Nét văn hóa truyền thống dân tộc Khmer
Đại lễ Dâng y Kathina là nghi lễ mang đậm văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer nhằm cầu cho phum sóc yên ấm, gia đình bình an. Đồng thời, thể hiện lòng thành kính với Phật giáo, góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết giữa chư tăng, phật tử trong phum sóc.
Hàng năm, trong khoảng thời gian từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch, bà con người Khmer Nam bộ lại rộn ràng tổ chức Đại lễ Dâng y Kathina. Năm nay, Đại lễ Dâng y Kathina tổ chức tại chùa Khmer ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham gia của các chư tăng cùng đông đảo các tăng ni, phật tử với đầy đủ các nghi thức trang nghiêm như: Tụng kinh lễ bái Tam Bảo, Nhiễu Phật xung quanh chánh điện, phật tử thọ trì Tam quy ngũ giới, Phật tử đặt bát hội đến chư tăng, chư tăng tiến hành Tăng sự thọ y Kathina…
Một quy định bắt buộc trong lễ Dâng y Kathina là việc dâng y chỉ được thực hiện tại các chùa có chư tăng nhập hạ và chỉ cúng dường đến đại chúng tất cả chư tăng chứ không dâng trực tiếp cá nhân một sư tăng nào. Điều này thể hiện ý nguyện hộ trì tam bảo, phụng sự giới pháp, câu thúc giới luật của người phật tử tại gia đối với tăng đoàn. Trong dịp lễ Dâng y diễn ra, y áo và các vật cúng dường khác được phật tử đặt vào mâm rồi đội lên đầu để tỏ lòng kính ngưỡng tam bảo, sau đó đi diễu hành trong thôn, xóm, làng mạc trước khi đến chùa để dâng lên chư tăng. Khi tiến hành lễ dâng y, phật tử không trực tiếp tự tay dâng y mà đặt y trước mặt chư tăng. Chư tăng chỉ nhận bằng cách im lặng chứ không dùng tay thụ nhận.
Đại lễ Dâng y Kathina thể hiện tấm lòng thành kính, thiện tâm của Phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, tạo niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho phật tử tại gia; là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật, mang lại sự bình an cho đất nước, an lạc cho phật tử thập phương.
Việc tổ chức Đại lễ dâng Y Kathina tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đời sống văn hóa, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động giao lưu, hữu nghị trong cộng đồng Asean để giới thiệu văn hóa Phật giáo và đời sống tôn giáo Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/net-van-hoa-truyen-thong-dan-toc-khmer-112247.html