Nét đẹp Tết 'so slam, bươn slam' của người Tày

Tết Thanh minh, còn gọi là Tết 'so slam, bươn slam' (tức mùng Ba tháng Ba âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của đồng bào Tày tại Tuyên Quang.

Lễ vật cúng tổ tiên gồm gà, hoa quả và các loại bánh đặc sản của người Tày.

Lễ vật cúng tổ tiên gồm gà, hoa quả và các loại bánh đặc sản của người Tày.

Đây chính là dịp để mọi người báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên; nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, nguồn cội.

Nét đẹp văn hóa

Là một tỉnh có hơn 20 dân tộc cùng chung sống, Tuyên Quang có gần 450 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 56,7% dân số), trong đó người Tày chiếm 25,5%. Người Tày Tuyên Quang vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nổi bật với hội Lồng tồng, lễ cưới, những câu hát Then truyền thống bên cây đàn Tính, nghề dệt, đan lát...

Đặc biệt, các gia đình người Tày tại Tuyên Quang đều giữ được phong tục cùng nhau tổ chức đi tảo mộ trong ngày Tết Thanh minh. Nó đã trở thành nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang nói riêng và vùng núi phía Bắc nói chung.

Đã thành thông lệ, đúng ngày 3/3 âm lịch, từ lúc trời đất còn đẫm sương đêm, gia đình chị Trịnh Thị Thảo, dân tộc Tày tại thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) thức dậy, sắp đồ lễ vốn được chuẩn bị từ hôm trước như: Thịt gà, thịt lợn, cá, các loại hoa quả, trứng, giấy tiền mã, rượu, xôi ngũ sắc, các loại bánh trôi, chay, bánh trứng kiến… để đi tảo mộ. Những lễ vật này đều phải do gia chủ tự tay làm. Người Tày cho rằng như vậy mới thể hiện được tấm lòng của con cháu đối với người đã khuất.

Chị Thảo cho biết: Người Tày luôn quan niệm đã làm Tết Thanh minh thì nhất định phải làm lễ tảo mộ. Thứ nhất là để con cháu sửa sang lại nhà mới cho ông bà, tổ tiên, thứ hai là cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nét văn hóa này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn bao đời nay của người Tày.

Theo quan niệm của người Tày, thời gian Tết Thanh minh đến sau lập Xuân đúng 45 ngày. Các cụ cao niên người Tày lý giải rằng thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tết Thanh minh.

Người Tày chọn Tết Thanh minh đơn giản là ngày cắt cỏ và đắp đất lên mộ. Ngày nay, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà có thể tổ chức đi tảo mộ từ những ngày đầu tháng 3, chứ không nhất thiết phải đi đúng ngày 3/3 âm lịch.

Giáo dục truyền thống gia đình

Tết Thanh minh cùng nhau đi tảo mộ vẫn được người Tày ở Tuyên Quang gìn giữ nguyên vẹn với giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc. Chính vì vậy, nó cần được gìn giữ và phát triển hơn nữa trong thời đại xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, góp phần bảo tồn không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc.

Trong tiềm thức của người Tày ở Tuyên Quang, ngày Tết Thanh minh là để con cháu nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên và người đã khuất, cho nên dù sinh sống hay làm ăn ở bất cứ nơi đâu, có bận rộn đến mấy thì họ cũng sắp xếp công việc để trở về quê để cùng gia đình, người thân đi tảo mộ, ăn Tết.

Chị Nguyễn Thị Phương, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang (Tuyên Quang) hiện công tác tại Hà Giang cho biết: Ngay từ khi còn nhỏ, bố tôi đã căn dặn, ngày Tết Thanh minh là ngày quan trọng của dân tộc Tày. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ.

Đông đủ con cháu khắp nơi làm ăn xa, gần sẽ quây quần, sum vầy báo hiếu tổ tiên, ông bà. Chính vì vậy dù có đi làm xa nhà nhưng năm nào gia đình chị cũng cố gắng bố trí công việc để về quê vào dịp này.

Khác với tập tục của người Kinh, người Tày ở Tuyên Quang thường không đưa di cốt người thân vào trong nghĩa trang, mà chôn cất trong một mảnh đất chung của dòng họ. Từ sáng sớm 3/3 âm lịch, bất kể ngày mưa, rét thì khắp các triền đồi, chân núi..., từng đoàn người mang theo đồ lễ và dụng cụ đi tảo mộ cho những người thân đã khuất.

Mọi người trong gia đình đều ăn mặc trang nhã, gọn nhẹ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ cho sạch sẽ, đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ.

Con cháu đốt một bó nhang cắm quanh phần mộ để sưởi ấm cho ông bà, cho người đã khuất. Theo quan niệm ở địa phương, có như vậy tổ tiên mới luôn phù hộ cho con cháu mình được khỏe mạnh, thành đạt.

Nghi lễ cúng trong ngày tảo mộ thường gồm hai phần: Phần cúng ở nhà và phần cúng tại mộ. Ở nhiều nơi còn có nghi lễ rót nước, mời rượu. Điều đặc biệt là khi những ngôi mộ đã được dọn cỏ, sửa sang sạch đẹp thì mọi người trong gia đình, dòng họ sẽ hạ lễ cúng xuống để cùng nhau ăn uống ngay tại khu vực nghĩa trang của dòng họ mình.

Mọi người cùng uống rượu và kể cho con cháu chuyện về những người đã khuất. Nhắc nhau chăm chỉ lao động, học tập, để xứng đáng và đền đáp công ơn những người đã khuất. Sau khi công việc trên nghĩa trang kết thúc, mọi người cùng nhau thu dọn trở về nhà chuẩn bị cho bữa cơm ấm cúng trong ngày Tết tại gia đình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/net-dep-tet-so-slam-buon-slam-cua-nguoi-tay-wKE9E6CGR.html