Nepal: 'Gánh nặng' chính trị, đối ngoại chật vật và tín hiệu phục hồi kinh tế
Trong bài viết đăng trên EastAsia Forum ngày 28/1, ông Sujeev Shakya* đánh giá, đối với Nepal, năm 2021 là một năm biến động chính trị và tiếp tục bị mất kết nối với toàn cầu, nhưng cũng là một năm phục hồi kinh tế.
Thảm họa Covid-19 "dội" vào Nepal quãng tháng 5/2021 khi nước này quay cuồng trong tình trạng thiếu oxy và vật tư y tế, những hàng dài chờ đợi ở trung tâm hỏa táng và hàng nghìn người đã tử vong.
Tính đến giữa tháng 12/2021, Nepal ghi nhận gần 12.000 trường hợp tử vong vì Covid-19, nhiều hơn số người tử vong do trận động đất độ lớn 7,8 hồi năm 2015.
Chính trường sóng gió
Vào đầu năm 2021, câu hỏi đặt ra là liệu Thủ tướng tạm quyền Khadga Prasad Sharma Oli - người vừa mới nhậm chức sau khi Quốc hội bị giải tán vào tháng 12/2020 - có cầm quyền lâu dài hay không.
Tháng 2/2021, Tòa án Tối cao Nepal đã lật lại quyết định từng giúp ông Oli trở thành Thủ tướng. Ba tháng sau, Tổng thống Bidya Devi Bhandari một lần nữa ra lệnh giải thể Quốc hội.
Các nghị sĩ phản đối động thái này đã đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao và cơ quan này đã lật lại quyết định của Tổng thống Bhandari và bổ nhiệm chính trị gia kỳ cựu của đảng Quốc đại Sher Bahadur Deuba làm Thủ tướng.
Quốc hội Nepal hầu như không hoạt động trong cả năm 2021.
Ông Deuba - người từng 4 lần đảm nhiệm vị trí Thủ tướng - đứng đầu một liên minh mỏng manh bao gồm những người chống lại ông Oli, trong đó có các cựu Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal và Madhav Kumar Nepal.
Tân Thủ tướng mất 3 tháng để mở rộng nội các vốn chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động khi mùa lễ hội Dasain và Tihar hàng năm bắt đầu.
Trước thềm các cuộc đại hội đảng vào cuối năm 2022, trọng tâm của chính phủ Nepal lúc này là lựa chọn ban lãnh đạo mới trong bối cảnh nội bộ xảy ra tranh cãi, các hoạt động vận động hành lang và các cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Đối ngoại trục trặc
Trong năm 2021, mối quan hệ giữa Nepal với Ấn Độ vẫn tiếp tục xấu đi do những tranh chấp về lãnh thổ.
Những thách thức trong thương mại và vấn đề quá cảnh tiếp tục thu hút sự chú ý, và thương mại của Nepal với Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cùng những thiên tai khác như lũ lụt và lở đất.
Lần đầu tiên kể từ năm 1960, có vẻ như Nepal bắt đầu xuất hiện tranh chấp biên giới với cả Trung Quốc. Điều này có lẽ đã góp phần dẫn đến việc các khoản đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) không đạt được nhiều tiến triển trong năm ngoái.
Quan hệ Mỹ-Nepal cũng không mấy khả quan. Tranh cãi công khai về khoản tài trợ 500 triệu USD của Tập đoàn Thử thách thiên niên kỷ của Mỹ đã bùng lên khi nhiều người phản đối với lý do việc chấp nhận khoản tài trợ sẽ "bán rẻ" an ninh của Nepal cho Mỹ.
Việc thiếu ý chí chính trị để thực hiện một thỏa thuận được ký kết giữa hai nước vào năm 2017 đã cho thấy rõ những khó khăn của Washington khi làm việc với Kathmandu.
Mối quan hệ của Nepal với các quốc gia khác chỉ giới hạn trong những hoạt động mừng các ngày lễ quốc gia khi Nepal triệu hồi các đại sứ được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhân dân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nepal đã được tiếp tế nhiều thuốc men, thiết bị y tế, oxy và vaccine khi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai xảy ra ở Nepal hồi tháng 5/2021.
Kinh tế khởi sắc
Đáng chú ý là nền kinh tế Nepal đã vượt qua đại dịch tốt hơn nhiều nền kinh tế khác.
Ngoại trừ doanh thu từ khách du lịch quốc tế, doanh thu từ tất cả các hoạt động kinh tế khác hầu như không bị suy giảm. Kiều hối đổ về Nepal từ các kênh chính thức và không chính thức đều tăng. Hiệu quả hoạt động của các ngân hàng được cải thiện so với năm 2020, tính đến tháng 11/2021, tiền gửi và tín dụng tăng từ 38 tỷ USD lên 46 tỷ USD.
Sàn giao dịch chứng khoán của Nepal ghi nhận khối lượng và giá kỷ lục với tổng vốn hóa thị trường tăng từ 24 tỷ USD hồi tháng 10/2020 lên 30 tỷ USD vào tháng 11/2021, với khối lượng giao dịch hàng ngày đạt đỉnh 150 triệu USD Mỹ.
Nhập khẩu và tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi khi chi tiêu cho các lễ hội, hoạt động xã hội và tôn giáo tăng lên. Giá đất tăng vọt và các hoạt động xây dựng quay trở lại mức trước đại dịch.
Số lượng người đi du học hay đi lao động ở nước ngoài cũng bắt đầu phục hồi khi hoạt động đi lại của người dân được nối lại vào nửa cuối năm 2021.
Năm 2022 sẽ là năm bầu cử và các hoạt động bầu cử đã khởi động trong các đại hội đảng. Đây sẽ là một năm chứng kiến nhiều doanh nhân tham gia chính trường hơn và nhiều chính trị gia phát triển các liên minh trong khu vực tư nhân hơn.
Về nền kinh tế, Kathmandu cần tăng chi tiêu để quản lý tình trạng suy giảm thanh khoản tạm thời.
Liệu chính phủ Nepal có thể thực hiện các cải cách để thu hút đầu tư quốc tế hay không hay liệu các nhà hoạch định chính sách có để cho chủ nghĩa bảo hộ gia tăng hay không.
Và tất nhiên, chúng ta sẽ phải chờ xem biến thể Omicron của virus SAR-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 sẽ gây tổn hại như thế nào tới hoạt động kinh tế của Nepal.
Sujeev Shakya là người sáng lập công ty tư vấn Beed Management, Cố vấn cấp cao về Nepal và Bhutan tại BowerGroupAsia và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Nepal; tác giả của cuốn Unleashing Nepal (2009) và Unleashing the Vajra (2019).