Nét đẹp truyền thống qua trang phục của người phụ nữ dân tộc Thái
Trong cộng đồng dân tộc Thái nói chung, ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) nói riêng, trang phục thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng và có từ lâu đời. Qua những đôi tay khéo léo, cần cù của những người phụ nữ Thái đã tạo ra những sản phẩm tinh hoa mang hồn cốt văn hóa dân tộc.
Sắc màu thổ cẩm dân tộc Thái
Cứ thành thông lệ, cứ mỗi dịp lễ, hội của bản làng, chị Lữ Ánh Tuyết (ở bản Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) lại chuẩn bị cho mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đi chơi, tham dự.
Chị Tuyết cho hay: Từ xưa, người Thái trong ngày Tết, ngày lễ, hội có phong tục mặc trang phục truyền thống, cho đến bây giờ phong tục đó đã ăn sâu vào “nhịp thở” của người dân và được lưu giữ muôn đời. Không chỉ riêng chị Tuyết, mà hầu hết chị em phụ nữ Thái ở huyện Anh Sơn đều giữ được thói quen mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong những dịp lễ, Tết.
Bà Lương Thị Phài, một trong những người phụ nữ nhiều tuổi ở bản Cẩm Hòa (xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn) cho biết, trang phục truyền thống của những người phụ nữ Thái được dệt thủ công, tuy đơn giản nhưng duyên dáng và thanh lịch, tôn lên vẻ đẹp chân chất của miền sơn cước. Với gam màu chủ đạo tươi sáng, rực rỡ, đường nét hoa văn đa dạng làm từ nguyên liệu tự nhiên là sợi tơ tằm và thổ cẩm đã tạo nên những bộ trang phục dân tộc giàu bản sắc.
Ở miền Tây Nghệ An có hai nhóm người Thái là Thái dòng Tày Mường (Thái Trắng) và dòng Tày Thanh (Thái Đen). Riêng ở huyện Anh Sơn thì chủ yếu là Thái Đen.
Một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Thái ở huyện Anh Sơn gồm: Áo cóm (xửa cóm); Váy (xính); Thắt lưng (xai énh); Khăn Piêu (khăn piêu). Xà cạp (hua xính) và các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay.
Có thể nói nhắc đến trang phục phụ nữ dân tộc Thái là nhắc đến chiếc áo cóm (xửa cóm), là chiếc áo cánh ngắn, bó sát thân người, áo được may bằng nhiều loại vải, với nhiều màu sắc khác nhau như trắng, xanh, hồng… phía trước áo được trang trí hai hàng cúc hình con bướm hoặc hình hoa, có ý nghĩa nhân sinh tinh tế, tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, sự hài hòa âm dương.
Ngoài ra, một thứ không thể thiếu khi nói về bộ trang phục nữ Thái đó là chiếc khăn Piêu. Những chiếc khăn thêu khổ lớn có thể rộng cỡ 2 gang tay, dài khoảng 1,5m, khổ nhỏ hơn thì dài khoảng 1m, rộng 1 gang tay. Chiếc khăn Piêu không chỉ có ấn tượng về màu sắc sặc sỡ mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ linh hồn cho người đội khăn; là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, khéo léo và phẩm hạnh một người phụ nữ.
Còn trong đời sống tình cảm của người Thái, chiếc khăn Piêu là minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa, có tác dụng che đầu khi nắng gió, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh; là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay dự lễ hội.
Đi kèm với áo cóm, khăn Piêu là váy (Xính), được tạo bởi hai mảnh vải thổ cẩm ghép lại thành hai phần gồm thân váy và chân váy. Thân váy là một tấm thổ cẩm nhuộm chàm đen, chân váy là một tấm thổ cẩm được trang trí hoa văn rất sặc sỡ. Chiều dài của váy theo chiều cao của người mặc, khổ váy rộng từ 170cm đến 220cm. Mỗi bước đi, chân váy thấp thoáng màu sắc, lượn sóng kín đáo mà duyên dáng.
Một bộ trang phục được gọi là hoàn hảo phải có thêm dải thắt lưng (xai énh), là bộ phận không thể thiếu được trong bộ nữ phục người Thái. Thắt lưng thường có chiều dài hơn 2m. Dây thắt lưng làm bằng sợi, để màu trắng tự nhiên của sợi hoặc nhuộm màu. Nó không chỉ là dải vải để thắt giữ chỗ cạp váy, mà còn là điểm tạo dáng thắt đáy lưng ong của các bà, các chị. Ngoài ra, phụ nữ Thái rất thích đeo các đồ trang sức, như: Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, xà tích và cả cúc bạc.
Bà Lương Thị Hương ở bản Bộng (xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn), một trong những người am hiểu về trang phục phụ nữ Thái chia sẻ: Đã từ lâu, những sản phẩm thổ cẩm của người Thái là niềm tự hào qua bao thế hệ. Người Thái rất tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình, vì vậy bà con luôn gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống đó. Từ màu sắc, nguyên liệu cho đến các họa tiết và hình thái sản phẩm đều có nét độc đáo, rất đa dạng, sử dụng rất nhiều màu sắc, hoa văn tinh xảo, hài hòa.
