Nét đẹp văn hóa những ngày đầu năm mới

Ngày mùng 2 tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời tiết trên địa bàn thành phố Lào Cai khá đẹp với tiết trời khô ráo và không quá lạnh, thuận lợi cho người dân đi du xuân, chúc tết. Tại các đền, chùa trên địa bàn thành phố Lào Cai, bầu không khí rộn ràng bởi nhiều gia đình rủ nhau đi lễ cầu an, cầu mong những điều may mắn, tốt lành cho gia đình.

Đông du khách đi lễ cầu an

Thành phố Lào Cai sáng mùng 2 tết, trên các tuyến đường của thành phố Lào Cai, đặc biệt là đường tới quần thể Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Thượng, ô tô, xe máy đi lại nhộn nhịp hơn hẳn. Ngay từ đêm giao thừa và ngày mùng 1 tết, dòng người đổ về các đền, chùa đi lễ đầu năm gồm có người dân trên địa bàn tỉnh và du khách bốn phương càng thêm đông.

Các phật tử dâng lễ cầu an đầu năm tại chùa Tân Bảo.

Các phật tử dâng lễ cầu an đầu năm tại chùa Tân Bảo.

Theo tín ngưỡng và cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam từ xưa, nhiều người quan niệm đầu năm mới đi chùa lễ Phật sẽ đem lại nhiều may mắn. Tại chùa Tân Bảo ngay phía dưới đền Thượng, nhiều phật tử và người dân khắp nơi đến đây chiêm bái, lễ Phật cầu an. Nét mặt ai cũng tươi vui, tâm trạng phấn khởi, rộn ràng.

Vừa dâng hương lễ Phật tại chùa Tân Bảo, chị Vũ Thị Minh Tâm, phường Cốc Lếu cho biết: Theo phong tục cổ truyền của người Việt Nam, mùng 1 tết gia đình tôi đi chúc tết ông bà, bố mẹ, sớm mùng 2 đến chùa Tân Bảo để lễ Phật, cầu mong cho quốc thái dân an, gia đình một năm sung túc, an khang, thịnh vượng. Năm nay dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nên tôi không lo lắng nhiều, tuy nhiên tôi và các thành viên trong gia đình vẫn phải cẩn thận đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh khi đến nơi đông người.

Nhiều người dân và du khách tham quan đền Thượng sáng mùng 2 tết.

Nhiều người dân và du khách tham quan đền Thượng sáng mùng 2 tết.

Không chỉ ở chùa Tân Bảo, mà ở các đền, lượng người đến đi lễ đầu năm cũng đông hơn hẳn ngày thường, đặc biệt là ở đền Thượng, đền Mẫu (phường Lào Cai), đền Đôi Cô (phường Bình Minh), nhiều người từ khắp nơi đến đây chiêm bái, dâng lễ cầu may. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã bị đẩy lùi, du lịch dần được khôi phục, từ những ngày đầu năm mới, nhiều du khách từ các tỉnh, thành đã đến với mảnh đất biên giới Lào Cai, loại hình du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách.

Tại đền Mẫu có nhiều du khách, người dân tới chiêm bái, dâng lễ đầu năm.

Tại đền Mẫu có nhiều du khách, người dân tới chiêm bái, dâng lễ đầu năm.

Dưới gốc đa di sản hàng trăm năm tuổi, anh Phạm Văn Hùng, du khách từ Hà Nội lên đền Thượng dâng lễ đầu năm chia sẻ: Từ lâu tôi đã biết đền Thượng là ngôi đền rất linh thiêng thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người có công diệt giặc, giữ yên bờ cõi nước ta, nên đầu năm mới tôi đưa gia đình đến dâng lễ tại đây, cầu mong năm mới dồi dào sức khỏe, vạn sự hanh thông. Đi lễ đền, chùa đầu năm mới giúp tôi cảm thấy tâm hồn thư thái, bản thân như được tiếp thêm năng lượng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp để bắt đầu mọi công việc.

