Nét độc đáo, sáng tạo của Bộ đội Công binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Lực lượng công binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh (Cục Vận tải); 3 đại đội công binh thuộc 3 đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Thực tiễn chiến dịch cho thấy, công tác tổ chức bảo đảm công binh là nét độc đáo, sáng tạo của Bộ đội Công binh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Bảo đảm đường cơ động, vận chuyển

Bảo đảm đường cơ động để đưa vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm... là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của chiến dịch. Tháng 10-1953, Bộ Tổng tư lệnh điều Trung đoàn Công binh 151 lên Tây Bắc mở đường. Công việc ban đầu là sửa đường cho xe ô tô vận tải hậu cần và xe kéo pháo vào tập kết, sau đó thực hiện nhiệm vụ chống lầy, lún, sụt, lở do mưa lũ; phá bom, mìn do máy bay địch đánh phá.

Trung đoàn Công binh 151 cùng các đơn vị thanh niên xung phong và công nhân giao thông tập trung sửa chữa, mở rộng các con đường với chiều dài hàng trăm ki-lô-mét, bảo đảm đường vận chuyển cho xe ô tô, xe đạp thồ và người gánh hàng bộ. Đầu năm 1954, nhận nhiệm vụ phá thác, khơi luồng sông để vận chuyển hàng hóa, Trung đoàn Công binh 151 thành lập một phân đội dùng thuốc nổ phá 110 thác ghềnh, mở đường vận tải thủy trên sông Nậm Na, vận chuyển về Lai Châu hơn 2.000 tấn gạo tiếp tế cho chiến dịch.

Cuối tháng 12-1953, công binh chuyển sang bảo đảm đường cho xe kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Bằng sức lao động của hàng chục nghìn người, với các tời quay tay hỗ trợ, ta đã kéo 24 khẩu pháo 105mm qua sườn núi cheo leo, dốc đứng vào trận địa bí mật, an toàn...

Làm đường kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Làm đường kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Tham gia xây dựng công sự trận địa

Là chiến dịch tiến công, song bộ đội bí mật làm nhiều công sự dã chiến, nhiều hào chiến đấu, hào giao thông áp sát các cứ điểm của địch. Hệ thống công sự trận địa này giúp cán bộ, chiến sĩ cơ động an toàn, tạo thế tiến công địch liên tục dài ngày, hạn chế được thương vong. Để thực hiện cách đánh của chiến dịch là vây hãm, tiến công, đột phá lần lượt, vấn đề mấu chốt phải giải quyết là xây dựng trận địa tiến công. Thực hiện cách đánh, ta kéo pháo lên sườn núi, xây dựng trận địa vững chắc, bí mật, bất ngờ, bảo đảm cho pháo “lên cao, vào gần, bắn thẳng”. Sau một tháng, lực lượng công binh và pháo binh làm được 11 trận địa pháo lựu, 21 trận địa pháo cao xạ đúng theo yêu cầu, bảo đảm phát huy sức mạnh hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch. Giữa tháng 3-1954, quân Pháp hết sức kinh ngạc vì pháo binh của ta đã trút bão lửa xuống căn cứ tiền tiêu Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo.

Mạng đường cơ động gồm các trục dọc, trục ngang bảo đảm cho tiến công, vây lấn đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng. Đồng thời, ở Điện Biên Phủ, mạng đường chiến dịch có nét độc đáo riêng, đó là hệ thống chiến hào, giao thông hào vừa là đường cơ động chiến đấu, vận chuyển, vừa là công trình chia cắt, vây lấn địch rất hiệu quả. Dựa vào thế trận đã tạo ra, ta tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp, thực hiện triệt để việc vây, lấn, tấn, diệt... vừa hạn chế được hỏa lực của địch, vừa phá hủy từng ổ đề kháng của chúng, làm cho sinh lực của chúng hao mòn, tinh thần căng thẳng, hoảng loạn.

Mở cửa và đào đường hầm

Do địch bố trí vật cản dày đặc xung quanh cứ điểm và có hỏa lực bảo vệ rất chặt chẽ nên muốn đột phá vào cứ điểm phải mở cửa khắc phục nhiều loại vật cản. Trong chiến dịch, quân ta chưa có khí tài chuyên dụng mở cửa, nên sử dụng phương pháp đưa thuốc nổ vào bãi vật cản của địch.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là xác định vị trí, hướng cửa mở, sau đó phối hợp chặt chẽ giữa phân đội bộc phá mở cửa với bộ phận hỏa lực kiềm chế hỏa lực địch bảo vệ vật cản. Bộ phận xung kích nắm chắc thời cơ, khi cửa được mở nhanh chóng xung phong vào trong cứ điểm địch. Việc đánh chiếm đồi A1 có ý nghĩa quyết định đến chiến dịch nên cuộc chiến đấu giữa ta và địch rất quyết liệt. Đại đoàn 316 triển khai đào đường hầm nhưng khó khăn về kỹ thuật, nên chuyển cho Trung đoàn Công binh 151 thực hiện.

Đêm 20-4-1954, nhiệm vụ đào đường hầm bắt đầu. Quá trình đào đường hầm, địch liên tục ném lựu đạn và bắn phá ra xung quanh. Ban đêm chúng dùng đèn pha, pháo sáng kiểm soát nghiêm ngặt nên càng vào sâu, công việc càng khó khăn hơn. Quá trình đào, đất được cho vào túi vải dù để đổ ra xa, đèn pin được che bớt ánh sáng, buộc ở đầu cọc đặt tại cửa đường hầm để ngắm hướng; ống thuốc tiêm dùng làm thước thăng bằng. Độ rộng và cao của hầm gần 1m nên khi đào sâu vào trong nhiều người bị ngất vì thiếu dưỡng khí. Có chiến sĩ một đêm ngất 4-5 lần, nhưng không một ai nao núng. Cán bộ, chiến sĩ nằm nối tiếp nhau, dùng quạt nan quạt gió vào trong đường hầm để cung cấp thêm dưỡng khí.

Sau 15 ngày đêm kiên cường, bền bỉ làm nhiệm vụ, phân đội công binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào đường hầm với chiều dài 49m. Chiều và đêm 4-5-1954, khối thuốc nổ gần 1.000kg được đặt vào cuối đường hầm. Đêm 6-5-1954, khối thuốc nổ gần 1.000kg được gây nổ, phá hủy một phần hầm ngầm, sát thương một số tên địch. Ngày 7-5-1954, quân ta chiếm được đồi A1 và bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn Công binh 151 cùng thanh niên xung phong, công nhân giao thông và dân công tiếp tục bảo đảm chống lầy lún, sụt lở đường số 41 cho hàng trăm xe, pháo và các đơn vị rút quân; làm nhiệm vụ quét mìn, dọn dây thép gai, bảo vệ các kho tàng, thu dọn chiến trường, biến cảnh lộn xộn, đổ nát, chết chóc trở lại bình yên cho cánh đồng Mường Thanh.

Thiếu tướng TRẦN TRUNG HÒA, Tư lệnh Binh chủng Công binh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/chuyen-o-chien-truong/net-doc-dao-sang-tao-cua-bo-doi-cong-binh-trong-chien-dich-dien-bien-phu-773630