đủ 3 đảng viên, Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội đã thành Chi bộ để sinh hoạt.

Khi mới thành lập, nhiều vấn đề về công tác Đảng vẫn chưa được Ban lãnh đạo Công ty coi trọng và đánh giá đúng mức. Tuy nhiên, sau nhiều lần Chi bộ Đảng làm việc với Ban lãnh đạo Công ty, đặc biệt bằng việc làm cụ thể để chứng minh dù là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng khi có tổ chức Đảng, đoàn thể tình hình sản xuất - kinh doanh tốt hơn, quan hệ lao động trong công ty hài hòa, ổn định hơn, nên từ đó tổ chức Đảng đã được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Ban Giám đốc.

“Mặc dù là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chúng tôi vẫn sinh hoạt Đảng trong giờ làm việc mỗi tháng một lần. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công ty tạo điều kiện để cho các đảng viên đi họp Đảng, đi học nghị quyết mà vẫn chấm công, coi như đi công tác, hoặc có thể điều động phương tiện đi lại phục vụ cho việc đi họp Đảng”, ông Nguyễn Đức Nhân cho biết.

Ông Nguyễn Đức Nhân cũng chia sẻ thêm, hiện Chi bộ Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội có 31 đảng viên. Từ năm 2020 đến nay, Chi bộ đã kết nạp được 14 đảng viên (vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ) và có chuyển về 2 đảng viên từ Chi bộ Công ty TNHH Elentec Việt Nam. Trong năm 2024, Chi bộ dự kiến kết nạp 6 đảng viên, đến nay đã kết nạp được 2 đảng viên, còn 5 hồ sơ đang triển khai.

Tổ chức Đảng và đảng viên đồng hành với chủ doanh nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Công

Tổ chức Đảng và đảng viên đồng hành với chủ doanh nghiệp trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Công

Tại Khu Công nghiệp Quang Minh, ngoài Đảng bộ Khu Công nghiệp Quang Minh với 4 Chi bộ, 53 đảng viên là người lao động thuộc hơn 30 doanh nghiệp, tại đây còn hàng chục Chi bộ khác trực thuộc Đảng bộ Khối các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Các đảng viên đều là cán bộ quản lý, sát với cấp lãnh đạo, chia thành các Chi bộ để sát với nhiệm vụ Công ty.

Việc phát triển đảng viên tại các Chi bộ thuộc Đảng bộ Khu Công nghiệp Quang Minh thời gian qua luôn được chú trọng, phát triển đồng đều, đạt và vượt mức chỉ tiêu được giao. Trong 6 tháng đầu năm Khu Công nghiệp Quang Minh đặt chỉ tiêu phát triển 10 đảng viên mới, hiện đã kết nạp được 3 đảng viên, số còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.

Theo Bí thư Đảng ủy Khu Công nghiệp Quang Minh Nguyễn Tuấn Khải, thực tế tại Khu Công nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp có tổ chức Đảng đã tạo ra sự phát triển ổn định, người lao động gắn bó hơn. Hạn chế thấp nhất tình trạng đình công, bởi nếu manh nha xuất hiện tình trạng đình công sẽ có sự can thiệp của Chi bộ và Đảng bộ Khu Công nghiệp Quang Minh. Bên cạnh đó, Đảng ủy Khu Công nghiệp cũng sẽ báo cáo với Công đoàn và Huyện ủy Mê Linh, kịp thời vào cuộc tháo gỡ. Bản thân những người lao động sau khi trở thành đảng viên đều nhận thức rõ hơn về vai trò của mình, trở thành nòng cốt của công ty, cùng thúc đẩy hiệu quả công việc tăng lên.

