Nền tảng tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng là kim chỉ nam để hội nhập kinh tế quốc tế
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nền tảng tư tưởng của Đảng là kim chỉ nam để đưa đất nước hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc đề ra chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế về kinh tế là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng đã lựa chọn, thể hiện một sự thay đổi nhạy bén trong tư duy, bắt kịp với xu thế của thời đại. Việc thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng với nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là minh chứng cho con đường đúng đắn, sáng suốt mà Đảng lựa chọn.
Từ đó đến nay, nhằm đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và tích cực tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các khuôn khổ liên kết kinh tế khác. Sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc tham gia các khuôn khổ hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại những tác động tích cực đến nhiều mặt về kinh tế và thương mại của Việt Nam.
Chủ trương của Đảng và Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia FTA
Thực tiễn đất nước những năm 1980 đặt Đảng ta trước những thách thức to lớn, đòi hỏi phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, trước hết là đổi mới tư duy. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình của đất nước, kế thừa thành tựu, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới. Đảng đã đặt ra nhu cầu phải đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, trong đó xác định phương hướng mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
Trong bối cảnh cách mạng khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của thế giới thì việc đề ra chủ trương hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật đối với các nước là một nhu cầu cấp thiết cho quá trình đổi mới của Việt Nam. Hơn nữa, tại thời điểm đầu những năm 90 của thế kỉ XX, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một xu thế của thời đại, diễn ra mạnh mẽ trên nhiều phương diện với sự xuất hiện của nhiều khối kinh tế, mậu dịch trên thế giới. Đối với một nước kinh tế chậm phát triển như Việt Nam tại thời điểm đó, hội nhập kinh tế quốc tế là con đường để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, phát huy những lợi thế và tìm cách khắc phục hạn chế thông qua việc học hỏi kinh nghiệm của các nước. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, trong suốt thời gian qua, Đảng đã chủ trương phải tăng cường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Việc đề ra chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế về kinh tế là một hướng đi đúng đắn, sáng suốt, thiết thực mà Đảng đã lựa chọn, thể hiện một sự thay đổi thức thời trong tư duy và bắt kịp với xu thế của thời đại. Đây là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh. Việc thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng với nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là minh chứng cho con đường đúng đắn, sáng suốt mà Đảng lựa chọn.
Các bước phát triển của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế
Đại hội VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác". Đây chính là phương hướng trước tiên nhất khởi đầu cho các chủ trương tiếp theo của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế.
Tới Đại hội VII, Đảng ta định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế". Tại Đại hội VIII, thuật ngữ “hội nhập” bắt đầu được đề cập trong các văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”.
Đại hội IX của Đảng đã đánh dấu lần đầu tiên Đảng ta đặt trọng tâm chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”. Theo đó, trong những năm qua, việc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA luôn được đặt ra trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ như Nghị quyết số 07-NQ/TW năm 2001 về hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2007 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là Thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, Nghị quyết số 22-NQ/TW năm 2013 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và gần đây nhất là Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4 tháng 9 năm 2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của hội nhập và đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả. Đồng thời, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC và các khuôn khổ hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế thông qua việc thực hiện nhiều hình thức hội nhập quốc tế; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy.
Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia FTA
Trong các Nghị quyết và Chỉ thị kể trên, quan điểm chỉ đạo, chủ trương lớn được Đảng và Chính phủ quán triệt về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập vào các FTA là:
Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội; hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa bảo vệ lợi ích dân tộc; an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.
Đẩy nhanh nhịp độ cải cách thể chế, cơ chế, chính sách kinh tế phù hợp với chủ trương, định hướng của Ðảng và Nhà nước, chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương.
Xây dựng và triển khai chiến lược, tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế - thương mại quan trọng trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích và khả năng của đất nước. Chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác.
Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN giữ vai trò trung tâm, nhằm tăng cường đoàn kết, gia tăng liên kết nội khối, củng cố quan hệ hợp tác với các bên đối thoại của ASEAN, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Lợi ích và thách thức từ việc tham gia các FTA
Về lý thuyết, FTA đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia nhưng về cơ bản là những lợi ích chính sau đây:
Gia tăng khả năng tiếp cận thị trường: Với các cam kết cắt giảm và thậm chí xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu kết hợp với các cam kết khác về cắt giảm hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi về hải quan, thủ tục nhập khẩu v.v. hàng hóa của các bên tham gia sẽ được tiếp cận thị trường của nhau dễ dàng hơn, từ đó giúp thúc đẩy và gia tăng giá trị trao đổi thương mại.
Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa: Nhờ có thuế nhập khẩu được cắt giảm hoặc xóa bỏ nên giá cả của hàng nhập khẩu sẽ được giảm đáng kể, có những trường hợp được giảm trên 20% từ đó sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Cải cách hệ thống pháp luật, tạo môi trường kinh doanh – đầu tư minh bạch, thuận lợi: Để thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các bên tham gia phải rà soát hệ thống pháp luật để sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời thay đổi tư duy quản lý và thực hiện, tăng cường cải cách hành chính... và qua đó giúp môi trường kinh doanh – đầu tư trở nên minh bạch hơn, dễ dự đoán hơn và thuận lợi hơn.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu: Với môi trường kinh doanh – đầu tư minh bạch, thông thoáng và thuận lợi hơn cùng với cơ hội tiếp cận thị trường rộng mở, các nhà đầu tư nước ngoài có động lực để thiết lập hay tăng cường hoạt động đầu tư của mình tại các bên tham gia FTA. Thêm vào đó, các Tập đoàn lớn, đa quốc gia có nhu cầu đa dạng nguồn cung ứng và từ đó tạo ra cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các công ty và doanh nghiệp sở tại.
Thách thức từ việc tham gia các FTA
Tham gia FTA bên cạnh các cơ hội hấp dẫn là những thách thức cần phải vượt qua. Các thách thức chính từ việc tham gia các FTA có thể bao gồm:
Về sức ép cạnh tranh: Các FTA đặt ra yêu cầu về cắt giảm và xóa bỏ thuế nhâp khẩu, do đó hàng nhập khẩu nước ngoài sẽ rẻ hơn và gây áp lực cạnh tranh cho các mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước. Đây là thách thức không thể tránh khỏi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và tham gia FTA nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đổi mới hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh và từ đó vươn lên.
Về mặt thực thi: Các cam kết trong FTA, nhất là các FTA thế hệ mới không chỉ đặt ra tiêu chuẩn cao về các vấn đề truyền thống mà còn đề cập tới nhiều vấn đề mới, phi truyền thống nên sẽ đặt ra gánh nặng thực thi lớn cho các bên tham gia, đặc biệt là các bên tham gia với trình độ phát triển còn khiêm tốn.
Tình hình tham gia các FTA của Việt Nam
Trên cơ sở các chủ trương, định hướng lớn mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra về hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian qua, ta đã chủ động và tích cực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực, với các dấu mốc quan trọng như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên sáng lập của Diễn đàn kinh tế Á – Âu (ASEM), trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và đặc biệt là gia nhập WTO, đánh dấu sự hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu.
Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và nhiều bên. Việt Nam là một trong số quốc gia có mức hội nhập kinh tế ở mức rất cao, với việc tham gia đàm phán, ký kết và thực thi nhiều FTA. Điều này tạo ra nhiều động lực phát triển mới, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có những diễn biến nhanh, khó lường. Hiện, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA, trong đó đáng chú ý là các FTA thế hệ mới bao gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); và gần đây nhất là tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA).
Các Hiệp định này không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, và đầu tư, mà còn điểu chỉnh những lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, phòng chống tham nhũng. v.v. Trong quá trình đàm phán các FTA này, Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế đều lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan về tác động đối với kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng. Chính việc tham gia và thực thi những FTA này đã tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư, cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.
Thành tựu đạt được khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do
Trên cơ sở sự được chỉ đạo thường xuyên, liên tục, sát sao của Đảng, việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa đất nước. Có thể kể đến những tác động đó là: đảm bảo an ninh, chính trị; mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam; giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; cơ cấu kinh tế từ đó cũng được chuyển đổi theo hướng tích cực; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản, minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh-xã hội; người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh v.v.
