Nên tiêm mũi nhắc lại vắc xin COVID-19 cho đối tượng nguy cơ cao

Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, trong khi vẫn có các biến chủng mới phức tạp. Việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi nhắc lại vẫn rất cần thiết và quan trọng, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế, để nếu họ bị nhiễm vi rút gây COVID-19 thì không bị chuyển nặng, hạn chế nhập viện, không tử vong.

Tiêm phòng mũi nhắc lại cho đối tượng nguy cơ cao giúp giảm mắc và bệnh tăng nặng.

Tiêm phòng mũi nhắc lại cho đối tượng nguy cơ cao giúp giảm mắc và bệnh tăng nặng.

Tại Ninh Bình cũng như cả nước, từ đầu tháng 4, số ca mắc COVID-19 đã và đang có chiều hướng gia tăng trở lại. Tính riêng trong tháng 4/2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc COVID-19. Tính từ đầu dịch hết ngày 7/5/2023, toàn tỉnh ghi nhận 108.128 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 107.771 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, 215 trường hợp đang điều trị, 35 trường hợp chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và 107 trường hợp tử vong.

Để chủ động phòng chống, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền người dân khi bị mắc COVID-19 chủ động khai báo tại Trạm y tế xã, phường nơi lưu trú.

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và các đơn vị có liên quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tiêm chủng mở rộng và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lao, sởi, cúm gia cầm lây sang người, liên cầu lợn, Marburg...

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với các biến chủng mới phức tạp, việc tiêm vắc xin COVID-19 mũi nhắc lại vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế. Đặc biệt, việc tiêm vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ cao như người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế..., sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tử vong, giảm tải cho hệ thống y tế và đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế ban hành kế hoạch và hỗ trợ các đơn vị triển khai tiêm bù, tiêm vét các vắc xin bị thiếu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2022; duy trì và bảo đảm an toàn trong tiêm chủng. Thực hiện giám sát công tác báo cáo tiêm chủng qua phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia. Cung cấp vắc xin đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng; tổ chức tốt các điểm tiêm chủng, đảm bảo an toàn, không để tai biến nặng xảy ra sau tiêm...

Ngành Y tế tiếp tục triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ tiêm chủng của tất cả các nhóm tuổi tại tỉnh Ninh Bình đều cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc. Đặc biệt, Ninh Bình được xếp vào nhóm địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao nhất toàn quốc. Tính đến thời điểm ngày 7/5/2023, số lượng vắc xin đã tiêm là 2.881.080 liều.

Trong đó, tiêm tối thiểu 1 mũi cho 99,90% dân số trên 18 tuổi đang có mặt tại tỉnh Ninh Bình; 100% dh Bình, 100% dân số từ 12 - dưới 17 tuổi và 88,13% dân số từ 5 - dưới 12 tuổi. Tiêm mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình đạt 94,09%, đối tượng từ 12 - dưới 17 tuổi đạt 79,75%. Tiêm mũi 4 cho đối tượng trên 18 tuổi đang có mặt tại Ninh Bình đạt 100%. Tiêm mũi nhắc lại cho đối tượng tiêm mũi bổ sung: 226.900 người.

Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện tại, 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng của vắc xin COVID-19 là sự biến đổi thường xuyên của vi rút SARS-CoV-2 với các biến chủng mới tăng khả năng lây lan và sự giảm kháng thể, khả năng bảo vệ chống nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiêm. Mặc dù vắc xin COVID-19 không giảm lây nhiễm triệt để nhưng giúp giảm nguy cơ tăng nặng; giảm nhập viện, không gây quá tải hệ thống y tế; giảm tử vong. Vắc xin COVID-19 tiêm sau 4- 6 tháng thì miễn dịch giảm, không như bệnh sởi, vắc xin sởi có miễn dịch kéo dài hoặc người mắc bệnh sởi có miễn dịch suốt đời. Cũng có loại vắc xin cần tiêm hằng năm, như vắc xin cúm...

Về mũi bổ sung (sau khi đã tiêm đủ 4 mũi) vắc xin COVID-19, thông thường với vắc xin AstraZeneca, Pfizer…, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm các liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) và 2 mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4). Tại Việt Nam, người đã tiêm đủ 4 mũi này, nếu tiêm mũi tiếp theo thì gọi là tiêm mũi 5. Còn thế giới không gọi là tiêm mũi 5 mà là tiêm mũi bổ sung. Với vắc xin COVID-19, các đánh giá hiện nay cho thấy cần tiêm mũi nhắc lại do miễn dịch giảm dần sau tiêm. Mũi bổ sung có thể tiêm sau 4 - 6 tháng kể từ mũi tiêm cuối trước đó.

Đối với mũi bổ sung hoặc mũi 5, mọi người nếu tiêm thêm mũi này đều tốt để củng cố miễn dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm này, do số vắc xin có hạn, nên cần tập trung ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao. Đó là người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế, để nếu họ bị nhiễm vi rút gây COVID-19 thì không bị chuyển nặng, hạn chế nhập viện, không tử vong. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố vẫn khuyến khích mọi người nên tiêm mũi 5. Các cá nhân muốn tiêm có thể liên hệ với y tế xã, phường để được hướng dẫn.

Hiện nay, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, tuy nhiên điều đó không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Dịch bệnh COVID-19 vẫn được đánh giá diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện; miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo... Trên thế giới, các biến thể phụ lưu hành phổ biến tại các nước thì ở Việt Nam cũng đều đã ghi nhận.

Do đó, tại Việt Nam và tỉnh Ninh Bình, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tiếp tục được áp dụng. Việc các địa phương đánh giá mức độ dịch, công khai tình hình dịch sẽ giúp người dân trong tỉnh và trên cả nước luôn biết được mức độ dịch, có các giải pháp phòng, chống phù hợp. Cùng với bao phủ vắc xin COVID-19 rộng, việc phòng, chống dịch linh hoạt, không áp dụng "zero COVID" như giai đoạn đầu giúp cho trong nước kiểm soát phòng, chống dịch hiệu quả và ứng phó phù hợp với tình huống dịch.

Tại Việt Nam hiện đang tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh. Đồng thời phối hợp các chuyên gia, tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp.

Đối với người dân, ngành Y tế tiếp tục đề nghị và khuyến cáo người dân, cộng đồng cần chủ động đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; thực hiện khử khuẩn, nhất là vệ sinh tay và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Từ đó sẽ hạn chế đáng kể sự lây lan và bùng phát trở lại của dịch COVID-19.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nen-tiem-mui-nhac-lai-vac-xin-covid-19-cho-doi-tuong-nguy-co/d2023050814423696.htm