Nền văn minh lúa nước qua hàng nghìn chiếc cối đá ở Bắc Ninh
Không gian làng quê Bắc Bộ được tái hiện qua những dụng cụ nền văn minh lúa nước: cối đá, hạt lúa… tại khu du lịch sinh thái huyện Lương Tài.
Trên diện tích 20.000m2 những không gian xưa cũ của làng quê Bắc Bộ được tái hiện qua những dụng cụ nền văn minh lúa nước như cối đá, hạt lúa… tại khu du lịch sinh thái huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Bắc Ninh có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, giá trị về cảnh quan thiên nhiên đồng thời là tiềm năng lớn để phát triển không gian du lịch làng quê, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng như hình thành các khu/điểm vui chơi, giải trí quy mô.
Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái là yêu cầu cấp thiết nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Bắc Ninh. Một trong những điểm du lịch nông thôn mang nhiều nét độc đáo là Khu Du lịch sinh thái Đông Đô Village có địa chỉ tại khu công nghiệp Lâm Bình, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài.
Khu sinh thái Đông Đô Village được xây dựng với các dịch vụ đa năng cùng các khu vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn và trải nghiệm. Trong đó, điểm nhấn là hệ thống vườn cối đá sinh thái với hơn 3.000 hiện vật liên quan đến cối đá, trục đá cũ do ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô dành nhiều thời gian, công sức sưu tập.
Trải qua hàng nghìn năm, nền văn minh lúa nước đã góp phần quan trọng hình thành cộng đồng làng xã, với những con người chân chất, thông minh, sáng tạo ở mọi làng quê Việt Nam. Và, theo đó, chiếc cối cũng tồn tại hàng ngàn năm.
Người dân từ ngày đó đã đục đẽo chúng, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từ những tảng đá xanh to, nặng có khi lên đến vài tạ. Từ xưa tới nay thường có hai loại cối: Cối xay và cối giã. Cả hai loại đều có công dụng riêng trong việc chế biến lương thực. Chiếc cối gắn liền với nhiều sinh hoạt quan trọng như: Xay gạo, xay ngô, giã thóc.
“Việc sưu tập cối đá nhằm lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của những vùng quê, của nền văn hóa nông nghiệp, lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử của miền quê Bắc Bộ, giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm, biết đến những vật dụng gắn với đời sống của thế hệ trước”, ông Toản chia sẻ.
Tại vị trí trung tâm của Đông Đô Village, điểm nhấn ấn tượng là Tháp Thần Nông với chiều cao 15m, chia thành 5 tầng được ghép bởi 1.012 chiếc cối đá xếp vòng ngoài, bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố. Tháp được tạo hình hạt thóc dựng thẳng đứng, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm.
Theo ông Trần Văn Toản, việc xây dựng tháp bằng cối đá là thách thức rất lớn trong quá trình thi công. Đơn vị thi công phải lựa chọn những cối đá có kích thước tương tự nhau và vận chuyển lên cao. Với sự trợ giúp của kiến trúc sư Nguyễn Sánh – một nghệ nhân nổi tiếng trong việc khảo cứu, phục dựng các không gian văn hóa xưa cũ, ý tưởng xếp những chiếc cối đá nặng nề thành Tháp Thần Nông - vị thần của nền nông nghiệp lúa nước đã thành hiện thực.
“Tháp được gắn hệ thống âm thành và màu sắc để giúp biến đổi màu sắc sống động theo quá trình hạt lúa xanh đến hạt lúa chín vàng. Vào ngày 20.5.2023, Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu Kỷ lục Việt Nam cho mô hình độc đáo mang tên “Tháp Thần Nông - Tháp cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất Việt Nam.
Và ngày 13.10 tới đây sẽ diễn ra chương trình công bố tháp Thần Nông là tòa bảo tháp làm từ cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất thế giới do World Kings tổ chức và công bố”, ông Toản cho hay.
Với mục tiêu kết nối du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực và du lịch Bắc Ninh nói chung và huyện Lương Tài nói riêng, từ ngày 11 – 13.10, Liên hoan bánh dân gian ba miền và kết nối du lịch Bắc Ninh năm 2024 đã được tổ chức tại Khu Du lịch sinh thái Đông Đô Village.
Tại Liên hoan du khách có dịp được tham gia nhiều hoạt động nổi bật, sôi động như: Trình diễn quy trình làm các loại bánh dân gian ba miền bởi các nghệ nhân nổi tiếng; các hoạt động trải nghiệm làm nghề truyền thống: tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng…
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các loại hình nghệ thuật phát huy giá trị văn hóa thông qua hình thức trình diễn, giới thiệu các món ẩm thực, các loại bánh dân gian Nam Bộ - Hà Nội và các vùng, miền; các sản phẩm nông sản, chủ thể Ocop Lương Tài, đặc sản, ẩm thực “Quà quê Quan họ” như Bánh tẻ Chờ, bánh khúc Diềm, bánh giò Đáp Cầu, bánh ngũ sắc Thị Cầu, bánh phu thê Đình Bảng, kẹo lạc Trang Liệt, bánh cuốn Mão Điền …
Cùng với đó là các hình thức nghệ thuật dân gian truyền thống đa dạng và phong phú như: trình diễn Di sản Dân ca Quan họ, múa rối nước Đồng Ngư… do các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ các câu lạc bộ trong tỉnh trình diễn. Vào các buổi tối có màn bắn pháo bông nghệ thuật đặc sắc...