Phương diện an ninh, quốc phòng
Khi tham gia Hiệp định CPTPP, các nước đều khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và xác nhận tôn trọng vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với việc lãnh đạo toàn diện các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cho phép các nước được duy trì bất kỳ biện pháp nào để bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, việc tham gia CPTPP sẽ không gây tác động trực tiếp tới việc thực hiện các biện pháp để bảo đảm ổn định chính trị của ta.
Khi tham gia Hiệp định EVFTA, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, sdiễn biến phức tạp, khó lường, EVFTA vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Ở góc độ song phương, EVFTA góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của EU cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, cchính trị, đối ngoại nhiều mặt của Việt Nam hiện nay. Ở góc độ đa phương, EVFTA sẽ làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trong quan hệ EU – ASEAN cũng như tạo hình mẫu cho một hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với EU trong tương lai.
Phương diện kinh tế
Những thành tựu nổi bật của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi tham gia các FTA đã mang lại cho nền kinh tế thể hiện qua các số liệu nổi bật sau:
Về thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
Năm 1986, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 789 triệu đô la Mỹ, thì năm 2007 kim ngạch xuất khẩu đã đạt 48,4 tỷ đô la Mỹ và đến năm 2022 là 371,3 tỷ đô la Mỹ - tăng gấp hơn 7,6 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO năm 2007. Cụ thể, Trong năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng tới 35,14 tỷ USD so với năm trước. Ở chiều ngược lại, tính cả năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2021.
Với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Philippines, kim ngạch xuất khẩu của ta trong những năm gần đây cũng cao hơn đáng kể. Nổi bật kể từ khi Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực, từ đó đã và đang tạo động lực lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những tác động tiêu cực đến các chuỗi cung ứng và trao đổi thương mại trong khu vực và toàn cầu.
Về cơ cấu mặt hàng, hàng hóa xuất khẩu của ta ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, có nhiều nhóm hàng “chủ lực” đạt kim ngạch lớn. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,43 tỷ USD; giày dép các loại tăng 6,15 tỷ USD; hàng dệt may tăng 4,82 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,74 tỷ USD; thủy sản tăng 2,04 tỷ USD…
Đối với Hiệp định CPTPP, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các Thành viên CPTPP đạt khoảng 104,5 tỷ USD, tăng khoảng 14,3% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 53,5 tỷ USD, tăng 17,28% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 51 tỷ USD, tăng 11,33% so với năm 2021. Các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như hàng dệt may đạt 6,3 tỷ USD (tăng 185,14%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác (tăng 152,97%); giày dép đạt 2,9 tỷ USD (tăng 51,74%),... Hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico cũng có kim ngạch tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, đối với thị trường Canada, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 7 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Canada đạt 6,3 tỷ USD, tăng gần 20%; nhập khẩu hàng Canada vào Việt Nam chỉ đạt 711 triệu USD, giảm 6,5%. Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Canada vẫn giữ mức thặng dư cao nghiêng về Việt Nam, đạt 5,6 tỷ USD.
Đối với thị trường Mexico, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 giữa Việt Nam và Mexico đạt 5,4 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,53 tỷ USD, giảm 0,7%; nhập khẩu đạt 889 triệu USD, tăng 78%. Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mexico đạt 3,64 tỷ USD.
Đối với Hiệp định EVFTA, năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng khả quan. Kết quả tích cực này có vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định EVFTA và đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh khu vực thị trường bất ổn, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế EU đối mặt với nhiều khó khăn. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2022 đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2 % so với năm 2021, chiếm tỷ trọng 8,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó xuất khẩu đạt 46,82 tỷ USD, tăng 16,7%, nhập khẩu đạt 15,42 tỷ USD, giảm 8,7%. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU năm 2022 ở mức 31,4 tỷ USD, tăng so với mức 23,23 tỷ USD trong năm 2021.
Đối với Hiệp định UKVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 6,83 tỷ USD trong năm 2022, tăng 3,4 % so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 6,06 tỷ USD, tăng 5,2%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Việt Nam giảm 9,2% xuống còn 771 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang UK đạt 0,94 tỷ USD, trong đó tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi từ Hiệp định đạt 0,28 tỷ USD, tương đương 29,7%.
Về thu hút đầu tư nước ngoài
Trong năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 438,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Đến nay đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 81 tỷ USD (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 70,8 tỷ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông, ... Các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với hơn 55,8 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 39,6 tỷ USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 38,7 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư).
Đối với Hiệp định CPTPP, trong năm 2022, Việt Nam thu hút được khoảng gần 11,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư từ các nước CPTPP, tăng 2,6 tỷ USD so với năm 2021. Số dự án cấp mới đạt 577, tăng 77 dự án so với năm 2021. Các Thành viên CPTPP có tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất là Xinh-ga-po với 6,4 tỷ USD, Nhật Bản với 4,7 tỷ USD.
Đối với Hiệp định EVFTA, năm 2022, EU có 146 dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam, mặc dù có sự giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 12 dự án) tuy nhiên, quy mô vốn lại tăng. Theo đó, vốn đăng ký cấp mới trong năm 2022 đạt 15 tỷ USD (tăng 13 tỷ USD so với năm 2021). Tổng vốn đăng ký cũng đạt 24 tỷ USD (tăng 10 tỷ USD so với năm 2021).
Đối với Hiệp định UKVFTA, năm 2022, Vương quốc Anh có 53 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, tăng 5 dự án so với năm 2021, với vốn đăng ký cấp mới đạt 64,33 triệu USD, tăng 11,08 triệu USD so với năm 2021.
Trước đó, năm 2006, cả nước thu hút được xấp xỉ 10,2 tỷ đô la Mỹ vốn FDI, tăng hơn 45% so với năm 2005, vượt "đỉnh" cũ - FDI vào Việt Nam năm 1996 ở mức 8,6 tỷ đô la Mỹ. Năm 2019, vốn FDI thực hiện đã đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với 2018; 3.833 dự án mới đăng ký với 16,75 tỷ USD, bằng 93,2%; 1.381 dự án điều chỉnh vốn 5,8 tỷ USD, tăng 18,1%; 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần với 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD.
Những con số này cho thấy các nhà đầu tư đã và đang có chiến lược kinh doanh dài hạn hơn, tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam, một mặt đến từ môi trường đầu tư đã có nhiều cải thiện, mặt khác nhờ các cam kết hội nhập của Việt Nam.
Về tăng trưởng GDP
GDP năm 2022 tăng ở mức 8,02% so với năm trước, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%; trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như bán buôn, bán lẻ tăng 10,15%; vận tải kho bãi tăng 11,93%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 40,61%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%.
Trước đó, năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,02%. Năm 2018, tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 11 năm qua với mức tăng 7,08%, tổng giá trị GDP so với năm 2017, số liệu năm 2017 là 6,81%, năm 2016 là 6,21%, năm 2015 là 6,21% và năm 2014 là 5,98%. Có thể thấy số liệu gia tăng GDP tăng dần. Điều đó cho thấy Việt Nam đang thể hiện mình là một nền kinh tế phát triển nhanh, năng động bậc nhất. Ví dụ, năm 2018, tăng trưởng GDP của các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia và lần lượt Philippines là 3,9%, 5,1%, 4,6% và 6,6%. Năm 2017, ta cũng đứng đầu trong nhóm các nước này về tốc độ tăng GDP với tỷ lệ 6,81%, so với mức 5,1% của Indonesia, 5,9% của Malaysia, và 3,9% của Thái Lan. Năm 2016, trong số các nước này chỉ có duy nhất Philippines là có mức tăng trưởng GPD vượt ta với tỷ lệ 6,9%.
Về xóa đói giảm nghèo
Theo báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào ngày 5 tháng 4 năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Theo đánh giá của WB, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ngoạn mục trên là tăng trưởng kinh tế cao đi cùng với những chính sách xã hội hợp lý.
Bên cạnh đó, về mặt đối ngoại, việc tham gia và thực hiện các FTA trong thời gian qua cũng góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước.
Có thể nói, hội nhập kinh tế mà cụ thể là việc tham gia vào các khuôn khổ FTA trong thời gian vừa qua đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt của nền kinh tế theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa, thông thoáng, cởi mở và từ đó góp phần to lớn vào việc duy trì và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Để đạt được những kết quả là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, bám sát các nền tảng tư tưởng của Đảng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây chính là kim chỉ nam giúp cho Việt Nam phát triển kinh tế, thương mại tốt hơn nữa trong thời gian tới.