Nét đẹp của miền đất lành Yên Trạch
Làng Yên Trạch (Bắc Lý, Lý Nhân) xưa nay nổi tiếng xa gần bởi sự độc đáo trong những lời truyền tụng về tên đất, tên làng, bởi nét đặc sắc, đậm chất lịch sử ẩn chứa trong những lề tục dân gian của hội làng tháng giêng hằng năm.
Làng Yên Trạch (Bắc Lý, Lý Nhân) xưa nay nổi tiếng xa gần bởi sự độc đáo trong những lời truyền tụng về tên đất, tên làng, bởi nét đặc sắc, đậm chất lịch sử ẩn chứa trong những lề tục dân gian của hội làng tháng giêng hằng năm.
Nét độc đáo riêng có trước tiên ở Yên Trạch phải kể đến ấy là sự độc đáo về tên đất, tên làng. Nét độc đáo ấy bắt nguồn từ một giai thoại lưu truyền qua nhiều đời, rằng: Vào thời Hậu Lê có tám gia đình từ đất Dạ Trạch, bãi Màn Trù (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) theo thuyền vượt qua dòng đại hà sông Hồng rồi theo sông Long Xuyên tìm đến một doi đất bồi ở phủ Lỵ Nhân (nay là Lý Nhân, Hà Nam) khai hoang, lập nên làng Yên Triền.
Sau khi định cư yên ổn, thấy miền đất mới Yên Triền ngày một trù mật, nhân khang, vật thịnh bèn đổi tên thành Yên Trạch, gửi gắm ước nguyện mảnh đất nơi đây luôn an lành, yên ổn. Về sau, Yên Trạch còn có thêm hai dòng họ nữa từ Tiên Du, vùng Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh) cũng bởi nghe “tiếng lành đồn xa” mà tìm về Yên Trạch định cư, lập nghiệp. Chính bởi thế nên đình làng Yên Trạch hiện giờ vẫn lưu treo đôi câu đối nói về gốc gác tên làng, tên đất, nói về những cư dân khởi tổ của vùng quê an lành này: “Dạ Trạch bát gia lại, kiến an nhị trạch/Tiên Du nhị tôn chỉ, dĩ lý vi nhân” (Dịch nghĩa: Tám nhà từ Dạ Trạch đến, thấy đất yên ổn mà ở lại, coi là quê hương thứ hai/Thêm hai họ ở Tiên Du cũng đến, thấy người nơi đây nhân đức mà định cư). Nếp đình làng Yên Trạch do những dòng họ đầu tiên đến đây khai đất, lập làng chuyên tâm dựng nên vào khoảng cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn. Đình tọa lạc trên mảnh đất cao, ngoảnh hướng tây, trông ra cánh đồng Trầm thượng, Trầm hạ với những đầm sen ngát hương trong gió…
Nét đẹp độc đáo tiếp nữa phải kể đến nơi vùng đất bãi bồi phù sa cổ ven dòng sông Long Xuyên này là những câu chuyện lịch sử cùng truyền thống văn hóa giàu bản sắc. Chuyện rằng, vào nửa cuối thế kỷ thứ V, Triệu Quang Phục lúc đó đương giúp Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương đã lựa chọn đầm Dạ Trạch (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) làm căn cứ kháng chiến. Nằm ở vị trí hiểm yếu bên dòng sông Long Xuyên thông ra sông Hồng, vừa cách đầm Dạ Trạch không xa, vừa tiện sông nước, việc tiến, thoái, lưu thông vô cùng thuận lợi nên Yên Trạch cùng với hai làng Đọ, Nội kế bên được Triệu Quang Phục tin tưởng lựa chọn làm vành đai bảo vệ, ứng chiến, tiếp tế cho vùng căn cứ kháng chiến.
Năm 540, sau khi chiến thắng giặc Lương, lên ngôi vua và định đô ở Long Biên, Triệu Việt Vương đã ngự thuyền rồng theo sông Hồng, sông Long Xuyên về Yên Trạch, vừa để úy lạo những người dân quê gốc Dạ Trạch, vừa thăm lại miền đất đã từng là căn cứ tiếp tế, vành đai bảo vệ căn cứ kháng chiến. Dân chúng Yên Trạch cùng trăm họ hai làng Đọ, Nội kề bên dòng Long Xuyên cùng mừng rỡ đón rước Triệu Việt Vương rất long trọng. Và bơi chải, chạy ngựa, múa hát Lải Lèn là ba tích trò diễn xướng của dân chúng ba làng trong nghi thức đón rước vị quân vương họ Triệu về thăm. Sau khi vua mất, dân ba làng cùng tôn Triệu Việt Vương là thành hoàng, quanh năm hương khói thờ phụng rất chu tất, trọng hậu. Múa hát Lải Lèn và nghi lễ dâng rượu đón mừng chính thức trở thành tục múa hát thờ thần, tưởng nhớ, ca ngợi công lao của tiền nhân.
Cùng với đó, tục chạy ngựa, bơi chải cũng trở thành tích trò diễn xướng dân gian nhằm mô tả tái hiện những cuộc chiến, những thắng lợi của vua tôi họ Triệu. Những năm sau này, dân chúng Yên Trạch, Đọ, Nội đã cùng nhau đặt ra tục lệ phân định những nghi lễ mà mỗi làng phải đảm nhiệm nhằm sao cho việc cử hành lễ hội hằng năm được trang trọng, chu đáo. Lâu dần, tục lệ phân định việc đảm nhiệm những nghi lễ của hội làng đó đã trở thành câu ca truyền tụng của dân cư khắp vùng và lưu giữ đến ngày nay: "Làng Đọ bơi thuyền, làng Yên chạy ngựa, làng Nội múa hát Lải Lèn".
