Nét đẹp còn mãi với thời gian
Nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội thông qua 200 tác phẩm với các hình ảnh, hiện vật, tài liệu giới thiệu về nét tinh tế, thanh nhã, hào hoa của người Hà Nội đang được trưng bày tại triển lãm ảnh 'Vì một Hà Nội thanh lịch, văn minh' tại Nhà triển lãm (số 45 Tràng Tiền, Hà Nội). Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu 'Thành phố Vì hòa bình' (16/7/1999 - 16/7/2019), kéo dài đến hết ngày 12/8/2019.
Thể hiện nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”
Không gian trưng bày được chia thành 3 phần: Hà Nội ngàn năm văn hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hóa Hà Nội và Thủ đô Hà Nội học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đời sống văn hóa.
Đến đây, khách tham quan sẽ có cái nhìn sâu sắc, đa dang về một Hà Nội mang đậm giá trị nhân văn, tinh tế, hào hoa, nhân ái, tôn trọng, sáng ngời vẻ đẹp chốn Kinh kỳ…Hà Nội nằm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú, nơi đây đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lý, quyết định xây dựng kinh đô mới ở vùng đất này với cái tên Thăng Long, kể từ đó vị thế của Thăng Long được khẳng định là kinh đô bền vững của muôn đời, tạo thế mở mang phồn vinh cho nước nhà. Sự tích rồng bay huyền thoại tô điểm cho Thăng Long rạng rỡ hào hùng thể hiện khát vọng bay cao và vươn xa.
Trải qua các triều đại có lúc thịnh, lúc suy, kinh đô Thăng Long vẫn là nơi hội tụ sự phồn hoa và thanh lịch, được chắt lọc từ nếp sống, nét văn hóa đất Kinh kỳ. Những giá trị từ chiều sâu lịch sử với nét văn hóa đậm tính nhân văn và những thành tự thời kỳ đổi mới đã tạo ra một Hà Nội hôm nay mang tầm vóc quốc tế, vừa đậm chất thanh lịch, vừa sáng nét văn hóa - văn minh, vừa là biểu tượng đẹp của một “Thành phố vì hòa bình”.
Đến nét thanh lịch của người Tràng An qua ẩm thực
Nét thanh lịch của người Tràng An trước hết được thể hiện ở văn hóa ẩm thực. Là trung tâm kinh tế và giao lưu văn hóa, Thăng Long - Hà Nội có điều kiện thuận lợi tiếp thu kinh nghiệm chế biến món ăn từ trong và ngoài nước. Ẩm thực Hà Nội đã đi vào nhiều tác phẩm văn học, tiêu biểu như “Hà Nội 36 phố phường” của Thạch Lam, “Miếng ngon Hà Nội” hay “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng.
Trong ẩm thực, người Hà Nội “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”, việc ăn là để thưởng thức, hơn là để đáp ứng nhu cầu vật chất…Không quá cầu kỳ nhưng điều trước tiên trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội là sự “sạch đẹp”. Đồ ăn, dù bất cứ món nào cũng phải được bày biện trông ngon mắt hoặc ít nhất là trông sạch sẽ. Người Hà Nội ăn kiểu “quý ở độ tinh”, coi trọng chất hơn lượng. Những người đến Hà Nội lập nghiệp thường mang theo những món ăn, đồ uống từ quê hương. Sống qua nhiều thế hệ ở Hà Nội, họ góp phần làm nên nét phong phú của ẩm thực Hà Nội.
Riêng về bánh, Hà Nội có rất nhiều thứ bánh. Bánh cuốn Thanh Trì được coi như một sản phẩm nghệ thuật ẩm thực dân dã. Người Hà Nội sành ăn nên ngay từ món ăn tưởng đơn giản này cũng phải thật cầu kỳ, chu đáo. Bột làm bánh phải làm từ thứ gạo ngon thì bánh mới không nồng, sắc bánh mới trắng; tráng bánh phải thật mỏng, mỡ thoa phải đều tay cho mướt mặt bánh để khi nếm vào không có cảm giác ngán; phết nhân bánh cũng đòi hỏi sự khéo léo sao cho bánh không thô, nhân đều từng cái. Bánh cuốn Hà Nội ngày nay có nhiều loại và đã trở thành món có thể ăn bất kỳ lúc nào trong ngày, rẻ mà ngon. Có loại ăn nguội, có loại ăn nóng, có loại có nhân thịt, có loại không nhân… mỗi thứ cho một hương vị riêng.
Bánh tôm Hồ Tây, bánh cốm Hàng Than, bánh chè lam Thạch Xá, bánh giày Quán Gánh rồi đến bánh chả, bánh đa khoai làng Lủ… tất cả tạo nên một “thiên đường” bánh ngon đậm chất Hà Nội mà bất cứ du khách nào ghé chân cũng đều mong muốn ăn thử và mua về làm quà.
