Nét đẹp văn hóa đầu năm đi lễ Mẫu

Khánh Hòa có di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar, nơi được xem là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na của người dân khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Và mỗi dịp đầu xuân năm mới, người dân lại thành tâm lên tháp lễ Mẫu như một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.

Người dân đi lễ Mẫu ở di tích Tháp Bà Ponagar trong sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ.

Người dân đi lễ Mẫu ở di tích Tháp Bà Ponagar trong sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ.

Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, nhiều người dân Khánh Hòa đã chọn Tháp Bà Ponagar làm điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân của bản thân và gia đình. Sáng mùng 1 Tết, chúng tôi đến Tháp Bà Ponagar từ rất sớm đã thấy có nhiều người dân thành kính nguyện cầu trước cửa những tòa tháp. Chia sẻ với chúng tôi, chị Võ Tú Giang (đường Tháp Bà, phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) cho biết: “Ngày đầu năm mới, gia đình tôi chọn đi lên tháp lễ Mẫu đầu tiên. Điều này đã được gia đình duy trì suốt 30 năm qua. Thành tâm dâng lên Mẫu nén nhang thơm vào buổi sáng đầu năm để nguyện cầu về những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình cảm thấy lòng thật an yên”.

Người dân đi lễ Mẫu ở di tích Tháp Bà Ponagar trong dịp đầu xuân.

Người dân đi lễ Mẫu ở di tích Tháp Bà Ponagar trong dịp đầu xuân.

Với người dân Khánh Hòa, hình ảnh Thiên Y A Na thánh Mẫu đã đi từ truyền thuyết vào đời sống với những giá trị nhân văn, tích cực. Bà được biết đến là người có công khai hóa cho dân, dạy dân biết trồng trọt, cấy cày, ươm tơ, dệt vải. Bà còn bảo vệ nhân dân thoát khỏi thiên tai, bão lụt, giặc cướp hoành hành. Chính vì thế, từ nhiều đời nay, người dân luôn thể hiện lòng biết ơn Thiên Y A Na thánh Mẫu với sự thành kính. Mỗi người khi vào tháp lễ Mẫu đều có chung tâm thế như người con về với mẹ nên họ không quá cầu kỳ trong lễ vật dâng Mẫu. Chính điều này đã hạn chế rất nhiều những biểu hiện tiêu cực mê tín dị đoan rất dễ xảy ra ở các cơ sở thờ tự mang tính tâm linh, tín ngưỡng. “Đi lễ Mẫu đầu năm là tìm về với sự bình yên trong cõi lòng mỗi người. Để từ đó, bản thân có dịp nhìn nhận lại những gì đã qua và sáng suốt hơn trong những lựa chọn về công việc, cuộc sống trong tương lai. Với người dân Khánh Hòa, việc đi lễ Mẫu thật tự nhiên và thường xuyên, nhưng vào ngày đầu năm vẫn mang đến chút cảm xúc đặc biệt hơn”, ông Nguyễn Xuân Soạn (đường 2 tháng 4, phường Vĩnh Phước) chia sẻ.

Đã thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhiều người dân Khánh Hòa, hoạt động lễ Mẫu thường được diễn ra quanh năm vào các ngày vía Bà hằng tháng, nhất là dịp Lễ hội Tháp Bà Ponagar từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch. Và việc lễ Mẫu không chỉ riêng có ở di tích Tháp Bà Ponagar mà còn được diễn ra ở Am Chúa (huyện Diên Khánh), cũng như trong nhiều đình, miếu, điện thờ trên địa bàn toàn tỉnh. Vậy nhưng, đi lễ Mẫu đầu xuân ở di tích Tháp Bà Ponagar vẫn là một điều gì đó thật đặc biệt. Điều đáng mừng là tiếp nối nét đẹp văn hóa này, nhiều bạn trẻ khi đi lễ Mẫu đã thể hiện được ý thức của mình. “Em thường theo mẹ đi lễ Mẫu ở Tháp Bà Ponagar vào dịp đầu năm mới. Đến đây, em dâng lên Mẫu nén nhang thơm, nguyện cầu cho bản thân gặp nhiều may mắn trong học tập, người thân trong gia đình có sức khỏe dồi dào”, em Nguyễn Thúy Ngân (đường Tôn Thất Tùng, phường Vĩnh Thọ, Nha Trang) cho biết.

Thiên Y A Na thánh Mẫu, vị phúc thần được người dân Khánh Hòa thành kính tôn thờ.

Thiên Y A Na thánh Mẫu, vị phúc thần được người dân Khánh Hòa thành kính tôn thờ.

Trong cuốn “Xứ Trầm Hương”, nhà thơ Quách Tấn viết về cảnh người dân Khánh Hòa đi lễ ở Tháp Bà Ponagar vào dịp đầu năm mới thật ấn tượng: “… Khí trời đang lạnh tự nhiên thấy ấm, một khí ấm đặc biệt, dìu dịu thưng thưng, trong trong lại mát mát. Lại phảng phất một mùi hương thanh thanh - hương trầm, hương kỳ nam từ trong rừng sâu đưa đến, hay hương nhang hương hoa… Tắm mình trong bầu không khí yên lặng, vừa ấm vừa mát, vừa trong vừa thơm du khách cảm thấy tâm cũng như thân tự nhiên thanh thản nhẹ. Bao nhiêu hận thù, bao nhiêu phiền não đều tan sạch…”. Cũng trong sách này, khi viết về niềm tin của người dân Khánh Hòa đối với Thiên Y A Na có đoạn: “Theo lòng tín ngưỡng của phần đông đồng bào Khánh Hòa thì Bà là hiện thân của trầm hương, kỳ nam… và là vị phúc thần phù hộ cho nhân dân sống được yên vui, no ấm… Các vua chúa thời trước phong tặng Bà là Thượng đẳng thần. Các quan tỉnh khi đến nhậm chức phải đến bái yết và mỗi năm phải đến tế vào dịp xuân…”. Quả thực, hoạt động lễ Mẫu đầu năm là nhu cầu tín ngưỡng tự nguyện của mỗi người đã được giữ gìn qua nhiều thế hệ và trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Khánh Hòa.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202502/net-dep-van-hoa-dau-nam-dile-mau-520306d/