'Nên thí điểm thi THPT quốc gia trên máy tính trước khi áp dụng'

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng chỉ khi nào có thí điểm và tổng kết xây dựng lộ trình mới nên triển khai thi trên máy tính ở diện rộng.

Sau khi Bộ GD&ĐT báo cáo các phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020, nhiều ý kiến quan tâm phương án thi THPT quốc gia trên máy tính.

Cần thực hiện theo lộ trình

Bày tỏ ý kiến về phương án thi sau năm 2020, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nêu quan điểm hình thức thi trên máy tính cần được thí điểm ở một số thành phố lớn, đủ điều kiện trước, chứ không nên vội vàng áp dụng trên cả nước.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần nghiên cứu về hình thức thi trên máy tính để phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, cũng như tác động đến người học, nguồn nhân lực trong tương lai. Bởi, thi cử liên quan trực tiếp người dân.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: V.L.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: V.L.

Bộ GD&ĐT cần làm rõ những luận cứ về khoa học như lý do đưa ra hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm, cách thức thi như thế nào phù hợp, đảm bảo độ tin cậy và tính mục đích của kỳ thi.

Đồng thời, việc chuẩn bị điều kiện, nhân lực, chế tài cũng cần chú ý để nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Điều quan trọng là thời gian tới, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Bộ GD&ĐT cần thay đổi đề thi để phù hợp yêu cầu mới của chương trình.

GS.TS Nguyễn Văn Minh lưu ý chỉ khi nào có thí điểm và tổng kết xây dựng lộ trình mới nên triển khai phương án theo hình thức đại trà.

Khó nhất là ngân hàng đề thi

Ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhất trí với đề xuất phương án thi của Bộ GD&ĐT, cần phải điều chỉnh sớm thi trên giấy sang máy tính. Tuy nhiên, ông cho rằng phải căn cứ hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương và đến năm 2025 chưa thể thi toàn bộ trên máy tính.

Theo ông Phương, ngân hàng đề thi là vấn đề khó nhất. Việc kiểm định độ khó và tin cậy của câu hỏi rất phức tạp. Đây là vấn đề trọng tâm, Bộ GD&ĐT cần đầu tư thêm nhiều năm nữa, trước khi chuẩn hóa đưa vào triển khai.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - cho hay việc thi trên máy tính giống khảo sát năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM. Cách thi này đòi hỏi học sinh học đều, không chỉ tập trung môn thi và khối thi như hiện nay.

Xét về mục tiêu giáo dục, việc thi trên máy tính tránh được học lệch, học tủ, các em phải học rộng, đều. Tuy nhiên, việc thay đổi này ít nhiều tác động đến việc dạy và học hiện tại. Đặc biệt, thông tin mới được Bộ GD&ĐT đưa ra là “giảm số lượng câu hỏi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện bài thi tích hợp phù hợp lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay”.

Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, việc thi gộp một đầu điểm duy nhất cũng có nhiều khó khăn vì học sinh vẫn học riêng nhưng khi thi lại tích hợp. Như vậy, học sinh phải tự tổng hợp kiến thức, nhà trường xây dựng được ngân hàng câu hỏi đánh giá tổng hợp.

“Đánh giá tổng hợp đòi hỏi học sinh phát triển toàn diện. Trong khi đó, theo chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng, chúng ta đi theo định hướng dạy học phát huy năng lực cá nhân. Vì vậy, phương án thi có điều chưa ổn so với mục tiêu giáo dục cá thể hóa và toàn diện. Đề thi có thể đánh giá được mức tổng hợp để phân loại thí sinh nhưng chưa hẳn đã chọn được thí sinh tốt, chuyên sâu”, cô Thảo nói.

Nữ giáo viên ủng hộ phương án tổ chức thi nhiều lần trong năm để học sinh có cơ hội ôn luyện và dự thi khi có điều kiện.

"Thi để đánh giá một cách tương đối chứ đừng để mang tâm lý căng thẳng. Trường đại học chỉ căn cứ một phần nào đó điểm thi, còn lại sẽ có cách chọn khác. Muốn chấm thi tốt, nếu có tài nguyên đề thi rộng, cách tiếp cận tốt cho học sinh rồi, thì phải huấn luyện cho cán bộ", nữ giáo viên nói.

TSKH Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng các trường đại học cần căn cứ một phần kết quả thi THPT quốc gia, bên cạnh đó nên có cách chọn của trường. Không nên để xã hội nhìn nhận một cách căng thẳng về kỳ thi.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nen-thi-diem-thi-thpt-quoc-gia-tren-may-tinh-truoc-khi-ap-dung-post994314.html