Nét độc đáo của một Bảo vật quốc gia

Vừa qua, tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia Bộ sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi tại di tích khảo cổ Gò Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, có niên đại từ thế kỷ VI - VIII, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tiền Giang.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2021 đối với Bộ sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi tại di tích khảo cổ Gò Thành cho đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL và Bảo tàng Tiền Giang. Ảnh: GIA TUỆ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2021 đối với Bộ sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi tại di tích khảo cổ Gò Thành cho đại diện lãnh đạo Sở VH-TT&DL và Bảo tàng Tiền Giang. Ảnh: GIA TUỆ

CỔ VẬT ĐƯỢC PHÁT HIỆN TỪ 33 NĂM TRƯỚC

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, năm 1989, tại di tích khảo cổ Gò Thành, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật quý, trong đó có bộ sưu tập 18 lá vàng được chạm khắc hình voi, thuộc văn hóa Óc Eo. Đây là bộ sưu tập hiện vật vàng lá có chạm khắc hình voi độc đáo, với số lượng nhiều nhất trên bình diện văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo hồ sơ bảo vật, tại hiện trường, các hình voi được thể hiện đều có định hướng, cho thấy khả năng được bố trí nhìn tập trung vào một điểm ở trung tâm. Đặc điểm trên phản ánh chức năng của những con voi này tương ứng với các vị thần canh giữ các phương ánh sáng theo quan niệm của văn hóa Ấn Độ. Đây là một nét độc đáo và là tư liệu quan trọng để nhận diện các nội dung cơ bản liên quan đến loại hình di tích kiến trúc tại Gò Thành nói riêng, các di tích văn hóa Óc Eo tương tự ở Nam bộ nói chung.

Hiện vật vàng lá chạm khắc hình voi được tìm thấy ở ngôi mộ số 7 tại Di tích khảo cổ Gò Thành vào năm 1989.

Hiện vật vàng lá chạm khắc hình voi được tìm thấy ở ngôi mộ số 7 tại Di tích khảo cổ Gò Thành vào năm 1989.

Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, về giá trị văn hóa, Bộ sưu tập hiện vật vàng lá chạm khắc hình voi tại di tích Gò Thành mang đậm dấu ấn văn hóa Ấn Độ, là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu giữa cư dân văn hóa Óc Eo và nền văn hóa Ấn Độ vào những thế kỷ đầu Công nguyên và kéo dài trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn hóa Óc Eo, có niên đại thế kỷ VI - VIII.

Về giá trị lịch sử, căn cứ vào kỹ thuật chế tác thủ công rất cao trên những hiện vật kim khí, vật thờ, bao gồm những lá vàng được chế tác vô cùng cầu kỳ, đẹp mắt, là những cứ liệu lịch sử quan trọng đối với việc nghiên cứu và nhận thức về giai đoạn phát triển liên tục của nền văn hóa Óc Eo nói riêng và lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Nam bộ nói chung.

Về giá trị văn hóa - nghệ thuật, Bộ sưu tập này là biểu hiện cụ thể cho trình độ phát triển của kỹ thuật chế tác gia công đồ kim hoàn, hội tụ các yếu tố đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật tạo hình, yếu tố thẩm mỹ xoay quanh các nội dung tôn giáo được biểu thị trên đó.

SƯU TẬP VÀNG LÁ KHẮC VOI NHIỀU NHẤT

Hình voi với mô tả tư thế chuyển động sống động.

Hình voi với mô tả tư thế chuyển động sống động.

Cuộc khai quật khảo cổ năm 1989 tại di tích Gò Thành, bộ sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi được phát hiện trong các di tích kiến trúc hố thờ, gồm 18 hiện vật, chia thành 3 nhóm, dựa trên đặc điểm hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc điểm hình khắc.

Ngày 25-12-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2198 công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 10-2021), gồm 23 hiện vật, nhóm hiện vật; trong đó Tiền Giang có 1 bộ sưu tập vàng lá chạm khắc hình voi gồm 18 hiện vật, gốc độc bản, hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu về văn hóa, lịch sử và khoa học - nghệ thuật.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, trên bình diện văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã có những hiện vật tương tự tại các di tích Giồng Xoài (tỉnh Kiên Giang), Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp), chùa Lò Gạch (tỉnh Kiên Giang), Gò Xoài (tỉnh Long An). Tuy nhiên, ở di tích khảo cổ Gò Thành, số lượng hiện vật vàng lá chạm khắc hình voi nhiều nhất, mức độ nguyên vẹn và mức độ tập trung cao, sử dụng kỹ thuật dát mỏng và cắt tạo hình (vuông, hình chữ nhật), các hình voi được chế tác bằng kỹ thuật chạm - khắc kết hợp khắc miết.

Hình voi đơn giản, có tính cách điệu cao, với hai phong cách. Một là, chạm khắc hình voi bằng nét đơn giản, có phần ngô nghê song mang tính biểu tượng hóa với kỹ năng trang trí cao. Hai là, thể hiện hình tượng voi bằng những nét khắc tỉ mỉ, tả thực đến từng chi tiết, tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của tỷ lệ giải phẫu cơ thể học của loài voi.

Các loại hình di tích cư trú, các phế tích di tích kiến trúc mang tính chất tôn giáo, các loại hình tượng thờ, vật thờ… được phát hiện cho thấy Gò Thành từng là một trung tâm dân cư, kinh tế lớn của cư dân văn hóa Óc Eo từ thế kỷ IV- XII; trong đó, Bộ sưu tập hiện vật vàng lá hình voi có niên đại khoảng thế kỷ VI - VIII, cho thấy đây giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn hóa cũng như di tích này.

LINH CHI (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202204/net-doc-dao-cua-mot-bao-vat-quoc-gia-948724/