Nếp xưa, dang tay mổ heo ăn tết

Cứ mỗi khi tết đến, xuân về, người dân ở miền quê lại bàn chuyện hùn hạp mổ heo ăn tết. Đây là một nét đẹp văn hóa, ấm tình người, san sẻ yêu thương.

Mâm cỗ ngày tết cổ truyền dân tộc của người dân miền Trung, trong đó có Phú Yên luôn hiện diện món thịt heo. Nguồn: Zing.vn

Mâm cỗ ngày tết cổ truyền dân tộc của người dân miền Trung, trong đó có Phú Yên luôn hiện diện món thịt heo. Nguồn: Zing.vn

Khi những hàng vạn thọ trước sân nhà ra búp bằng ngón tay cái, mở miệng nhả bông, trong xóm bắt đầu lo tết. Tranh thủ những ngày hanh nắng, nhà này làm dưa món, nhà kia dện cốm, đổ bánh thuẫn… Và nhà nào có heo trong chuồng thay vì đến kỳ xuất bán thì bàn với hàng xóm hùn hạp/dang tay mổ heo ăn tết. Tiếng địa phương có nơi nói dang tay thành dăng tay. Tùy theo trọng lượng của con heo mà số gia đình tham gia nhiều hay ít.

Chuyện ở miền quê

Tết, bốn nhà dang tay chung một con heo, vừa có đầu, có lòng, có nọng... đủ cả. Heo dang tay bao giờ cũng rẻ hơn mua ở chợ, lại vui.

Ngồi ở hàng ba lột mớ củ kiệu chuẩn bị làm dưa món, nói chuyện mua sắm tết, chị Đoàn Thị Ngọc ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, xởi lởi: “Tết này tôi rủ 3 người là chỗ chị em trong xóm hùn tiền đặt mua con heo đen để làm thịt. Loại heo này có nhiều thịt ba chỉ để bó chả, chớ heo lai tuy to con nhưng siêu nạc bó chả không ngon”.

Chị Trần Thị Thu Hường, hàng xóm của chị Ngọc cho hay cũng đã rủ 4 người trong xóm hùn tiền mua con heo làm thịt tết này. “Bốn nhà dang tay chung một con heo, vừa có đầu, có lòng, có nọng... đủ cả. Trước cúng tất niên, sau con cháu xúm xít thưởng thức trong ba ngày tết. Heo dang tay bao giờ cũng rẻ hơn mua ở chợ, lại vui. Sáng làm heo, luộc miếng thịt còn ấm trong nồi nước sôi, độ ngọt thơm của nó khác xa với thịt mua làm sẵn bán ở chợ”, chị Hường thổ lộ.

Tranh thủ dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, nghe hai người hàng xóm nói chuyện hùn hạp làm heo, chị Bùi Thị Hà chia sẻ: “Tôi lấy chồng cũng từ chuyện dang tay mổ heo tết. Thường cứ 4 nhà làm chung con heo, chia đều, mỗi nhà một chân (phần). Năm đó, anh Thiện chồng tôi bây giờ xin tham gia, thành ra 5 chân. Vậy nên có 2 người một phần hùn để chia đều ra 4. Mấy người nhà đông con cháu, phần hùn gắp qua ba bữa tết là hết. Nhà ít người nên má tôi đứng chung cùng anh Thiện một phần hùn. Heo làm ra chia đều thành 4 phần xong, mạnh ai nấy đem về cúng tất niên. Riêng má tôi và anh Thiện chung một phần đáng lẽ phải tiếp tục chia đôi, nhưng má nói “chia chát… nát thịt”, để má nấu nướng bưng qua 2 nhà cúng luôn. Từ đó mà chúng tôi nên duyên chồng vợ”.

Thịt heo được chế biến món ăn trong ngày tết. Ảnh: TƯ LIỆU

Thịt heo được chế biến món ăn trong ngày tết. Ảnh: TƯ LIỆU

San sẻ yêu thương

Những ngày cuối Chạp, phụ nữ xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa dọn dẹp đường làng, ngõ xóm và nói chuyện tết. Chị Trần Thị Duyên nhớ lại: Hồi trước, heo dang tay sau khi chọc tiết xong, mổ lấy bộ đồ lòng. Đặt sẵn nồi nước sôi trên bếp, ngâm gạo nấu cháo rồi lấy tiết nín còn sót lại ở hai bên sườn con heo vừa mổ cho vào nồi cùng với thịt thẻo, tạng... Nồi cháo trắng ngả màu cháo lòng, bắt mắt. Còn mua thịt heo ở chợ, không có tiết nín, nấu nồi cháo lòng không ra cháo lòng.

“Hồi đó, khi tết đang thúc sau lưng, người thì đi mua bông, người lo sắm sửa trong nhà, làm việc này việc kia, má tôi vừa sắm tết vừa than hết tiền, rằng “cám tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Cúng tất niên, má dang tay mổ heo chung với người ta, phần thịt được chia có đủ các bộ phận của con heo. Gia đình túng thiếu, chỗ tình làng nghĩa xóm, chủ heo cho nợ phần hùn, ra Giêng trả”, chị Duyên nhớ lại.

Anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Định Trung 2, xã An Định, huyện Tuy An cùng mấy người trong xóm đang tráng xi măng làm đẹp lại đoạn đường bê tông bị nứt, chuẩn bị đón tết. Trộn hồ xong ngồi nghỉ mệt, anh Hùng nói chuyện đón tết nay, kể chuyện tết xưa: “Năm con trai tôi 12 tuổi, theo phong tục là làm heo cúng ông Táo cho con. Nhà tôi nuôi con heo để dành. Địa hình ở đây vùng trũng. Thường thì tháng 11 hết lụt, nhưng năm đó đến tháng 12 bất ngờ lụt lớn, tôi phải ẵm con heo gần nửa tạ đưa lên sõng chạy lụt. Ngày cúng ông Táo cho con trai cũng là ngày giáp tết, anh em chòm xóm xúm xít đông vui. Những nhà khác ở đây cũng vậy, khi có con 12 tuổi làm heo cúng ông Táo, họ cũng rủ mình hùn lại”.

Bên kia bờ mương thôn Định Trung 2, mấy chị phụ nữ ngồi dưới hàng tre cũng rôm rả bàn chuyện tết. Họ ngồi cả buổi vừa lột kiệu, gọt đu đủ, cà rốt... làm dưa món vừa nói đủ thứ chuyện trên đời. Nào là đi chợ tết thời @, công nghệ 4.0, chuyển đổi số, mua sắm trả tiền qua điện thoại… và không quên giữ nếp xưa, rủ nhau dang tay mổ heo ăn tết. Qua đó san sẻ yêu thương, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, gìn giữ nét đẹp truyền thống ở miền quê.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292343/nep-xua-dang-tay-mo-heo-an-tet.html