Nét đẹp tết Trung thu

Rằm tháng Tám âm lịch là thời điểm Mặt Trăng tròn nhất và sáng nhất. Đây cũng là thời gian người nông dân Châu Á thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu nghỉ ngơi, tổ chức lễ hội, trong đó tiêu biểu nhất là lễ hội trăng rằm, hay còn gọi lễ tế thần Mặt Trăng.

Trung thu trong sử sách

Đêm Trung thu, khi trăng rằm tỏa sáng là lễ tế thần Mặt Trăng bắt đầu. Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng, cả gia đình đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng ngắm ánh trăng trong bầu không khí ấm áp của thiên nhiên và của tình cảm gia đình.

Ở Việt Nam, ghi chép thành văn sớm nhất về tết Trung thu là trên văn bia chùa Đọi. Theo đó, từ đời nhà Lý, tết Trung thu đã có ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Sử cũ ghi lại, bia Sùng Thiện Diên Linh (tên thường gọi là bia chùa Đọi) được dựng vào ngày mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121), do đích thân vua Lý Nhân Tông chỉ đạo tạo tác và ngự đề. Văn bia có đoạn: “Đức ngọc hoàng tinh về nghệ thuật kỳ diệu, nay thời đức vua rộng trông tài nghệ vậy. Mượn cảnh trong trẻo tiết Trung thu, lúc muôn việc nhàn hạ, giãi lòng hiếu thảo, đem bày ở đền. Vua lại lấy sáng mồng ba mở rộng nghi trượng xa giá, cưỡi xe báu ra ngoài chín lần cửa, lên kiệu vàng đi vào giờ hoàng đạo. Quạt bằng lông trĩ che hai bên. Võng bằng bạc bao quanh bốn phía. Về nơi bãi biếc trường Dật, ngự điện báu Linh Quang. Ngàn con thuyền bơi giữa dòng nhanh như chớp; muôn tiếng trống khua hòa với tiếng nước dâng ầm ầm như sấm động...” (Bản dịch của Tô Sanh)

Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục” cho biết: “Dân ta thế kỷ XIX, ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng trăng. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sặc sỡ, xanh đỏ, trắng và vàng. Con gái ở phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa, nặn bột làm con tôm, con cá voi...”. Cũng theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân vào dịp tết Trung thu có từ đời Tây Sơn và người bày trò là Nguyễn Huệ: “Nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân”.

Tác phẩm "Trung thu về với trẻ em vùng cao" của Nguyễn Trung Kỳ.

Tác phẩm "Trung thu về với trẻ em vùng cao" của Nguyễn Trung Kỳ.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong tập “Nhớ và ghi về Hà Nội” cho biết vì sao tết Trung Thu trở thành tết trẻ con, từ Hà Nội rồi lan ra cả nước: “Múa sư tử và múa rồng thì là trò chơi của người lớn. Các đầu sư tử lớn, rồng rất nhiều khúc, múa nhiều điệu rất khéo. Nhưng một dạo, từng tụi du côn nhân rước sư tử, rước rồng để tranh nhau giải, mà đánh nhau rất hăng. Rồi tụi du côn ở ngõ Sầm Công (phố Đào Duy Từ ngày nay) thù nhau với tụi du côn ở ngõ Tạm Thương chẳng hạn, họ chờ đến tết Trung thu, đi múa sư tử thì đánh nhau. Trong xe bò chở trống và thanh la, họ để sẵn xà beng, các khí giới. Nhiều cuộc đánh nhau thành án mạng. Vì thế, Tây cấm người lớn múa sư tử. Tết Trung thu chỉ cho trẻ con chơi, Tết ấy trở thành Tết trẻ con”.

Trở về với Quảng Ngãi và chuyện tết Trung thu. Ông Từ Quang Tuấn, người lo khói hương ở chùa Ông, ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho biết, các bậc cao niên kể lại rằng, thời xa xưa, tết Trung thu là một trong những dịp phố cổ trở nên rộn ràng, trẻ con, người lớn vui chơi sôi nổi, nhà nhà sum họp, vui vầy. Người ta lo lễ cúng ông bà, tổ tiên, rồi vui chơi như ngâm thơ thưởng nguyệt, múa rồng, múa sư tử, rước đèn kéo quân, đèn ông sao; ăn bánh dẻo, bánh mặt trăng... Trước đó nhiều tháng, những người chuyên làm trống, làm đầu rồng, đầu sư tử, lồng đèn đã vào thời gian nhộn nhịp nhất trong năm. Công việc làm ăn của họ có thu nhập khá, nhiều nghệ nhân ở Thu Xà làm được những đầu lân, đầu rồng tinh xảo, không thua kém những nghệ nhân ở Hội An (Quảng Nam), Chợ Lớn (TP.Hồ Chí Minh)... Nghệ nhân Trần Thanh Tùng, quê ở Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, người vừa tham gia trình diễn và hướng dẫn các cháu thiếu nhi, học sinh làm đầu lân, lồng đèn ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vừa qua là người cuối cùng còn lại của một thế hệ nghệ nhân tài hoa những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Từ Thu Xà, múa rồng, múa lân lan ra khắp miền quê Quảng Ngãi. Đèn lồng, đèn ngôi sao năm cánh, đèn bánh ú, nối nhau trong đêm rước đèn Trung thu. Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, những đội múa lân sư rồng rộn ràng khắp làng quê, phố thị.