Chú trọng chăm lo đời sống công nhân lao động

Kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước cho thấy, bài học được đúc kết chính là sự sâu sát của các cấp ủy Đảng đã giúp chủ trương đi vào cuộc sống. Bởi muốn thành lập được tổ chức Đảng, các cấp ủy phải nắm chắc được tình hình doanh nghiệp trên địa bàn, phải thực sự coi trọng và quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động. Quán triệt tinh thần này, ngay từ đầu năm 2024, các cấp ủy Đảng đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch để thực hiện khảo sát, phân loại các loại hình doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng thiết thực, phù hợp; tăng cường sinh hoạt chuyên đề phù hợp với đặc thù, tính chất của từng doanh nghiệp; triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, đoàn thể. Nhờ đó, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU thành phố Hà Nội được tổ chức mới đây, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước quyết liệt triển khai Đề án số 29 và Quyết định số 5491 của Ban Thường vụ Thành ủy. Đến nay đã có 2.018/2.119 (đạt 95,23%) tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước trực thuộc các quận, huyện, thị ủy; 146/279 (đạt 52,3%) tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa cấp ủy, tổ chức Đảng với Ban lãnh đạo doanh nghiệp cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn của từng loại hình, thực tiễn đặt ra đối với từng doanh nghiệp.

Các Đảng ủy Tổng công ty, Đảng ủy Khối tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, tổ chức mô hình các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc theo Phương án số 2605-PA/BTCTU ngày 14/5/2018 của Ban Tổ chức Thành ủy theo hướng tiếp tục sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập một số tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tiếp tục thực hiện chuyển giao các tổ chức Đảng để nâng cao chất lượng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý đảng viên; rà soát, bổ sung hồ sơ đảng viên, nhập dữ liệu đảng viên, củng cố hồ sơ đảng viên.

Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, các cấp ủy đã thực hiện khảo sát trên 800 doanh nghiệp, thực hiện khảo sát sâu hơn 400 doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Qua khảo sát có 81 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng; 153 doanh nghiệp có từ 1-2 đảng viên. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, toàn thành phố Hà Nội đã thành lập mới 65 tổ chức Đảng (đạt 72,2%) trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, kết nạp mới 501 đảng viên (đạt 55,5%), trong đó kết nạp 4 đảng viên là chủ doanh nghiệp. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã thành lập được 330/550 tổ chức đoàn thể với 17.313/35.000 đoàn viên, hội viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ những tồn tại, khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết ở một số tổ chức Đảng có mặt còn hạn chế. Công tác phát triển đảng viên ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ đảng viên là chủ doanh nghiệp, tỷ lệ đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn thấp so với mục tiêu đề ra. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, tình hình phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay gặp nhiều khó khăn đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong bối cảnh đó, các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước vẫn tích cực chăm lo đến đời sống, bảo vệ quyền và nghĩa vụ chính đáng của các đoàn viên công đoàn. Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU thời gian tới các cấp ủy, tổ chức Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút sự tham gia của các công đoàn viên. Trong đó, tiếp tục chú trọng triển khai các giải pháp phát triển đảng viên, đoàn viên; tích cực chăm lo đến quyền và lợi ích chính đáng cho các công đoàn viên.

Để doanh nghiệp ngày càng thấy tầm quan trọng

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai các nội dung của Nghị quyết số 09-NQ/TU, đặc biệt đối với công tác phát triển Đảng và đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền sâu, đậm về các mô hình, loại hình hoạt động hiệu quả cũng như việc triển khai quy chế phối hợp tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy sớm tính toán quy mô, nội dung triển khai việc tuyên dương các đảng viên là chủ doanh nghiệp trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; Liên đoàn Lao động Thành phố và Thành đoàn tích cực quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài Nhà nước về cả cơ chế chính sách đến việc chăm lo cho quyền lợi của công đoàn viên, thanh niên, như: Thăm khám sức khỏe, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; đặc biệt là chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần trong các dịp lễ, Tết…

Đáng chú ý, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thống nhất cao với việc xây dựng đề án về “Tăng cường khám sức khỏe sinh sản; tầm soát, phát hiện sớm ung thư và bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động khu công nghiệp và chế xuất năm 2024 - 2025”; đồng thời giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện. Cùng với đó, các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động, thanh niên.

Sự quan tâm bằng những chủ trương, chính sách cụ thể của thành phố Hà Nội và thực tiễn từ công tác xây dựng Đảng đã cho thấy, có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp không chỉ tạo thuận lợi cho chính người lao động là đảng viên được sinh hoạt Đảng tập trung, phù hợp môi trường hơn. Tổ chức Đảng còn là cầu nối gắn kết doanh nghiệp chặt chẽ hơn với cấp ủy, chính quyền địa phương; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp; đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Lê Thắm – Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nen-tang-quan-trong-cho-su-phat-trien-ben-vung-174020.html