Đầu năm xin chữ cầu may

Cùng với đi lễ đền, chùa cầu mong bình an và những điều tốt đẹp trong năm mới, tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Thượng, nhiều người dân và du khách cũng nô nức xin chữ đầu năm thể hiện truyền thống hiếu học và ước mong những điều tốt đẹp gửi qua từng nét chữ tươi tắn đầu xuân.

Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa mỗi dịp xuân về.

Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa mỗi dịp xuân về.

Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa thể hiện truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc ta đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Theo phong tục xưa, đầu năm mới, người đi “xin chữ” phải sắm lễ cau trầu, chè thuốc cho thầy để xin những nét chữ đẹp về treo trang trọng trong nhà cầu mong những điều tốt đẹp. Người “cho chữ” thường là những nhà nho, thầy đồ, thầy giáo có tài viết chữ đẹp, văn hay chữ tốt, học rộng hiểu nhiều, giàu tâm đức và được nhiều người kính nể. Vì thế, những con chữ được những bậc hiền tài viết ra rất đáng quý trọng, được coi là “nhất tự thiên kim” (một chữ đáng ngàn vàng).

Chị Nguyễn Minh Đức ở phường Kim Tân xin chữ “ Bình an” đầu năm mới.

Chị Nguyễn Minh Đức ở phường Kim Tân xin chữ “ Bình an” đầu năm mới.

Ngày nay, khi nghệ thuật thư pháp đã dần trở thành một nét văn hóa phổ biến, việc “xin chữ”, “cho chữ” lan tỏa rộng rãi hơn. Từ nhiều năm nay, ai đến thăm đền Thượng vào ngày đầu năm mới đều ấn tượng bởi hình ảnh hai “ông đồ” với ao the, khăn xếp truyền thống bày mực tàu, giấy đỏ, câu đối phục vụ người dân và du khách có nhu cầu xin chữ. Quán chữ nhỏ nhưng không gian ấm áp, tươi mới, trang trọng luôn thu hút nhiều người đến tham quan, xem ông đồ viết chữ và xin chữ cầu may.

Chị Nguyễn Minh Đức bày tỏ niềm vui khi cầm trên tay bức tranh còn thơm mùi mực với những nét chữ tươi mới, mềm mại trên nền giấy đỏ thắm: Tôi xin chữ “Bình an” với mong muốn năm mới bản thân và gia đình đều bình an, ngập tràn hạnh phúc, niềm vui, tiếng cười. Chữ "Bình an" với đôi câu đối nhỏ “Gia đình vạn sự bình an; Tài vô lộc tới phúc duyên tràn đầy” tôi sẽ treo ở phòng khách để mọi người đến nhà chơi cùng uống trà, ngắm chữ trong những ngày đầu xuân.

Cháu Thảo My rất vui vì được "ông đồ” viết cho chữ “ Trí”.

Cháu Thảo My rất vui vì được "ông đồ” viết cho chữ “ Trí”.

Ngồi đợi “ông đồ” viết cho con gái Thảo My chữ “Trí”, chị Thảo Anh ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai nói: Đầu xuân năm mới, tôi nhờ thầy viết cho cháu chữ “Trí” với mong muốn con gái thông minh, học giỏi, sau này trở thành người thành đạt, cống hiến trí tuệ cho xã hội, cho đất nước.

“Ông đồ” Nguyễn Viết Hải, 65 tuổi, người đã có trên 10 năm viết chữ dưới chân đền Thượng cho biết: Từ đêm 30 tết đến sáng nay đã có nhiều người lên dâng lễ đền Thượng và xin chữ đầu năm. Những người bình thường hay xin chữ “Bình an”, “Phúc”, “Đức”, những người làm nghề kinh doanh, buôn bán thích chữ “Thuận”, “Tài Lộc”, “Thịnh vượng”. Người cao tuổi thích chữ “Thọ”, các cháu học sinh, sinh viên thích chữ “Trí”,“ Học”, “Tài”, “Thành công”… Đó đều là những chữ thể hiện ước vọng và ý nghĩa tốt đẹp trong mùa xuân mới.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364126-net-dep-van-hoa-nhung-ngay-dau-nam-moi