Tết Trung thu trong ý niệm của nhiều người là tết trông trăng, một dịp vui chơi của trẻ con. Ngày trước, trước rằm tháng Tám, nhà nào cũng lo vót tre làm khung, mua giấy màu, giấy bóng làm cho con cháu những chiếc đèn ông sao, đèn bánh ú, đèn cá chép... Người khéo tay thì làm đèn kéo quân. Đến đêm rằm tháng Tám cho con cháu rước đèn, xem múa lân, ăn bánh trung thu, bánh dẻo.
Nhắc đến tết Trung thu lại nhớ đến những bức thư, những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho các cháu thiếu nhi Việt Nam với những dòng chữ giản dị, trong sáng mà gần gũi, tin yêu, chứa chan niềm hy vọng vào thế hệ tương lai đất nước: “Bác mong các cháu chăm ngoan”/ Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng/ Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam” (Trung thu 1946).

Nhớ những mùa trăng tuổi thơ

Tôi luôn nhớ những ngày Trung thu ấu thơ. Với lũ trẻ của vùng quê nghèo ngày ấy, tết Trung thu cực kì đặc biệt. Đó là ngày hội của lũ trẻ, là niềm háo hức, mong chờ từng phút từng giờ. Độ ngày 12, 13 tháng Tám âm lịch không hẹn mà gặp cả lũ rủ nhau chuẩn bị làm đèn. Chúng tôi tập hợp lại một nhà người nào đó, thường là nhà của đứa làm đèn “siêu đẳng”. Đứa này học đứa kia cứ thế tự mày mò và lắp ghép, cuối cùng cũng ra được một chiếc đèn hoàn chỉnh. Không khí chuẩn bị làm đèn thật nhộn nhịp. Góc bên kia đứa thì chẻ nan tre, chỗ này lại thấy đứa khác cắt cắt dán dán trông rất khí thế.

Đèn ông sao chỉ cần buộc, cột, neo lại các mấu nối, mặc cho chúng lớp giấy bóng là xong. Đèn kéo quân thì được làm bằng bìa các tông, thêm bàn tay khéo léo gấp thẳng thớm. Đèn quả trám làm bằng những lon bia, mấy đứa con trai mạnh tay dùng kéo cắt dọc thân lon, đập dập, dùng dây dù xuyên qua...

Tuy được xem hình mẫu trước để làm nhưng khi qua tay của những “nghệ nhân” nghiệp dư thì lại thành những hình thù khác lạ, thậm chí là... kỳ dị. Đứa này nhìn sản phẩm của đứa khác, và ngược lại rồi cười phá lên vang làng vang xóm. Tuy vậy, niềm vui cầm được đèn trong tay vẫn sung sướng biết nhường nào.

Rộn ràng tết Trung thu. Ảnh: THIÊN HẬU

Rộn ràng tết Trung thu. Ảnh: THIÊN HẬU

Và rồi, “ngày trọng đại” cũng đến. Từ đầu giờ chiều của đêm trăng rằm, lũ trẻ con bắt đầu đi từng nhà để “quyên góp” cho mâm cỗ buổi tối. Đứa góp na, đứa góp hồng, đứa góp mấy viên kẹo chanh nhỏ tí xíu. Tuyệt nhiên chẳng có so bì, thiệt hơn mà dường như ai có gì thì góp nấy. Hồi đó chúng tôi cũng chẳng biết bánh nướng, bánh dẻo là như thế nào. Thế nên mâm cỗ toàn là “cây nhà lá vườn”.

Đêm trăng rằm đúng nghĩa dành cho lũ trẻ, không một người lớn nào tham gia. Có chăng một vài anh chị phụ trách Đội đứng ra tổ chức cho đêm trăng được “quy củ” và ấm cúng hơn. Khi bóng tối bắt đầu buông xuống, lũ trẻ chúng tôi ăn vội cơm rồi nhanh chóng cầm đèn tỏa ra khắp đường làng. Đây cũng là lúc để chúng tôi “trưng khoe” sản phẩm. Vừa cầm đèn lũ trẻ vừa nghêu ngao hát những khúc đồng dao: “Này ông Trăng ơi/ Xuống đây mà chơi/ Có nồi cơm nếp/ Có tệp bánh chưng/ Có lưng hũ rượu/ Thằng Khướu đánh đu/ Thằng Cu gỡ chài/ Cái Hai mang giỏ/ Mẹ Đỏ bế em/ Đi xem đánh cá/ Cậu mợ ở nhà/ Lấy lược chải đầu/ Con trâu cày ruộng/ Cái muống thả ao...”.

Rước đèn khắp một lượt đường làng rồi về tập trung tại sân kho ngồi chung ăn uống đồ lúc chiều đã quyên góp. Đứa nào đứa nấy đều cười tươi mãn nguyện dưới ánh trăng sáng lung linh. Khoảnh khắc đó thật tuyệt vời, đến độ tôi cứ mong ánh trăng đêm Trung thu cứ mãi kéo dài như thế! Để rồi, khi nhắm mắt lại tôi vẫn mơ thấy mình đang thưởng thức hoa quả và ngắm trăng cùng mọi người. Thấm thoắt vậy mà đã hơn hai mươi năm trôi qua. Lũ trẻ ngày ấy giờ đây đã trưởng thành, có người đã trở thành những ông bố, bà mẹ. Những mùa trăng tuổi thơ vẫn luôn hiển hiện trong ký ức. Ngày tháng của trẻ con đợi chờ mùa trăng hồn nhiên trong trẻo đến lạ kỳ!

HỒNG KHÁNH - MAI HOÀNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202409/net-dep-tet-trung-thu-c8a1b2a/