Nên thiết kế kiến thức nghề và văn hóa ra sao đối với chương trình trung học nghề?

Không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế, mô hình trung học nghề còn được đánh giá là giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện tại trong tổ chức đào tạo nghề.

Sự hình thành và xây dựng chương trình trung học nghề trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang được nhiều chuyên gia, lãnh đạo trường cao đẳng kỳ vọng sẽ là bước chuyển mình mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta.

Hình thành chương trình trung học nghề là phù hợp với thông lệ quốc tế

Bàn về điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đánh giá, việc hình thành mô hình trường trung học nghề như trong Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) là một điểm mới tích cực, mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Theo thầy Huyền, trước hết, đây là một bước đi phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên thực tế, mô hình trung học nghề đã được nhiều quốc gia ở cả châu Âu và châu Á áp dụng rộng rãi.

Hơn nữa, mô hình này sẽ góp phần giải quyết một vướng mắc thực tiễn mà các trường nghề đang đối diện.

Cụ thể, trong những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ chủ trương thực hiện vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các trường nghề không được trực tiếp giảng dạy chương trình văn hóa mà phải phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên, dẫn đến sự bất tiện và thiếu nhất quán trong triển khai. Việc này khiến quá trình đào tạo bị chia cắt, không đồng bộ và không “chính danh”, làm giảm hiệu quả thực tế.

Với sự ra đời của mô hình trường trung học nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có cơ sở pháp lý rõ ràng để thực hiện đồng thời cả đào tạo nghề và văn hóa, đảm bảo chương trình được tổ chức trọn vẹn, thống nhất và chất lượng hơn.

 Sinh viên và giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa trong Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX. Ảnh: Website Nhà trường.

Sinh viên và giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa trong Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX. Ảnh: Website Nhà trường.

Không những vậy, chương trình trung học nghề cũng giúp công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được thực hiện hiệu quả hơn.

Từ trước đến nay, học sinh sau lớp 9 thường đứng trước hai lựa chọn: học tiếp lên trung học phổ thông hoặc đi học nghề tại những cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn băn khoăn vì nếu chọn học nghề thì không có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông dẫn tới ảnh hưởng đến khả năng học liên thông lên đại học sau này. Khi chương trình trung học nghề chính thức được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) và bằng cấp được công nhận tương đương với bằng trung học phổ thông như dự thảo Luật đã nêu thì những băn khoăn của người học sẽ được giải quyết.

Ngoài ra, so với mô hình đào tạo 9+, chương trình trung học nghề giúp rút ngắn thời gian học tập, bởi được xây dựng thành một chương trình tổng thể, tích hợp cả kiến thức văn hóa và kỹ năng nghề ngay từ đầu, thay vì tách rời như trước đây. Điều này không chỉ thuận lợi cho người học mà còn nâng cao tính hiệu quả trong triển khai đào tạo tại các trường nghề.

Cùng bày tỏ quan điểm về điểm mới trên, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, trung học nghề là một chương trình hay bởi nó phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và cho cả người học. Trước mắt, chương trình này mang lại nhiều thuận lợi nhất là cho người học.

Thầy Lý phân tích, thực tế cho thấy thị trường lao động không chỉ cần những người có trình độ mang tính hàn lâm, học thuật (cử nhân đại học và các trình độ sau đại học) mà còn rất cần lực lượng lao động có kỹ năng nghề để ứng dụng vào công việc. Hơn nữa, không phải người học nào cũng yêu thích, theo đuổi con đường đào tạo theo hướng hàn lâm hay có đủ năng lực để học chuyên sâu theo con đường này. Và không phải cứ học theo hướng ứng dụng, theo học nghề là đồng nghĩa với học kém.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học. Ảnh: Website Nhà trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học. Ảnh: Website Nhà trường.

Trong khi đó, theo thầy Trần Anh Tuấn - chuyên gia về dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, việc hình thành chương trình trung học nghề trong giáo dục nghề nghiệp với đào tạo tích hợp kiến thức nền tảng của chương trình trung học phổ thông và năng lực nghề nghiệp là xu thế tất yếu. Đây là đổi mới quan trọng để giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân nhưng vẫn đảm bảo tính liên thông, đào tạo chất lượng và hiệu quả.

Có thể thấy, nếu chương trình trung học nghề được ra đời và thực sự đi vào hiệu quả, chúng ta thậm chí không phải lo nghĩ đến công tác phân luồng nữa. Bởi lúc đó, trung học nghề đã trở thành một lựa chọn tất yếu của học sinh lớp 9 song song và tương đương với trung học phổ thông.

Nên xây dựng kiến thức thế nào trong chương trình trung học nghề?

