Nẻo về ngõ quê

Chiều về qua ngõ quê, có tiếng tre đu gió kẽo kẹt, thong thả như có ai vừa mở cánh cửa liếp bước ra ngoài. Dưới mặt ao, từng con thuyền lá tre bập bềnh theo làn nước biếc.

Tôi bước đi trên con đường đất gập ghềnh dẫn về phía cổng nhà. Ngọn gió cuộn lên thổi tung lớp bụi nhuộm bờ cỏ trở nên trắng đục. Ngõ quê ấy với tôi không đơn thuần là chốn đi về mà còn là nơi cất giữ bao kỷ niệm.

Mẹ kể chuyện tôi chào đời trong ngày mưa xuân lất phất. Ngõ nhỏ xôn xao đón tôi về, cô bác hàng xóm đặt vội gánh mạ non ngổn ngang giữa ngõ để xem thành viên mới của gia đình. Ngõ quê dài thênh thang từ ngày tôi đứng tần ngần chờ mẹ đi chợ về. Đôi chân trần xoa vào nền đất in thành hình rẻ quạt. Bà nội sau khi dùng đủ mọi cách không thể bắt cháu mình vào nhà, đành lòng lom khom đứng cạnh cháu, đôi tay run run lấy chiếc quạt nan che nắng.

Minh họa: Phùng Minh

Minh họa: Phùng Minh

Ngõ quê rộn đủ âm thanh của đời sống. Bắt đầu bằng tiếng rao rộn ràng, mời gọi khiến cả ngõ nhỏ lao xao: “Ai kẹo kéo đi... Ai kẹo kéo nào...”, “Ai kem mút không...”. Những rổ lông ngan, lông vịt, dép rách đứt quai, lọ chai nhựa được khuân đến quây quần bên những thùng kem, túi kẹo kéo. Đôi mắt to tròn háo hức chờ đợi những vật phẩm mang đi, đổi về niềm vui con trẻ. Rồi âm thanh lại kéo dài qua tiếng cười trong trẻo bên viên bi tròn lăn dài trên nền đất, que thẻ chuyền tung tẩy trên không trung, con quay nguệch ngoạc xoay tròn tít. Âm thanh náo động hơn khi chiều muộn, đàn trâu, bò thong thả nối đuôi nhau về qua ngõ. Những cái đầu nghiêng ngó, miệng ngoác rộng “ậm ò… ậm ò… ậm ò...” cất lời chào tạm biệt trước khi khuất dần sau bờ rào vào sân nhỏ.

Những đêm hè, ngõ quê lặng đi trong bóng tối, lập lòe phía xa những đốm sáng đom đóm ven ao. Không gian chìm trong tĩnh lặng, ngõ quê ướp mùi hương nồng của con đường đất. Thoảng trong gió nhẹ, rặng tre dìu dịu, lá bưởi thanh thanh, trái mít ngào ngạt. Đậm hơn cả là hương của rơm rạ thơm ngái giăng mắc khắp đường làng, ngõ nhỏ. Rơm khô nhà ai chưa kịp chất đống, mới thu về gần ngõ trở thành bãi chiến trường cho lũ trẻ con chúng tôi chơi đuổi bắt, trốn tìm. Chơi chán, chúng tôi lại ngồi vắt vẻo lên đùm rơm to. Miệng ngậm cọng rơm vàng, mắt ngó nghiêng tìm sông Ngân Hà, ông Thần Nông, gàu sòng, con vịt trên bầu trời sao đậm nhạt.

Những ngày vui, ngõ quê trở nên chật chội. Ngày chú tôi cưới vợ, ông bà bận rộn tiếp khách. Dọc ngõ nhỏ để đầy những soong nồi, mâm, bát mọi người mang đến cho mượn. Mấy anh thanh niên không biết lấy từ đâu về hai tàu dừa lớn đặt trước cổng. Các chị trổ tài khéo tay, chẳng mấy chốc biến hai tàu dừa thành chiếc cổng cưới được kết hình trái tim xanh biếc. Cô dâu mặc áo dài trắng, tay cầm bó hoa dơn nép mình bên chú rể. Lũ trẻ con nhốn nháo chạy phía trước hết ngơ ngác nhìn cô dâu mới rồi lại ngó nghiêng xem chú thợ ảnh.

Ngõ quê âm thầm chứng kiến tất cả những thay đổi của mỗi nếp nhà nhỏ. Những thước phim lặng lẽ được ngõ quê góp nhặt từ vui, buồn thường ngày. Mỗi khi đi xa về, tôi thường thử đo chiều dài ngõ quê bằng những bước chân. Tần ngần đứng giữa ngõ quê, chợt nhận ra, chiều dài ngõ quê qua bước chân mỗi người dường như ngắn lại nhưng chiều dài của nỗi nhớ, kỷ niệm với ngõ quê lại kéo dài thêm như vô tận...

Tản văn của NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/neo-ve-ngo-que-624312