Nếp sống mới ở khu dân cư
Đến thăm gia đình chị Giàng Thị Xinh ở khu dân cư Nặm Mèng, bản Tổng Kim (xã Vĩnh Yên), ấn tượng đầu tiên là ngôi nhà sàn rộng rãi, sạch sẽ, đồ đạc trong nhà sắp xếp gọn gàng, bao quanh nhà là rừng quế xanh tốt. Vườn rau và chuồng nuôi gia súc được bố trí hợp lý, cách xa nơi ở. Đó là những thay đổi tích cực khi gia đình chị Xinh tham gia mô hình 'Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới' do xã triển khai.
Chị Giàng Thị Xinh chia sẻ: Được cán bộ thôn, xã tuyên truyền, hướng dẫn về các tiêu chí thực hiện nếp sống văn hóa mới, gia đình tôi đã sắp xếp nhà ở gọn gàng, sạch sẽ, cải tạo vườn rau, vệ sinh chuồng chăn nuôi, đào hố chứa rác để giữ vệ sinh môi trường. Đồng thời, tích cực tham gia cùng bà con trong khu vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào cuối tuần, vừa làm đẹp nơi mình sinh sống, vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Năm 2023, xã Vĩnh Yên triển khai mô hình “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới” tại khu dân cư Nặm Mèng, bản Tổng Kim. Mô hình được thực hiện với nhiều tiêu chí trên các lĩnh vực, từ phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo công tác an sinh xã hội, bài trừ hủ tục và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên cho biết: Với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhiều năm trước, khu dân cư Nặm Mèng tồn tại nhiều hủ tục, như để người ốm ở nhà nhờ thầy mo đến cúng mà không đưa đến các cơ sở y tế để điều trị, người chết để trong nhà lâu ngày, kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, chuồng nuôi nhốt gia súc gần nơi ở, không có nhà vệ sinh… Với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng ủy và chính quyền xã, đặc biệt là tinh thần gương mẫu, đi trước, làm trước của các đảng viên Chi bộ thôn nên khu dân cư Nặm Mèng đã chuyển biến rõ rệt, hạn chế các hủ tục, xây dựng nếp sống mới tiến bộ.
Đến nay, trong khu dân cư không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không có phụ nữ sinh con trước 18 tuổi, 100% hộ dân ở Nậm Mèng có nhà ở “3 cứng”, có bảo hiểm y tế, không còn hộ nghèo, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, 93,7% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới” giai đoạn 2023 - 2025, huyện Bảo Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự thay đổi về nhận thức của đồng bào Mông trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, bà con tự giác xóa bỏ những tập tục lạc hậu, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh ở khu dân cư.
Huyện Bảo Yên đã triển khai xây dựng mô hình điểm tại 3 thôn, bản: Tổng Kim, xã Vĩnh Yên; bản 4, xã Điện Quan và bản 7 Mai Đào, xã Thượng Hà. Tại các xã có đồng bào Mông sinh sống (Xuân Hòa, Xuân Thượng, Tân Dương, Vĩnh Yên,Thượng Hà, Điện Quan, Yên Sơn, Bảo Hà, Tân Tiến, Kim Sơn, Minh Tân) cũng lựa chọn thôn, bản, khu dân cư để triển khai mô hình.
Huyện tập trung truyền thông mạnh về cơ sở để tạo chuyển biến trong ý thức, hành động của người dân. Tiếp đó, tổ chức hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở, sắp xếp nhà ở gọn gàng, trồng đường hoa, thu gom và xử lý rác thải tại các khu dân cư. Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn bảo tồn và nâng cao kỹ năng khèn Mông cho những người uy tín, am hiểu và yêu thích nghệ thuật khèn của đồng bào Mông tại các xã, để xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Tham gia các mô hình này, đồng bào dân tộc Mông cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan khu dân cư, mỗi gia đình đảm bảo “xanh - sạch”; phấn đấu không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ sinh con trước 18 tuổi; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt; tích cực phát triển kinh tế gia đình để giảm nghèo bền vững; không vi phạm an ninh trật tự và tệ nạn xã hội...
Kết quả bước đầu trong thực hiện mô hình “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới” ở Bảo Yên góp phần xóa bỏ hủ tục, nâng cao nhận thức và tính tự giác của người dân trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nep-song-moi-o-khu-dan-cu-post394850.html