Video: Nét đẹp ngày thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời
Từ sáng ngày 2-2 (23 tháng Chạp), người dân ở TP Thanh Hóa đã đi chọn cho mua các chép để về cúng ông Táo. Ai cũng mong muốn chọn những con cá chép vàng to, khỏe nhất để Táo quân có thể về chầu trời thuận lợi...
Những người bán cá cho biết, giá cá năm nay không tăng so với mọi năm, dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng/bộ, tùy kích cỡ.
Khoảng 7h30 cùng ngày, theo ghi nhận, tại cầu Lai Thành, cầu Hàm Rồng, cầu Trại Rắn, cầu Cốc... nhiều người dân TP Thanh Hóa đã nô nức đi thả cá vàng.
Để tránh ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, ở một số nơi chính quyền địa phương đã làm cầu, máng, đồng thời tuyền truyền, vận động cho Nhân dân thả cá tập trung, không vứt túi ni lông, thả tro xuống sông, hồ.
Các bạn tình nguyện viên có mặt từ rất sớm để tuyên truyền cho người dân thả cá đúng cách và thu gom rác thải từ túi ni lông, tàn tro đốt vàng mã... góp phần bảo vệ môi trường.
Những tấm biển, băng rôn với khẩu hiệu “Thả cá, đừng thả túi nilon” được các bạn đoàn viên chuẩn bị, căng trên các thành cầu để người dân lưu ý.
Nhóm các bạn tình nguyện thay ca nhau đứng tuyên truyền, hỗ trợ người dân thả cá, thu gom rác, vàng mã... dọc hai bên các bờ sông.
Bạn Trần Tuấn Anh (tình nguyện viên) cho biết, nhận thấy tình trạng người dân vứt tro hóa vàng, túi cá xuống sông gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, nên chúng em ra đây để tuyên truyền bảo vệ môi trường. Phía dưới bờ sông chúng em phát quang cây bụi để người dân dễ dàng thả cá tiễn ông Táo. Phía trên cầu, các thành viên thu gom rác thải, vàng mã... và tập kết lại, cuối ngày sẽ tổ chức đốt tại điểm tổng kết.
Nhiều người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, mang theo bình nhựa, chậu nhựa để thả cá.
Bà Lê Thị Hải, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa cho biết: Thả cá trong ngày ông Công ông Táo là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Năm nào đến ngày này, gia đình bà cũng mang cá ra sông để thả với mong muốn gia đình mạnh khỏe, bình an. “Những năm trước chúng tôi phải xuống tận mép nước để thả cá, bậc thang trơn trượt rất nguy hiểm, nhất là đối với người lớn tuổi. Năm nay, tôi thấy việc làm của các bạn Đoàn viên thanh niên trong ngày lễ này rất ý nghĩa, vừa là bảo vệ môi trường khỏi rác thải vừa là giữ gìn những điều tốt đẹp mà cha ông để lại", bà nói.
Chị Nguyễn Thị Thúy, Bí thư Đoàn phường Đông Hương cho biết: Vào ngày ông Công ông Táo hằng năm, Đoàn Thanh niên phường Đông Hương sẽ tổ chức phân công các đoàn viên ra 3 điểm là cầu Đông Hương, cầu Đông Hương 2 và Cầu Đèn để hỗ trợ, giúp đỡ người dân thả cá, thu gom túi ni lông, rác thải và tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ môi trường, thả cá, không thả túi ni lông.
Theo kinh nghiệm, thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội sống. Không thả cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm.
Những bạn nhỏ cũng vô cùng háo hức khi được tham gia thả cá ngày ông Công ông Táo. Các em được phụ huynh hướng dẫn bỏ rác đúng nơi bảo vệ môi trường.
Người xưa quan niệm rằng, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên thiên đình. Tới đêm giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa. Bởi thế, cứ đến ngày ông Công ông Táo, trong mâm cúng của người Việt không thể thiếu cá chép.
Hoàng Đông – Phương Đỗ