Nên thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện ngay năm 2024

Tại phiên họp tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, sáng 16.1, đa số ĐBQH các tỉnh Thái Nguyên, Đắk Nông, Kon Tum, Long An cho rằng, cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện cần thực hiện sớm ngay trong năm 2024.

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết, Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các tài liệu liên quan, các ĐBQH thống nhất cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp này để góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện cần thực hiện sớm trong năm 2024. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện cần thực hiện sớm trong năm 2024. Ảnh: Hạnh Nhung

Tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, Điều 4 về cơ chế chính sách đặc thù về chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị cơ quan trình tiếp tục chỉ đạo rà soát và bổ sung theo hướng quy định cụ thể, cơ chế cụ thể để giúp cấp tỉnh, cấp huyện quyết định điều chỉnh nguồn vốn.

Bên cạnh đó, cần xem xét cho phép tích hợp nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia trùng lặp về mục tiêu, nội dung, đối tượng thụ hưởng để thực hiện thống nhất trong một tỉnh.

Về đối tượng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi quy định tại khoản 6 Điều 4 qua hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát bổ sung đối tượng, bảo đảm thống nhất, không bỏ sót đối tượng được hỗ trợ vay vốn được quy định tại Khoản 2, Điều 12, Luật Việc làm và Điều 23, Nghị định 61 của Chính phủ.

Riêng cơ chế thí điểm phân cấp cho huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Khoản 7, Điều 4 đưa ra 2 phương án. Phương án 1 thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030 và không vượt quá 50% đơn vị cấp huyện trên địa bàn. Phương án 2 áp dụng ngay trong giai đoạn 2024 - 2025 và mỗi tỉnh chỉ chọn 1 huyện.

“Tôi đề nghị thực hiện ngay trong năm 2024, trong đó không quá 1/3 số đơn vị cấp huyện của 1 tỉnh. Đến năm 2025, nếu đánh giá đạt sẽ nhân rộng để thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đúng với chủ trương, Nghị quyết Quốc hội đề ra”.

ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đóng góp ý kiến. Ảnh: Hạnh Nhung

ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đóng góp ý kiến. Ảnh: Hạnh Nhung

Cùng quan điểm, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) cho rằng, nên thực hiện trong năm 2024 và tổng số lượng huyện tham gia thí điểm thì nên giao địa phương, tỉnh lựa chọn theo tỷ lệ nhất định. Bởi có những địa phương có thể thực hiện nhiều, nhưng cũng có địa phương sẽ thực hiện ít. Phương án này sẽ bảo đảm việc phân cấp triệt để cho cấp huyện trong điều hành triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, ĐBQH Lê Thị Song An cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu giảm tỷ lệ vốn đối ứng trong thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cụ thể làtrong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tại Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, mục tiêu đặt ra là người dân phải có vốn đối ứng từ 40 - 60%. Tỷ lệ này là khá cao, vì hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất sản xuất, không có tiền, kể cả sức khỏe cũng kém, nên yêu cầu vốn đối ứng như vậy không khả thi.

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) góp ý tại phiên họp tổ. Ảnh: Hạnh Nhung

Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông) góp ý tại phiên họp tổ. Ảnh: Hạnh Nhung

Theo ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông), việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã bước sang năm thứ 4 nhưng nhiều dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn chưa thể thực hiện, do vướng mắc trong quá trình ban hành văn bản hướng dẫn.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhiều dự án thành phần thuộc ba Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa thể triển khai do vướng quy hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Do đó, đại biểu đề nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn địa phương thực hiện đúng quy định...

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nen-thuc-hien-co-che-thi-diem-phan-cap-cho-cap-huyen-ngay-nam-2024-i357641/