Ngoài các loại bánh, người Hà Nội còn nổi tiếng với nhiều loại bún như: Bún riêu, bún ốc, bún chả, bún thang… Không chỉ đối với người Hà Nội, mà cả những người chỉ một lần đặt chân lên đất Kinh Kỳ cũng đều nghe danh bún ốc phủ Tây Hồ. Từ khi phủ bà Chúa Liễu được xây dựng cũng là lúc người dân làng Quảng An mở hàng bún ốc. Thời kỳ đó, ốc Tây Hồ nhiều và ngon lắm.
Cách làm bún ốc nơi đây cũng rất cầu kỳ, phải chọn mua được ốc sống thật béo và phải là ốc quế, to trung bình, vỏ màu đen bóng. Ngay cả bún cũng vậy, những nhà hàng ở đây chỉ đặt duy nhất với một làng nghề sản xuất, đó là: Phú Ðô ở huyện Từ Liêm, bởi lẽ sợi bún rất nhỏ, săn, không nhão và khi chan nước ăn vẫn giòn và dẻo mà lại không nát. Hơn thế nữa, bún lại trắng và được chế biến hợp vệ sinh. Không ít gia chủ còn đặt hẳn ở làng bún sản xuất bún bằng gạo tám thơm có pha chút gạo nếp cái hoa vàng để tăng thêm hương vị cho bát bún ốc.
Sau khi đã trải nghiệm đủ các món ngon Hà Thành, người Hà Nội thường mời nhau chén trà ấm, nhẹ thanh đi kèm với một chút cốm làng Vòng. Người Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng với thói quen thưởng trà của mình. Rất cầu kỳ từ chế biến đến thưởng thức, người ta thường ướp trà mộc với hoa sen, hoa nhài, hoa cúc để thưởng thức hương vị thanh khiết của những bông hoa trong chén trà. Trong ba loại trà thường gặp đó, trà sen là thứ trà quý chỉ đem ra tiếp khách tri âm hoặc là dùng làm thứ quà biếu gói trọn hương vị đất Hà Thành. Một chút cốm ngọt dịu đi kèm thực sự là một lựa chọn lý tưởng khiến tâm hồn người thưởng trà cũng trở nên thật thư thái, vui vẻ.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Ở chốn Kinh kỳ, người Hà Nội không chỉ thanh lịch trong cách “ăn uống” mà còn thanh lịch trong cách “ăn nói” (giao tiếp, ứng xử), họ rất trọng lễ nghĩa. Nét đặc trưng riêng phải kể đến là chất giọng người Hà Nội “người thanh tiếng nói cũng thanh”. Qua tiếng nói, dễ dàng nhận ra cái thanh, cái đẹp của con người nơi đây ở sự chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước.
Nhiều tác phẩm văn học, thi ca đã từng nói về văn hóa thanh lịch trong tiếng nói người Hà Nội, trong đó có câu: “Tiếng nói phát ra từ người Hà Nội là tiếng nói tự trọng, tôn trọng người nghe. Mềm mỏng mà không yếu ớt, tự tin mà không kiêu ngạo, trí tuệ mà không khoe khoang, chắt lọc mà không kiêu kỳ, nhanh nhạy mà không nôn nóng, giản dị mà không đơn giản, kính trọng mà không nịnh bợ”. Cho đến nay, nét đẹp ấy vẫn còn được lưu giữ, duy trì, mặc cho Hà Nội giờ đây đã được mở rộng, đan xen tiếng nói nhiều vùng miền.
Trang phục cũng là một biểu hiện của văn hóa ứng xử. Cách ăn mặc của người Hà Nội xưa vẫn được đánh giá là nền nã, kín đáo, chỉnh tề, không cầu kỳ về kiểu dáng, không lòe loẹt về màu sắc. Nhà văn Băng Sơn đã từng nhận xét về cách ăn mặc của người Hà Nội: “Xưa nay người Hà Nội thường có cách ăn mặc riêng rất đẹp, vừa lịch sự nền nã, hào hoa phong nhã, vừa lộng lẫy mà vẫn kín đáo”.
Ca dao có câu: “Bóng ai đi giữa kinh thành/ Áo dài tha thướt dáng thanh thanh gầy/ Bóng ai nón thúng quai thao/ Áo tứ thân dải yếm đào thân thương/ Gánh hoa bán khắp nẻo đường/ Em là nỗi nhớ thanh thương Kinh kỳ”. Trải qua tiến trình của thời gian, cách ăn mặc của người Hà Nội cũng có sự thay đổi theo mỗi thời đại, nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch, tao nhà đậm nét văn hóa của vùng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và vẫn là nét đẹp được dân gian ca ngợi, yêu mến…
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/net-dep-con-mai-voi-thoi-gian-93805.html