Nét độc đáo Bửu Tán trên ngai vàng trong cung đình Huế xưa
Ngày 14-11, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế giới thiệu về Bửu Tán - lọng quý trang trí trên ngai vua tại di tích Điện Thái Hòa sắp được khánh thành.
Đây là dịp hiếm để người dân, du khách có thể chiêm ngưỡng chi tiết Bửu Tán, bởi khi đã hoàn thành, trưng bày tại điểm di tích, đơn vị quản lý sẽ hạn chế tối đa việc du khách chụp ảnh các hiện vật này, bởi ánh đèn flash có thể ảnh hưởng đến độ bền màu sắc và vật liệu bao phủ hiện vật.
Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng và duy nhất trong lịch sử Việt Nam còn giữ lại ngai vàng nguyên vẹn cho đến ngày nay, minh chứng sống động cho quyền uy và vẻ đẹp của di sản văn hóa cung đình xưa.
Dưới thời vua Gia Long, Bửu Tán được làm từ vải gấm. Đến năm 1923, nhân dịp lễ "Tứ tuần đại khánh," vua Khải Định đã cho làm Bửu Tán bằng gỗ thếp vàng để thể hiện sự xa hoa, quyền quý.
Điện Thái Hòa và Bửu Tán là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, là nơi lưu giữ trọn vẹn giá trị văn hóa của triều Nguyễn trong lòng quần thể di tích Cố đô Huế. Công trình này sẽ được khánh thành vào ngày 23-11 (dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam) sau 3 năm trùng tu.
Điện Thái Hòa được chính thức xây dựng vào năm 1805, dưới triều vua Gia Long. Đến triều Minh Mạng (1833), được chuyển dịch đến vị trí hiện nay. Thái Hòa điện là nơi triều đình nhà Nguyễn cử hành các cuộc đại lễ thường kỳ (một tháng 2 lần vào ngày mồng 1 và ngày rằm) và một số đại lễ quan trọng, như lễ Đăng quang, lễ Tứ tuần, lễ Hưng quốc khánh niệm…