Nét đẹp thiếu nữ Cor trong trang phục truyền thống
Trong một chuyến công tác về xã miền núi Trà Kót của huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đúng vào dịp người dân trong làng đang tất bật chuẩn bị cho lễ hội cầu mưa, chúng tôi may mắn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp xuân thì, sự dịu dàng, uyển chuyển của những thiếu nữ Cor trong trang phục truyền thống.
Người Cor còn có tên gọi Co, Trầu, Cùa với địa bàn sinh sống chủ yếu ở các huyện Trà Bồng, Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, một số sống ở tỉnh Kon Tum. Tại tỉnh Quảng Nam, người Cor phân bố khá tập trung ở 2 xã Trà Kót, Trà Nú và một số ở xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My); cùng với một số ít hộ sinh sống ở xã Tiên Lập (huyện Tiên Phước), xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) và các xã Tam Sơn, Tam Trà (huyện Núi Thành)...
Theo Tiến sĩ Trần Tấn Vịnh - nhà nghiên cứu dân tộc học ở Quảng Nam thì trang phục truyền thống của người Cor thể hiện ý thức, tình cảm của mối quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên. Nó được tiếp nối từ đời này qua đời khác và được đúc kết từ cuộc sống hằng này, từ lao động sản xuất và bản sắc riêng mang đặc trưng văn hóa truyền thống của cộng đồng. Đặc biệt, trang phục của thiếu nữ Cor thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ, tôn vinh được nét xuân thì của những người con gái Cor nơi núi rừng hùng vĩ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi và qua tư liệu điền dã dân tộc học, trang phục truyền thống của phụ nữ Cor nói chung gồm váy, áo, dây thắt lưng. Váy của thiếu nữ Cor là một tấm vải thổ cẩm có màu chàm đen, khi dệt xong được khâu lại thành dạng hình ống. Tùy vào từng lứa tuổi mà phần chân váy được thêu thêm nhiều tua màu sặc sỡ. Và khi mặc, thiếu nữ Cor dùng dây thắt lưng nhiều màu sắc quấn vào để cho váy khỏi bị tuột. Mặc cùng với váy là áo cộc tay màu trắng bạc. 2 tấm vải áo được dệt rời nhau rồi họ dùng chỉ khâu lại với nhau dạng chui đầu và xẻ cổ. Dọc theo thân áo là những đường viền hoa văn rất đẹp. Đây là loại áo mà các thiếu nữ Cor rất thích mặc. Khi mặc, họ thắt dây quàng qua cổ và có dây thắt lưng.
Đồ trang sức đi kèm với trang phục truyền thống là những chuỗi dây cườm nhiều màu sắc như trắng, đen, nâu, đỏ, xanh, vàng... Đây được xem là một trong những đặc điểm nổi bật tô điểm thêm vẻ đẹp của thiếu nữ Cor. Cườm có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau được xâu thành chuỗi quấn nhiều vòng quanh qua trán, quanh cổ tay, cổ chân và hông. Đặc biệt, những thiếu nữ Cor rất chăm chút cho những chuỗi cườm ở hông nhằm tôn lên đường cong quyến rũ của cơ thể người thiếu nữ.
Trang phục truyền thống của thiếu nữ Cor không chỉ được dùng trong những dịp lễ hội, mà còn được dùng trong cuộc sống hằng ngày nhờ sự thoải mái và hài hòa với môi trường thiên nhiên. Chị Hồ Thị Lan, 27 tuổi, người dân tộc Cor, trú tại xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My cho biết: “Em rất thích mặc trang phục của đồng bào mình vì nó rất đẹp và thoải mái trong việc đi lại cũng như tham gia các hoạt động. Ngày nay, những thiếu nữ trẻ người Cor thích mặc trang phục truyền thống vì không những làm tôn thêm vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của người con gái, mà còn góp phần vào việc giữ gìn nét truyền thống lâu đời của tổ tiên để lại và bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa của người Cor”.
Điều đặc biệt, trang phục truyền thống của người Cor nói chung và của thiếu nữ Cor nói riêng không phải do người Cor tự dệt nên. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi được biết, người Cor không có nghề dệt vải truyền thống như những dân tộc khác. Các già làng người Cor ở Trà Kót cho biết, vải để may trang phục truyền thống và đồ may mặc của người Cor đều mua ở nơi khác, phần lớn là mua của người Kinh và người Xơ Đăng. Tuy nhiên, trang phục của người Cor vẫn thể hiện được nét văn hóa đặc sắc riêng, mang hơi thở của cuộc sống, gần gũi với thiên nhiên và hàm chứa những giá trị sáng tạo, tính thẩm mỹ và nhân văn. Những bản sắc văn hóa bản địa riêng biệt nói chung và trang phục của người Cor nói riêng vẫn được các thế hệ, nhất là giới trẻ có ý thức bảo tồn, gìn giữ một cách trang trọng, đặc biệt là trong các dịp lễ hội của làng, các dịp giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Và những bản sắc văn hóa đó đã và đang góp phần vào kho tàng văn hóa đa dạng và phong phú trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên cả nước.
Có dịp về vùng cao của xã Trà Kót, được nghe tiếng đàn đá, tiếng kèn amáp rộn rã, vi vu ngân lên hòa với tiếng của gió ngàn giữa núi rừng hoang sơ, được ngắm những thiếu nữ Cor trong bộ trang phục truyền thống uyển chuyển, nhịp nhàng trong điệu múa ka-đấu dưới chân ngọn núi Răng Cưa, mọi mệt nhọc của chuyến đường xa dường không còn nữa mà thay vào đó là cảm giác xao xuyến, vấn vương, thương nhớ...