Nét đẹp Tết trồng cây, mang lại màu xanh cho đất nước

Trồng cây xanh là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường sống, không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà còn mang đến những giá trị thiết thực trong việc xây dựng môi trường sống xanh.

Thanh niên Quảng Trị hưởng ứng Tết trồng cây. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Thanh niên Quảng Trị hưởng ứng Tết trồng cây. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến môi trường, Người căn dặn nhân dân phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Mùa Xuân Canh Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây đầu tiên. Từ đó đến nay, cứ mỗi độ Xuân về, nhân dân cả nước lại hưởng ứng “Tết trồng cây” làm theo lời Bác.

Những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều vùng, miền trên cả nước.

Trồng cây xanh được xem là một giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường sống, không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà còn mang đến những giá trị thiết thực hữu hình trong việc xây dựng môi trường sống xanh.

Truyền thống tốt đẹp

Nối tiếp truyền thống do Bác Hồ gây dựng hơn 60 năm qua, các địa phương, vùng miền trong cả nước hằng năm đều tổ chức Tết trồng cây, duy trì nét đẹp này với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Với nỗ lực đó, không chỉ diện mạo khắp các vùng đô thị, nông thôn ngày càng xanh hơn, đẹp hơn mà diện tích rừng cũng ngày càng tăng qua các năm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2016-2020, cả nước trồng bình quân 227.000ha rừng tập trung và 67 triệu cây phân tán mỗi năm.

Riêng năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, song Việt Nam vẫn trồng được hơn 230.000ha rừng trồng tập trung và 80 triệu cây phân tán, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019.

Giai đoạn 2021-2025, ngành lâm nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng và ổn định tỷ lệ che phủ rừng cả nước ở mức 42%; phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lâm sản 20 tỷ USD, đạt sản lượng gỗ rừng trồng tập trung là 35 triệu m3 mỗi năm.

Nhằm chủ động triển khai công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.

Cả nước chung sức đồng lòng phấn đấu đạt mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Chỉ thị nêu rõ cần có kế hoạch thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây thành phong trào thi đua của mọi cấp, mọi ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia của mọi người dân; tập trung ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khác, khu dân cư tập trung, khu văn hóa-lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp...

Riêng năm 2021, theo kế hoạch, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh, trong đó có 120 triệu cây xanh phân tán, tăng 1,5 lần so với năm 2020 và từ năm 2022-2025 tăng gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Lãnh đạo và cán bộ ngành giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình trồng cây xanh. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Lãnh đạo và cán bộ ngành giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình trồng cây xanh. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Các cơ quan chức năng chú trọng phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng.
Công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên toàn xã hội tham gia trồng cây, trồng rừng.

Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Bến Tre trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước phát động chương trình hưởng ứng, góp phần hiện thực hóa sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.

Tỉnh đã vận động mỗi hộ gia đình đăng ký với phường, xã việc trồng và chăm sóc cây xanh; vận động các cơ quan, trường học, bệnh viện... tổ chức cho học sinh, thầy cô giáo, cán bộ, công nhân viên trồng và chăm sóc cây, hoa tại trụ sở.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết với định hướng xây dựng tỉnh Bến Tre trở thành địa phương đáng sống, bên cạnh việc phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh chú trọng công tác bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, xây dựng không gian sống trong lành, thân thiện, đặc biệt là quan tâm sâu sắc đến việc chăm sóc, bảo vệ, trồng cây xanh, trồng rừng, góp phần giữ vững môi trường sinh thái, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra phức tạp như thời gian qua.

Vui mừng được biết ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Bến Tre và các đơn vị liên quan tổ chức thành công Lễ phát động trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn xã hội hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư khen với nội dung: "Tôi mong muốn Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong thời gian tới tiếp tục được triển khai thực chất, sáng tạo, hiệu quả, bền vững, không phô trương, hình thức. Các địa phương, cơ quan, tổ chức và nhân dân cả nước tiếp tục có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực trong việc trồng cây, trồng rừng, phục hồi và bảo vệ thiên nhiên. Mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh, mỗi nhà góp một mảng xanh, mỗi khu dân cư góp một vùng xanh để đất nước ta ngày càng xanh, phát triển nhanh và bền vững, cùng chung tay chăm lo cho cuộc sống của nhân dân tốt đẹp hơn, đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại."

Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỷ cây xanh thông qua hoạt động trồng mới hơn 11.000 cây xanh bao gồm lim xanh, keo tai tượng, quế tại ba xã (A Vương, Lăng và Ch’ơm), huyện Tây Giang (Quảng Nam).

Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện các chương trình trồng cây xanh trên khắp mọi miền đất nước, với gần một triệu cây xanh được trồng mới, góp phần quan trọng trong hành trình đưa màu xanh đến mọi miền Tổ quốc.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường kịp thời xây dựng, triển khai Đề án 1 tỷ cây xanh với mục tiêu cao nhất đảm bảo về tính môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, hướng đến phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm là chương trình có ý nghĩa lớn, không chỉ phủ xanh đất trống, phục hồi hệ sinh thái của những vạt rừng trên mọi miền Tổ quốc, mà còn làm bừng lên màu xanh cho mỗi góc phố, con đường, từng công sở, sân trường hay mỗi ngôi nhà nhỏ ở các khu đô thị và làng quê Việt Nam.

Để đất nước ngày càng xanh

Mỗi độ Xuân về, Tết trồng cây lại được tổ chức trên khắp cả nước, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, từ những người dân bình thường đến lãnh đạo ở cấp cao nhất.

Sáng 17/2 (mùng 6 Tết Tân Sửu), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cùng các lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội tiến hành trồng cây tại trung tâm Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, trong hoạt động đầu tiên nhân dịp đầu Xuân mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)


Trong Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sưu, tại tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là một chương trình vô cùng có ý nghĩa, như Bác Hồ của chúng ta đã từng chỉ rõ: “Việc này ít tốn kém mà lợi ích nhiều, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân.”

Nhớ lại thời điểm bộn bề khó khăn, thử thách của công cuộc kháng chiến đi đôi với kiến quốc, Bác Hồ của chúng ta đã trực tiếp phát động Tết trồng cây ngày 28/11/1959.

Và đón Xuân Tân Sửu năm nay, cả nước hưởng ứng Chương trình 1 tỷ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh.” Trong đó, Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, được kỳ vọng sẽ là địa phương về đích đầu tiên của chương trình này, tiếp tục phát huy truyền thống của vùng đất cách mạng.

Tại Lễ phát động Tết trồng cây ở phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành hỗ trợ tỉnh triển khai các chương trình, dự án, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống cây trồng rừng mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; trong thâm canh rừng trồng, chế biến gỗ.

Thủ tướng nhấn mạnh phải gắn việc trồng rừng, bảo vệ rừng với phát triển dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống và xây dựng nông thôn mới; phải làm sao người dân làm giàu từ rừng và Tuyên Quang trở thành địa phương điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước.

Những năm qua, Việt Nam đã phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng của thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, để lại hậu quả nặng nề. Bên cạnh đó, môi trường ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí, đang tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động, ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của con người cũng như các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở các đô thị lớn.

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra khá nhanh và sẽ còn tiếp tục gia tăng cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tạo sức ép lớn lên môi trường. Trong khi đó, hệ thống cây xanh công cộng cấp đô thị chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, tỷ lệ đất công viên cây xanh đô thị đạt rất thấp so với tiêu chuẩn.

Chính vì thế, lời căn dặn của Bác Hồ càng có ý nghĩa, khích lệ hàng triệu người dân Việt Nam tham gia hưởng ứng Tết trồng cây hằng năm, hình thành một truyền thống tốt đẹp.

Mỗi độ Xuân về, các ngành, các cấp, đơn vị, trường học từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước lại tích cực trồng cây, gây rừng với nhiều chủng loại cây hữu ích, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, mang lại màu xanh cho đất nước.

Tết trồng cây góp phần nâng cao ý thức và hành vi của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: "Mỗi cây trồng là một ước mơ, niềm tin và hy vọng mà nhân dân vun đắp, gửi gắm. Chúng ta trồng cây xanh để thúc đẩy quốc kế dân sinh, cũng là kế tục sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trồng và bảo vệ cây xanh là một trong những việc làm hết sức thiết thực để phát triển bền vững".

Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12376/202102/net-dep-tet-trong-cay-mang-lai-mau-xanh-cho-dat-nuoc-5725377/