Nếu không bỏ thi tốt nghiệp THPT, cần cải tiến theo 3 hướng

Nhiều năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là câu chuyện được bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều qua từng mùa thi. Điều khiến dư luận quan tâm nhiều nhất là: Đến khi nào chúng ta mới dứt khoát với kỳ thi này?

Tiếp tục duy trì trong những năm tới, liệu có tồn tại bất cập, và hiệu quả có thực sự cao? Nếu quyết tâm bỏ thi tốt nghiệp THPT cần lộ trình thay đổi thế nào? Về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Nhiều năm qua, kỳ thi Tốt nghiệp THPT luôn là câu chuyện được bàn luận sôi nổi qua từng mùa thi

Nhiều năm qua, kỳ thi Tốt nghiệp THPT luôn là câu chuyện được bàn luận sôi nổi qua từng mùa thi

PV: Thưa bà, trước những ý kiến trái chiều về tính cần thiết của kỳ thi Tốt nghiệp THPT, theo quan điểm cá nhân, bà đánh giá như thế nào về giá trị thực chất và những hạn chế nổi cộm nhất của kỳ thi này trong bối cảnh giáo dục hiện nay?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga: Với vai trò là một kỳ thi 2 trong 1, kỳ thi này đã có những đóng góp nhất định trong việc giảm thiểu số lượng kỳ thi, tiết kiệm chi phí xã hội và đồng thời nó cũng tạo ra một mặt bằng đánh giá chung trong toàn quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, giá trị thực chất của kỳ thi THPT hiện nay vẫn còn rất nhiều điều phải bàn. Tỷ lệ tốt nghiệp năm nào cũng rất cao, khoảng trên 95%.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn còn nặng về kiểm tra kiến thức hơn là đo lường năng lực toàn diện của học sinh, đặc biệt là với ý nghĩa là một kỳ thi để tuyển sinh đại học nữa. Trong khi đó thì áp lực thi cử đối với kỳ thi THPT vẫn còn lớn, nếu xét ở góc độ là xét tốt nghiệp cho học sinh, nhất là ở các địa phương còn khó khăn.

Ngoài ra, kỳ thi vừa mang tính chất xét tốt nghiệp lại vừa làm cơ sở tuyển sinh của các trường cao đẳng đại học đã dẫn đến tình trạng một kỳ thi nhưng phục vụ nhiều mục tiêu, nhưng mà chưa thực sự tối ưu cho mục tiêu nào cả. Cho nên dẫn tới tình trạng có những năm có em 29,5 điểm mà vẫn trượt đại học.

PV: Nếu tiếp tục duy trì kỳ thi, chúng ta cần cải tiến những điểm nào để đảm bảo công bằng, giảm áp lực và bám sát mục tiêu đánh giá năng lực học sinh? Ngược lại, nếu quyết định bỏ kỳ thi, giải pháp thay thế nào sẽ đủ tin cậy để xét tốt nghiệp, đồng thời hạn chế rủi ro về chất lượng giáo dục phổ thông, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga: Nếu chúng ta tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT thì theo tôi chúng ta cần thực hiện cải tiến theo 3 hướng chính.

Thứ nhất là chúng ta cần định hướng lại nội dung thi theo hướng đánh giá năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, thay vì kiểm tra trí nhớ.

Thứ hai, phải tăng cường sử dụng công nghệ trong tổ chức thi và chấm thi để đảm bảo khách quan, minh bạch và giảm gánh nặng hành chính, chi phí cho tổ chức kỳ thi.

Và thứ ba, cần phải xem xét để điều chỉnh mục tiêu kỳ thi, làm thế nào để chúng ta có thể tách bạch rõ ràng giữa xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học cao đẳng, để mỗi khâu đều có công cụ đánh giá phù hợp và hiệu quả.

Ngược lại, nếu như chúng ta đi đến quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT nghĩa là chỉ cần xét các em đã được công nhận tốt nghiệp THPT, thì việc xét tốt nghiệp này cần dựa trên cả quá trình học tập của học sinh trong suốt 3 năm THPT, và phải kết hợp với đánh giá cuối kỳ do nhà trường tổ chức.

Nhưng để làm được điều này thì chúng ta cần phải có sự giám sát rất chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, cũng cần thiết phải lập một hệ thống kiểm định độc lập để chúng ta có thể đánh giá được chất lượng đầu ra của các trường phổ thông, tránh tình trạng buông lỏng chuẩn mực để nhiều học sinh đạt tiêu chuẩn xét tốt nghiệp.

Đối với tuyển sinh đại học, các cơ sở đào tạo phải chủ động xây dựng công cụ đánh giá phù hợp với những đặc thù ngành nghề và có thể là tổ chức kỳ thi riêng hoặc là sử dụng kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau.

Tuy nhiên tôi nhấn mạnh lại là, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nghĩa là chúng ta buông lỏng chất lượng đào tạo, mà điều quan trọng là chúng ta phải có hình thức khác để xét tốt nghiệp cho học sinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Bà có cho rằng đã đến lúc cần một quyết định dứt khoát từ Quốc hội và Chính phủ về tương lai của kỳ thi tốt nghiệp THPT? Bà có đề xuất lộ trình cụ thể hoặc giải pháp nào để chấm dứt tình trạng "loay hoay" giữ hay bỏ kéo dài này?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cũng cho rằng đã đến lúc chúng ta cần có một quyết định dứt khoát từ phía chính phủ và quốc hội để xác định rõ tương lai của kỳ thi tốt nghiệp THPT và việc tiếp tục duy trì một hình thức thi cử mà còn có nhiều ý kiến khác nhau hay nói cách khác là xã hội chưa thực sự đồng thuận cao.

Trong khi mục tiêu giáo dục của chúng ta cũng đã thay đổi rất nhiều thì nó sẽ chỉ khiến hệ thống giáo dục tiếp tục rơi vào thế bị động và thậm chí là tổ chức những kỳ thi như thế này nó tốn kém rất nhiều nguồn lực. Thế còn về lộ trình, theo tôi cần thực hiện đánh giá tổng thể kỳ thi tốt nghiệp THPT trong khoảng 10 năm gần đây.

Trên cơ sở đó sẽ xây dựng một báo cáo đầy đủ, khách quan để chính phủ trình quốc hội. Song song với việc đó thì bộ GD&ĐT cũng cần triển khai một số mô hình đánh giá thay thế ở các địa phương. Đặc biệt là chọn các địa phương đại diện cho nhiều vùng miền để làm cơ sở thực tiễn cho việc quyết định giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thêm nữa, trong trường hợp quyết định bỏ kỳ thi thì cần phải chuẩn bị đồng bộ về thể chế, về nguồn lực và công cụ kiểm định chất lượng đầu ra, tránh để xảy ra những khoảng trống trong quản lý và giám sát. Cho nên, chúng ta cũng không thể quyết định một cách vội vàng, một cách chủ quan, duy ý chí mà tôi nghĩ rằng cần quyết sách rõ ràng và dứt khoát về kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn rất kỹ.

PV: Xin cảm ơn bà.

Xuân Tú/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/neu-khong-bo-thi-tot-nghiep-thpt-can-cai-tien-theo-3-huong-post1213905.vov