Nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu ở xứ Thanh
Xứ Thanh từ xưa tới nay là một trong những miền đất in dấu ấn sâu đậm của Đạo Mẫu. Với người dân xứ Thanh, tín ngưỡng thờ Mẫu là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Phủ Na (Như Thanh) - một trong những nơi thờ Mẫu lớn của tỉnh, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến dâng hương, chiêm bái.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (trời, đất, sông nước, rừng cây...) và còn thờ những người phụ nữ tài giỏi hơn người, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho nhân khang, vật thịnh.
Nếu phủ Giầy (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là nơi phát tích của Mẫu Liễu Hạnh thì đền Sòng, phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) là nơi Liễu Hạnh giáng trần và quy y Phật. Sòng Sơn là một trong số ít đền thờ Mẫu linh thiêng, thu hút đông đảo người dân trong Nam, ngoài Bắc và cả Việt kiều quanh năm tới chiêm bái, ghi ơn Thánh mẫu Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Cùng với đền Sòng nổi tiếng, đền Phố Cát (Thạch Thành), phủ Na (Như Thanh) cũng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, xuân thu nhị kỳ thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tới chiêm bái.
Với người dân xứ Thanh, Cô Bơ Bông là một thánh cô nổi tiếng trong tứ phủ thánh cô. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Cô Bơ Thoải (Mẫu Thoải thủy cung) được thờ ở nhiều nơi trong cả nước nhưng địa danh đền Cô Bơ (xã Hà Sơn, Hà Trung) là nơi phát tích: “Đệ nhất Thượng Thiên/ Đệ nhị Thượng Ngàn/ Đệ tam Thoải Phủ”. Cô Bơ Thoải được miêu tả là người tài sắc vẹn toàn: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Sông bao nhiêu nước thương người bấy nhiêu/ Nhớ xưa tích cũ Lê triều/ Có Cô Bơ Thoải mỹ miều thanh tân”. Trong dân gian lưu truyền nhiều huyền tích về Cô Bơ Bông. Có tài liệu cho rằng cô là con gái vua Thủy Tề dưới thủy cung. Cũng có tài liệu ghi chép rằng, cô là con gái của Long Vương, hầu cận cho Đức Vương Mẫu, giáng sinh xuống trần phổ độ chúng sinh, giúp người giúp đời”. Cô Bơ Bông không chỉ có công phò vua, giúp nước, mà còn giúp dân “phong điều vũ thuận”. Công đức của cô được người dân lưu truyền: “Lê triều sắc tặng gia ban/ Anh hùng thục nữ trung can muôn đời”.
Cô Bơ là một trong những vị thánh cô trong hệ thống Tứ phủ thánh cô Việt Nam. Khi cô ngự đồng thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng, cầm đôi mái chèo, khoác thêm trên mình chiếc áo choàng trắng... Người ta vẫn thường truyền tai nhau rằng: Người có căn Cô Bơ thì đừng mơ hạnh phúc. Có lẽ, vì câu nói ấy mà khi về với đền Cô Bơ, hình ảnh những thanh đồng lộng lẫy trong áo gấm, hài cườm, rộn ràng theo tiếng hát văn vẫn khiến người xem không khỏi động lòng rưng rưng.
Bàn về tín ngưỡng thờ Mẫu, một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Tục thờ Mẫu là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt nói chung và người dân Thanh Hóa nói riêng. Tục thờ này khởi đầu từ thời kỳ mẫu hệ. Trong điện thờ Mẫu thường xuất hiện ba pho tượng: một thần nữ mặc áo xanh tượng trưng cho mẹ trời, một thần nữ mặc áo vàng tượng trưng cho mẹ đất, một thần nữ mặc áo trắng tượng trưng cho mẹ nước. Trời, đất và nước là nguồn gốc của sự sống. Từ thuở sơ khai, sống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, con người tôn vinh rừng cây như một vị thần hộ mệnh. Tới khi rời núi rừng, con người lại men theo các khe suối lớn để săn bắt cá, tiến ra dòng sông và tràn xuống đồng bằng, biết dựa vào sông nước, đất đai để tỉa lúa, trồng ngô chủ động nguồn lương thực. Nương tựa và tri ân các đối tượng liên quan đến đời sống, người xưa đã tôn vinh tự nhiên và thành kính gọi các đối tượng đó là mẫu, là mẹ.
Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này một lần nữa khẳng định những giá trị không thể phủ nhận của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống của người Việt. Những giá trị văn hóa nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là không thể phủ nhận, nhưng thực tế cho thấy, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ thời gian qua còn nhiều hạn chế, thậm chí khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, tạo ra những hệ lụy không tốt trong xã hội.
Là người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, thanh đồng Nguyễn Thị Lề ở huyện Đông Sơn, cho biết: Một số đền, miếu, am thờ, thờ những nhân thần có công với dân, với nước, nhưng đã biến thành thờ tứ phủ. Điều đó làm biến dạng văn hóa thờ tự nguyên bản ở các di tích. Bên cạnh đó, trang phục hầu Thánh ngày nay có phần bị sai lệch, làm mai một lối trang phục truyền thống cũng như trang phục đặc thù của từng giá đồng, thậm chí còn trở thành phản cảm. Ngoài ra, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở một số nơi còn khá tùy tiện, không chỉ diễn ra ở đền, phủ thờ Mẫu, mà thậm chí còn diễn ra cả ở đình thờ thành hoàng, thờ danh nhân, nơi chùa thờ Phật...
Có thể nói, tín ngưỡng thờ Mẫu cho đến nay đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của người Việt nói chung, người dân xứ Thanh nói riêng. Tuy nhiên, để tín ngưỡng thờ Mẫu thực sự trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là hoạt động giao lưu hầu đồng. Cùng với đó, định hướng cho người dân nhận thức đúng, thực hành đúng nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, hạn chế những biến tướng xấu trong xã hội; khuyến khích những nghệ nhân hát chầu văn truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, cần xử lý thật nghiêm những biểu hiện lệch lạc, lợi dụng tín ngưỡng thờ Mẫu để trục lợi, tuyên truyền yếu tố mê tín dị đoan...