Nét đặc sắc 2 di sản phi vật thể quốc gia mới của Quảng Ngãi

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor và nghề làm gốm ở Sa Huỳnh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bản sắc độc đáo của người Cor

Nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào dân tộc Cor tồn tại và phát triển gắn liền với lễ hội ăn trâu từ hàng ngàn năm trước và được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện bản sắc văn hóa, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân tộc Cor.

Cây nêu của người Cor thường có ba loại ứng với mỗi sinh hoạt văn hóa xã hội khác nhau, cao nhất là cây nêu được dựng vào ngày Tết Ngã rạ (chừng 10 - 15m).

 Người Cor huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) tấu chiêng và múa Cà đáo bên cây nêu trong ngày lễ - Ảnh: TQ.

Người Cor huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) tấu chiêng và múa Cà đáo bên cây nêu trong ngày lễ - Ảnh: TQ.

Với thể loại này, phần thân cây nêu được trang trí hoa văn hai màu đen đỏ, tượng trưng cho trời đất. Thân cây nêu còn được treo những bộ Gu (bằng gỗ có vẽ hoặc điêu khắc những hình ảnh hay họa tiết mang yếu tố tâm linh của người Cor) và mâm thờ. Bộ Gu chỉ có ở tộc người Cor. Có thể coi đây là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tạo hình và hội họa dân gian đặc sắc.

Nghệ nhân dân gian người Cor - Hồ Ngọc An tạo tác trang trí cây nêu chuẩn bị cho ngày lễ - Ảnh: Tuệ Minh.

Nghệ nhân dân gian người Cor - Hồ Ngọc An tạo tác trang trí cây nêu chuẩn bị cho ngày lễ - Ảnh: Tuệ Minh.

Cùng với bộ Gu, trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo. Đây là hình tượng một loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào, để bảo vệ cây lúa. Người dân tộc Cor coi chim chèo bẻo là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế người Cor không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo.

Mỗi khi dựng cây nêu, người Cor phải làm lễ cúng với những nghi thức rất thiêng liêng. Cây nêu là cầu nối tinh thần của người Cor với thần linh. Những bài cúng trong những bước khác nhau khi ghép nối cây nêu hoặc khi treo những bộ Gu.

Nghề gốm trên mảnh đất văn hóa cổ

Cách nay từ 2.000 đến 2.500 năm, cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã sản xuất ra nhiều loại đồ gốm phong phú về loại hình, hoa văn sắc sảo, họa tiết trang trí đa dạng, đạt trình độ cao cả về kỹ thuật và thẩm mỹ.

Đồ gốm Sa Huỳnh phong phú về loại hình, đa dạng về kiểu dáng và nguồn nguyên liệu được lấy ngay tại nơi cư dân Sa Huỳnh cư trú. Đó là các loại hình chum, nồi, bình, bát đĩa… với phong cách chế tác đồ gốm độc đáo, thể hiện văn hóa của các cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm.

Đồ gốm Sa Huỳnh với những loại hình phong phú, độc đáo - Ảnh: Tuệ Minh

Đồ gốm Sa Huỳnh với những loại hình phong phú, độc đáo - Ảnh: Tuệ Minh

Nghề gốm Sa Huỳnh có từ lâu đời, là nghề cha truyền con nối. Qua thời gian, hiện số hộ dân vẫn giữ nghề làm gốm truyền thống đếm trên đầu ngón tay, và tập trung ở thôn Trung Sơn và Vĩnh An (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ). Nơi đây nằm ngay bên cạnh đầm An Khê, cũng chính là cái nôi khai sinh ra Văn hóa Sa Huỳnh.

Khác với các loại gốm láng men mịn, với hoa văn màu sắc sặc sỡ bắt mắt, gốm Sa Huỳnh hoàn toàn là gốm mộc, làm thủ công và được nung từ 14 đến 24 tiếng.

 Nghề gốm Sa Huỳnh vẫn đang được trao truyền qua các thế hệ - Ảnh: Tuệ Minh.

Nghề gốm Sa Huỳnh vẫn đang được trao truyền qua các thế hệ - Ảnh: Tuệ Minh.

Sự hồi sinh của gốm cổ Sa Huỳnh được đánh dấu bằng việc thành lập HTX Gốm tiền sử Sa Huỳnh vào cuối tháng 11/2023. HTX ra đời là kết quả của dự án “Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh và đầm An Khê” do Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Mục đích là đồng hành, hỗ trợ những người thợ làm gốm còn lại ở Sa Huỳnh phục dựng, mô phỏng từ kỹ thuật, hoa văn nhằm làm hồi sinh dòng gốm này.

Mời độc giả xem thêm video "Làng gốm - Sa Huỳnh cổ"

Tuệ Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/net-dac-sac-2-di-san-phi-vat-the-quoc-gia-moi-cua-nguoi-cor-2021019.html