Theo thầy Lý, để chương trình trung học nghề thực sự hiệu quả, cần có sự tính toán kỹ lưỡng về cách tổ chức nội dung kiến thức. Việc tham khảo các mô hình giáo dục nghề nghiệp quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… là cần thiết, nhưng cần chọn lọc một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Trong khi đó, thầy Trần Anh Tuấn cho rằng, nên quy định tỷ lệ nội dung chương trình trung học nghề với tối thiểu 40% thời lượng là học kiến thức văn hóa phổ thông và 60% thời lượng dành đào tạo nghề. Khi tốt nghiệp trung học nghề, người học sẽ được liên thông lên cao đẳng hoặc tham gia xét tuyển vào đại học.

 Thầy Trần Anh Tuấn - chuyên gia về dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VD.

Thầy Trần Anh Tuấn - chuyên gia về dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VD.

Mặt khác, góp ý thêm cho Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi), thầy Tuấn đề xuất nên thống nhất một mô hình tổ chức đào tạo bằng cách hợp nhất các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp hiện nay, lấy tên gọi là “trung học nghề".

Theo thầy Tuấn, trường trung học nghề cần được xây dựng để đào tạo chương trình trung học nghề theo hướng tích hợp giữa kiến thức nghề nghiệp chuyên sâu và chương trình giáo dục trung học phổ thông, nhằm tạo ra hình thức đào tạo năng động, hiện đại, chú trọng đến thực hành, kỹ năng và chuyên môn ứng dụng. Mô hình này sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của môi trường lao động ngày càng thay đổi nhanh, đòi hỏi khả năng thích ứng linh hoạt với công nghệ, công cụ và quy trình mới.

Thầy Tuấn cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thị trường lao động bước vào thời kỳ chuyển đổi số, cần xem xét việc phát triển mô hình “trường đại học cộng đồng” bằng cách nâng cấp các trường cao đẳng đủ điều kiện ở mỗi tỉnh, thành phố. Những trường này sẽ đảm nhiệm vai trò đào tạo nghề và mở rộng lộ trình liên thông cho các hệ giáo dục nghề nghiệp trong toàn xã hội, tạo cầu nối học tập suốt đời cho người dân.

Vì vậy, theo thầy Tuấn, dù bằng cấp trong hiện tại và tương lai không phải là yếu tố duy nhất quyết định cơ hội nghề nghiệp, nhưng việc đặt tên rõ ràng cho các loại hình cơ sở đào tạo và hệ thống văn bằng, chứng chỉ vẫn rất quan trọng. Điều này không chỉ tạo dựng niềm tin xã hội mà còn là minh chứng rõ ràng cho quá trình học tập, hành nghề, cũng như sự phát triển năng lực và giá trị nghề nghiệp của mỗi cá nhân trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền lại cho rằng, để triển khai mô hình trung học nghề, cần có sự tính toán kỹ lưỡng trong việc tích hợp giữa kiến thức giáo dục nghề nghiệp và văn hóa trung học phổ thông. Đây là vấn đề lớn, liệu chương trình trung học nghề chỉ dừng lại ở việc cộng gộp hai phần chương trình lại với nhau hay sẽ là một chương trình tổng thể, có cấu trúc tích hợp rõ ràng. Chính vì vậy, Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) cần quy định cụ thể về mô hình này, đồng thời các văn bản hướng dẫn thi hành sau đó cũng cần có quy định chi tiết, rõ ràng hơn để triển khai hiệu quả.

Thầy Huyền cũng đặt vấn đề: chương trình trung học nghề sẽ được thiết kế theo hướng nào? Nội dung kiến thức văn hóa và nghề nên được tích hợp ra sao? Đội ngũ giáo viên cần phải chuẩn bị như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới? Đây đều là những yếu tố then chốt cần được xác định từ sớm.

Bên cạnh đó, nếu thiết kế chương trình theo hướng tích hợp song song giữa kiến thức văn hóa và đào tạo nghề nghiệp, sẽ tạo ra hiệu quả đào tạo tốt hơn so với việc tách riêng hai phần đào tạo trong một chương trình. Tuy nhiên, cách làm này sẽ gặp nhiều thách thức trong giai đoạn đầu, đặc biệt là trong công tác xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy và bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên phù hợp với yêu cầu mới.

Tóm lại, thầy Huyền khẳng định, việc có chương trình trung học nghề sẽ là một chủ trương đúng đắn, một bước đi rất phù hợp trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, khi mô hình trung học nghề chính thức ra đời, cũng cần đặt ra câu hỏi về sự tồn tại và vai trò của các trường trung cấp hiện nay, liệu có nên tiếp tục duy trì hay tích hợp lại vào hệ thống mới. Đây sẽ là một vấn đề lớn cần được cân nhắc một cách thấu đáo.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nen-thiet-ke-kien-thuc-nghe-va-van-hoa-ra-sao-doi-voi-chuong-trinh-trung-hoc-nghe-post252737.gd