Trên mỗi trang phục đều có màu xanh của cây lá, màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh mặt trời trên núi. Qua bàn tay của người phụ nữ Thái, chúng được kết hợp khéo léo, cân đối, toát lên tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống. Hoa văn được thêu dệt trên trang phục của người Thái là các hình thái về thiên nhiên như chim muông, cỏ cây, hoa, lá, các hình khối, được kết hợp tinh tế thể hiện mối quan hệ bền chặt của con người với thiên nhiên, mang đậm bản sắc riêng của dân tộc Thái.
Ở mỗi độ tuổi, người phụ nữ lại khéo léo kết hợp các màu sắc với nhau để tạo ra những tấm vải thổ cẩm phù hợp. Nếu là cô gái Thái đang tuổi hẹn hò, yêu đương thì luôn chọn thổ cẩm gam màu sáng, thêu những hoa văn uốn lượn, bay bổng, thơ mộng, cuốn hút. Còn với các thế hệ bà, mẹ lớn tuổi thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét rắn rỏi và có sự chiêm nghiệm về cuộc sống.
Những đôi tay giữ nghề
Ðiểm đặc của các trang phục thổ cẩm truyền thống dân tộc Thái là chúng được làm ra từ chính đôi bàn tay của những người phụ nữ đảm đang, khéo léo. Họ chịu thương chịu khó, làm tất cả các khâu từ trồng dâu nuôi tằm, bật bông, xe sợi, dệt vải và thêu thùa thành sản phẩm. Trước đây khắp các bản làng người Thái, khi đến đâu cũng cảm nhận âm điệu nhịp nhàng của tiếng thoi đưa và bắt gặp hình ảnh người phụ nữ chăm chỉ dệt vải bên khung cửi. Theo thời gian và sự phong phú của các sản phẩm may mặc thời kinh tế thị trường thì nghề dệt, thêu thổ cẩm trang phục Thái đã dần mai một. Khôi phục, giữ nghề và phát triển nghề, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa đang là hướng đi của chị em phụ nữ Thái ở nhiều bản làng huyện Anh Sơn.
Từ trung tâm xã Thành Sơn, ngược dòng sông Con đến với bản Bộng, nơi đây được coi là một vùng văn hóa đậm đà bản sắc của huyện Anh Sơn và là một trong những bản đang duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề, 5 năm nay các chị em đã liên kết thành lập CLB dệt thổ cẩm dân tộc Thái, CLB tựa như “ngôi nhà chung” để chị em cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết làm nghề, hăng say lao động cải thiện kinh tế gia đình.
Miệt mài bên khung cửi, đôi bàn tay thoăn thoắt theo nhịp thoi đưa, đôi chân chuyển đều theo guồng sợi, chị Lô Thị Nga ở bản Bộng tâm sự: Với mong muốn giữ lại nghề truyền thống, sau những ngày mùa màng bận rộn, chị lại dành thời gian ngồi vào chiếc khung cửi để học dệt.
Lật dở từng chiếc khăn Piêu, chiếc váy do chị em trong CLB dệt, chị Nga cho biết, các chị em đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm để mặc vào những ngày lễ hội, ngày Tết cổ truyền. Chị em cũng phấn khởi hơn bởi giờ đây nó không chỉ là khôi phục lại nghề truyền thống, mà còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống.
Chị Lương Thị Hảo, Chủ tịch hội LHPN xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn cho hay: Hội phụ nữ xã Thành Sơn hiện có gần 600 hội viên thì có đến gần 60% là hội viên dân tộc thiểu số. Xuất phát từ thực tế hầu hết chị em phụ nữ ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào thời vụ, lúc nông nhàn thì chị em có nhiều thời gian rảnh rỗi, cùng với muốn gìn giữ nghề truyền thống, Hội LHPN xã Thành Sơn phối hợp với hội LHPN huyện Anh Sơn và Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho hơn 60 chị em phụ nữ dân tộc Thái trong xã và thành lập CLB dệt thổ cẩm với hơn 30 thành viên.
Hiện nay toàn xã có hơn 10 khung dệt, là sản phẩm thủ công do vậy những mặt hàng do các chị làm ra đều rất đắt hàng, ngoài mục đích khôi phục lại nghề truyền thống còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống, nhiều chị có thu nhập ổn định từ 500.000- 1 triệu đồng/tháng.
Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Trải qua nhiều thế kỷ, nét đẹp văn hóa về trang phục truyền thống dân tộc Thái vẫn luôn được lưu truyền. Để phát triển giá trị văn hóa từ trang phục của đồng bào dân tộc thái trên địa bàn, Phòng VHTT&TT huyện đã thường xuyên phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa liên quan đến nghề thủ công, nghệ thuật thêu hoa văn trang phục truyền thống của đồng bào người Thái.
Ngoài ra, tổ chức mặc trang phục truyền thống tại các trường học, các cơ quan, đơn vị có đồng bào dân tộc Thái trong các ngày lễ, Tết, liên hoan văn hóa các dân tộc, từ đó gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc Thái trên địa bàn.
Hình ảnh người phụ nữ Thái mặc váy đen, áo cóm đã thướt tha, duyên dáng, lại kết hợp chiếc khăn Piêu đội đầu càng tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ. Dù xã hội ngày một phát triển, giao thoa nhiều trang phục, nhưng trang phục váy áo truyền thống của phụ nữ Thái vẫn được chị em trưng diện trong các ngày lễ Tết, ngày hội của bản, làng, như một nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình, góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong đời sống của cộng đồng các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ.