Vũ điệu Xoang, hồn thiêng trong từng nhịp cồng chiêng Tây Nguyên

Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan Cồng chiêng, Xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024, điệu múa Xoang truyền thống của người Ba Na một lần nữa làm say đắm lòng người.

Xoang - Ký ức và bản sắc của người Ba Na

Tây Nguyên, vùng đất cao nguyên hùng vĩ của Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn là cái nôi của nhiều dân tộc thiểu số với nền văn hóa phong phú và đa dạng. Trong đó, cồng chiêng ở Kon Tum và các điệu múa dân gian đặc sắc đóng vai trò quan trọng, phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Đến với tỉnh Kon Tum, du khách từ khắp nơi có thể cùng nhau hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc và được sống trong những nhịp điệu xoang nhẹ nhàng mà quyến rũ.

Trong tiếng cồng chiêng rộn rã, đội hình xoang chuyển động nhịp nhàng quanh cây Nêu, gợi nhớ về những mùa lúa rẫy và lễ hội tâm linh của người Ba Na từ bao đời nay.

Trong văn hóa người Ba Na, múa Xoang không chỉ là vũ điệu, mà còn là biểu tượng của tính cộng đồng. Tất cả mọi người đều có thể tham gia, từ những đứa trẻ chơi quanh nhà rông đến các nghệ nhân lão luyện.

Giao lưu âm nhạc từ đoàn nghệ nhân Ba Na trong tiếng cồng chiêng Tây Nguyên.

Giao lưu âm nhạc từ đoàn nghệ nhân Ba Na trong tiếng cồng chiêng Tây Nguyên.

Tại buổi giao lưu nghệ thuật Cồng chiêng, xoang trong khuôn khổ chương trình "Không gian Đắk Hà ngày mùa" vào ngày 15/12, trao đổi với PV Người Đưa Tin, Bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND Huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết: "Xoang được truyền dạy tự nhiên, giữa các thành viên trong bản làng. Mỗi em nhìn nhau, theo nhau học nhảy múa. Múa Xoang gắn bó suốt cả vòng đời của người Ba Na. Từ lúc gieo hạt, thu hoạch, đến khi vui hội, xoang là nhịp nối giữa quá khứ và hiện tại. Động tác múa giản dị với những bước đi nhẹ nhàng, nhắc nhở lại cuộc sống lao động hàng ngày như đốt lửa, chặt gỗ, gieo hạt”.

Chị Vân, cán bộ Trung Tâm Văn Hóa huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết: "Múa Xoang là một vũ điệu cộng đồng, ai cũng có thể tham gia, từ trẻ nhỏ đến người già. Điệu múa này thường được trình diễn trong các dịp lễ hội, khi tiếng cồng chiêng vang lên, kéo mọi người hòa mình vào không gian văn hóa.

Các động tác múa xoang mô phỏng các hoạt động lao động như gieo hạt, đốt lửa, hay chặt gỗ, phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Không thể thiếu trong múa Xoang là âm nhạc từ cồng chiêng và trống Chơ Gút. Âm thanh rộn rã, vang vọng của những nhạc cụ này như thổi hồn vào từng bước nhảy, giữ vững nhịp điệu cho đội hình múa".

Múa xoang hấp dẫn du khách

Trong những ngày lễ hội, rất nhiều du khách đã bộc lộ tình cảm đối với vũ điệu Xoang. Anh Phạm Ngọc Minh, một du khách từ Gia Lai, chia sẻ: "Tôi thật sự ngạc nhiên vì động tác múa nhịp nhàng nhưng đầy sức hút. Khi học thử, tôi nhận ra rằng các nghệ nhân không chỉ nhấn nhá tác phong lao động mà còn truyền tải tình cảm qua từng cử chỉ".

Bà Marie Laure, một du khách đến từ Pháp cho biết: "Tôi đã được chứng kiến rất nhiều điệu múa truyền thống khác nhau nhưng Xoang thực sự độc đáo. Tôi đã thử tham gia và nhận ra những động tác nhỏ nhưng lại là cái hồn của văn hóa Tây Nguyên".

Những bước xoang giờ đã bước ra khỏi khuôn khổ thôn làng, góp mặt trong các sân khấu toàn quốc. Tuy nhiên, với đồng bào người Ba Na, giữ gìn được tinh thần và hình thái nguyên bản của Xoang là nhiệm vụ cao cả.

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân nhỏ tuổi biểu diễn múa xoang, cồng chiêng.

Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân nhỏ tuổi biểu diễn múa xoang, cồng chiêng.

Múa Xoang, với những chuyển động tinh tế, linh hoạt, đang ngày càng lan tỏa sức hút và trở thành điểm nhấn trong các hoạt động văn hóa Tây Nguyên. Đó không chỉ là điệu múa, mà là lời mời gọi đến với hồn thiêng của Kon Tum và những con người đầy lòng mến khách.

Bà Phạm Thị Thành, Giám đốc Công ty CTNHH Du lịch Tân Việt thích thú chụp ảnh cùng nghệ nhân biểu diễn múa xoang.

Bà Phạm Thị Thành, Giám đốc Công ty CTNHH Du lịch Tân Việt thích thú chụp ảnh cùng nghệ nhân biểu diễn múa xoang.

Tại Lễ bế mạc Tuần Văn hóa – du lịch lần thứ 5 và liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ 2 năm 2024, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: "Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai những bước đi mạnh mẽ, vững chắc hơn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn. Việc làm này cần một chương trình chi tiết, lộ trình rõ ràng và có sự chung tay của các cấp chính quyền, toàn thể nhân dân, nghệ nhân. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản chưa bao giờ là dễ dàng, nhanh chóng mà cần sự bền bỉ, đồng lòng của tất cả nghệ nhân - những chủ nhân văn hóa. Sự chủ động, tình yêu, tâm huyết với cội nguồn văn hóa truyền thống chính là ngọn đuốc cho sức sống bền vững của di sản".

Phạm Thị Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-dieu-xoang-hon-thieng-trong-tung-nhip-cong-chieng-tay-nguyen-204241215231255599.htm