Tự hào với truyền thống lịch sử của quê hương, dân làng Yên Trạch bao đời nay tiếp nối nhau trân trọng lưu giữ những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc ẩn chứa trong những kỳ hội làng (ngày 24, 25, 26 tháng giêng hằng năm). Đã thành lệ, công việc chuẩn bị tế lễ được tiến hành ngay từ mùng mười tháng giêng (thời gian chuẩn bị tế lễ được gọi là những ngày Giao đám). Xưa kia Yên Trạch có 6 giáp, vào những ngày Giao đám, làng chọn mỗi giáp một nhà để ra đình trực tiếp đảm nhận công việc sửa biện vật phẩm tế lễ, gồm: bánh dầy, bánh cốm, bánh xu sê, chè kho… (tương truyền những thứ này được coi là lương thực của tướng sĩ Triệu Quang Phục khi phải phòng ngự dài ngày ở căn cứ Dạ Trạch).
Sáng ngày 24 tháng giêng, làng rước ba “cỗ” ngựa với ba màu đỏ, vàng, trắng (ngựa đỏ của Triệu Việt Vương, ngựa vàng, ngựa trắng của nhị vị đại thần Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc là những tướng tâm phúc dưới trướng Triệu Việt Vương) ra đình. Ba “cỗ” ngựa (cốt tre, phết giấy màu), phần đầu và cổ làm tựa như ngựa thật; thân và đuôi ngựa là một cây tre (5 thước), gốc tre róc nhọn, ngọn tre để nguyên cành lá làm đuôi ngựa. Buổi chiều ngày 24, các cụ cao niên thay mặt dân làng cử hành lễ cáo yết. Sáng ngày 25, khi hiệu lệnh nổi lên, lập tức đại diện 6 giáp trong làng đồng loạt mang lễ vật ra đình. Tế lễ xong xuôi, làng tổ chức chấm cỗ. Mâm cỗ nào thịnh soạn, thơm ngon, bắt mắt… thì được thưởng. Gần trưa, dân làng cử hành tế ngoại táng ở sân đình.
Sau tế ngoại táng là tế khao rồi mời những người phụ trách ngựa (mỗi “cỗ” ngựa có bốn người phụ trách) mang theo lương, thảo, binh khí... để chuẩn bị cho việc diễn xướng tích trò “Tẩu mã” (chạy ngựa) - phần sôi động nhất trong mỗi kỳ hội làng. Trò “Tẩu mã” tái hiện lại bi kịch phút lâm chung của cuộc đời người Anh hùng dân tộc Triệu Quang Phục. Dân làng Yên Trạch (Hà Nam) cũng như dân chúng miền Dạ Trạch (Hưng Yên) và nhiều vùng quê khác cùng thờ Triệu Việt Vương đều coi ngài như một vị Thủy thần.
Tương truyền Triệu Việt Vương đã được Chử Đồng Tử (một trong bốn vị thần bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam) ban cho “đầu mâu móng rồng” làm cung nỏ nhiệm màu, đánh giặc rất hiệu quả. Triệu Việt Vương còn được cho là có phép thuật trên sông nước, cứu độ muôn dân. Chính bởi vậy, tục “Tẩu mã” luôn được dân làng tiến hành diễn xướng bằng tâm niệm vừa rất thành kính, vừa rất hào hứng, sôi động. Sau khi đọc xong chúc văn thánh tế, ông chủ tế phát lệnh “Tẩu mã”. Nghe lệnh, ba “cỗ” ngựa đồng loạt “cất vó”, thi nhau chạy thật nhanh ba vòng quanh bờ ao bán nguyệt trước cửa đình, rồi phóng thẳng ra đường làng trong tiếng reo hò vang dậy, tiếng bước chân rậm rịch của dân làng đuổi theo. Rốt cuộc, ba “cỗ” ngựa quay về và đồng loạt lao xuống hồ nước rộng phía cuối làng, cùng lúc dân làng cũng đồng thanh reo hò rồi chen chân, thích cánh cố giành lấy một phần của một trong ba “cỗ” ngựa. Theo tín ngưỡng lưu truyền: dân trong làng ai giành được một phần râu, bờm, lông ngựa, nhất là giành được đuôi ngựa còn nguyên cả chòm lá tre thì người đó năm ấy gia đình ắt gặp nhiều phúc lộc, may mắn…
Hàng nghìn năm đã trôi qua kể từ ngày những cư dân đầu tiên đặt chân đến đất này. Vùng đất lành Yên Trạch xưa kia giờ đã thành những xóm dân cư trù phú, đông đúc. Những trục đường làng được dân Yên Trạch đồng lòng hiến đất mở rộng, bê tông hóa và biến thành những tuyến “đường hoa” nông thôn mới do các đoàn thể phân công nhau tự quản. Nhà văn hóa Yên Trạch bên vuông hồ rộng có bến nước “tẩu mã” trong hội làng truyền thống hằng năm được dân làng quyên góp tôn tạo khang trang. Và trong tâm thức của người dân Yên Trạch hôm nay luôn ắp đầy niềm tự hào về tên đất, tên làng, về truyền thống lịch sử quê hương, về những lề tục trong hội làng tháng giêng với bao nét đẹp giàu bản sắc không đâu có.